Cách làm giàu của anh "Xuân cá"
(Baonghean) - Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá của anh Nguyễn Văn Xuân ở xóm Trùng Hồng (Diễn Hồng - Diễn Châu) đúng lúc gia đình đang “ đánh ao” đợt đầu tiên của năm 2014 nếu như không được anh Nguyễn Xuân Đài – Trưởng trạm khuyến nông Diễn Châu giới thiệu về anh “Xuân cá” là chủ trang trại có doanh thu hàng tỷ đồng/năm, thì không thể phân biệt được giữa ông chủ với người làm thuê, bởi anh cũng lội bì bõm dưới ao cùng kéo cá.
Đợt “đánh ao” lần đầu tiên này gia đình anh Xuân thu hoạch gần 10 tấn cá, khách hàng ở Vinh và Nghĩa Đàn đánh xe ô tô tải đến tận ao mua cá và giá bán thời điểm này được gần 300 triệu đồng. Được giá, lại thu hoạch sản lượng lớn, sự khởi đầu may mắn này làm cho anh Xuân và cả gia đình, cũng như người làm công rất vui vẻ. Khi cân cá xong cho khách hàng, anh Xuân mới có thời gian kể về quá trình làm ăn vất vả trong suốt những năm qua. Anh đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để kiếm sống, thành công nhiều và thất bại cũng không ít, nhưng con đường làm giàu vững chắc nhất là ở quê hương.
Anh cho rằng, nếu có niềm tin, nỗ lực lao động và cộng thêm sự năng động, táo bạo…sẽ thành công. Nhận thức như vậy, nên từ năm 2001, khi huyện Diễn Châu phát động phong trào nuôi cá lúa, anh Xuân đã tiên phong làm mô hình 1 vụ cá 2 vụ lúa trên 1,5 ha. 2 vụ lúa nước thu hoạch được khoảng 16 tấn thóc/năm, nhưng 1 vụ cá chịu khó đầu tư nuôi mè hoa, cá chép lại thu hoạch được khoảng 70 triệu đồng. Như vậy thấy rằng nuôi cá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nên sau vài vụ làm cá lúa, thì đến năm 2006 anh Xuân quyết định chuyển hẳn sang nuôi cá.
Cái khó nhất khi chuyển từ làm lúa sang nuôi cá là việc cải tạo đất, hồ nuôi. Do quy định của xã không được múc đất, nên phải đầu tư 450 triệu đồng xây dựng bờ cao 2 mét tạo thành ao nuôi cá. Tuy tốn kém, nhưng nuôi cá rất thuận lợi. Khi chuyển thành trang trại nuôi cá, anh Xuân quyết định nuôi cá rô phi đơn tính và giống lấy tại một số đơn vị quanh vùng. Trong quá trình nuôi, thấy rằng cá rô phi đơn tính giống Thái Lan mà người dân thường nuôi không hiệu quả bằng giống cá rô phi đơn tính của Đài Loan, vậy là anh mạnh dạn đi đầu trong việc chuyển sang nuôi loại cá mới này. Anh Xuân nhận xét: “Cá rô phi đơn tính giống Đài Loan tỷ lệ đơn tính là 99%, cá đồng đều và nhất là thịt thơm, ngon, dai, nên được người tiêu dùng rất thích. Với lợi thế này, nên lúc nào đến dịp “đánh ao” là khách hàng đến đặt mua hết. Thành công trong việc chuyển đổi giống cá nuôi đã mang lại hiệu quả cao và hiện nay tôi đang vận động người dân trong vùng chuyển sang nuôi cá giống mới này”.
Thu hoạch cá rô phi đơn tính tại trang trại của anh Nguyễn Văn Xuân |
Không quá chút nào khi người dân ở Diễn Hồng và vùng lân cận đều yêu mến anh, rồi gắn cho anh cái tên “Xuân cá”. Hiện nay anh có 2,3 ha diện tích ao hồ nuôi cá với quy mô nuôi cá bán công nghiệp được quy hoạch, xây dựng thành 3 ao nuôi cá rô phi đơn tính của Đài Loan và 1 ao nuôi cá trê. Được biết, mỗi ao nuôi cá rô phi được chăm chút rất cẩn thận, nên 1 năm có thể “đánh ao” 3 lần và với việc thu hoạch quanh năm từ nuôi cá rô phi đơn tính, anh Xuân có nguồn thu rất lớn từ nuôi cá. Năm 2013, trang trại nuôi cá bán công nghiệp này thu hoạch 86,4 tấn cá rô phi đơn tính Đài Loan với giá trị 2,6 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi hơn 1,5 tỷ đồng.
Ngoài ra từ ao nuôi cá trê (năm 2013 bán 10 tấn cá thu hoạch 260 triệu đồng), anh còn nuôi hàng nghìn con vịt, hàng chục con lợn…, tạo ra nhiều khoản thu nhập lớn cho gia đình. Anh Xuân kể lại: “Tôi đã phải trả giá rất đắt cho việc chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, phòng dịch bệnh, nên năm 2010, trang trại nuôi 120 con lợn thịt bị lây lan dịch bệnh tai xanh phải tiêu hủy hết. Sự việc này đã giúp tôi đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh chăn nuôi. Nhờ vậy, thời gian qua đàn vịt, lợn nuôi trong trang trại không bị dịch bệnh”.
Anh “Xuân cá” trở nên năng động và rất thành công trong việc đầu tư phát triển chăn nuôi là nhờ tham gia vào lớp đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản do huyện Diễn Châu tổ chức. Kiến thức học tập được anh áp dụng linh hoạt vào thực tiễn rất hiệu quả. Anh cũng thường xuyên tìm hiểu, học tập thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong sách báo, của những người đi trước, thậm chí đi nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm.
Qua tìm hiểu thị trường, anh Xuân thấy rằng, thời gian gần đây nhu cầu tiêu thụ con chạch rất lớn, giá bán lại cao, vậy là anh lại tìm đường ra Nam Định học hỏi cách nuôi chạch. Vừa qua, do thực hiện việc dồn điền đổi thửa, chuyển từ ô thửa nhỏ sang thửa lớn, anh Xuân có điều kiện nhận đất mở rộng mô hình chăn nuôi bán công nghiệp lên diện tích 4 ha, hiện nay anh chuẩn bị đầu tư cải tạo lại đất để nuôi chạch.
Thành công trong chăn nuôi, anh Xuân trở thành một trong những mô hình làm ăn có hiệu quả nhất ở Diễn Châu.
Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh