Tự do tín ngưỡng trong các bản Hiến pháp

18/02/2014 17:52

(Baonghean) - Theo dòng chảy của lịch sử, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, kể cả tôn giáo nội sinh và tôn giáo ngoại nhập. Người có tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam được yên tâm và an toàn hành đạo theo đúng nghĩa của một đạo giáo chân chính. Điều này thể hiện rất rõ ở chỗ, hệ thống văn bản pháp quy của Nhà nước Việt Nam có 13 bậc thì quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được thể hiện ở bậc cao nhất, hiến định rất rõ ràng trong đạo luật gốc đó là Hiến pháp.

Ngay sau khi giành được chính quyền năm 1945, bước sang năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của một nước cộng hòa non trẻ đã khẳng định tại Chương 1, Điều 1: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”; hay ở Chương 2 “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân Điều 10 khẳng định “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”. Không chỉ thể hiện trong văn bản pháp quy có giá trị cao nhất về quyền tự do tín ngưỡng mà Đảng ta đã dành những sự ưu ái, tin tưởng đặc biệt đối với đồng bào, nhân sỹ, trí thức là người các tôn giáo thể hiện trong thành phần nội các Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa lúc bấy giờ có nhiều vị bộ trưởng, cố vấn của chính phủ là người theo đạo Công giáo, đạo Phật.

Đến lần sửa đổi thứ nhất năm 1959 quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cũng bất di, bất dịch, mặc dù thời điểm lúc bấy giờ cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc ta đang vào thời kỳ khốc liệt nhất, đế quốc Mỹ dùng những thủ đoạn man rợ, lê máy chém khắp miền Nam hòng xóa sổ các cơ sở cách mạng của Đảng; Dùng chiến tranh tâm lý, tôn giáo để chia rẽ, gây mâu thuẫn trong Đảng, trong quần chúng nhân dân. Nhưng với niềm tin tưởng vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa Đảng ta lại nhất quán đưa quyền tự do tín ngưỡng vào Hiến pháp sửa đổi. Tại Chương III, Điều 23 Hiến pháp 1959 khẳng định “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử...” hay ở Điều 26 “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Cả hai bản Hiến pháp thời kỳ này đều do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo biên soạn vì thế đã thể hiện một cách nhất quán của Người về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.

Bà con xóm giáo toàn tòng Đà Lam, Đà Sơn, Đô Lương với nghề mộc  truyền thống. Ảnh: Thanh Lê
Bà con xóm giáo toàn tòng Đà Lam, Đà Sơn, Đô Lương với nghề mộc truyền thống. Ảnh: Thanh Lê

Đến năm 1980, sửa đổi lần này quyền tự to tín ngưỡng lại tiếp tục được hiến định tại Chương V “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, Điều 57 “Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử …” Điều 68 “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Nói riêng về phạm trù tự do cho tôn giáo trải dài trên khắp đất nước của chúng ta nơi nào cũng có bản sắc riêng biệt, sự riêng biệt ấy được duy trì một cách sâu sắc từ trong tâm thức truyền từ đời này sang đời khác xuyên suốt qua nhiều thế hệ. Đảng và Nhà nước ta không chỉ quan tâm, bảo tồn, tôn trọng mà còn tích cực tạo điều kiện để các tôn giáo có đầy đủ tư cách pháp nhân hoạt động bình đẳng trước pháp luật.

Đến Hiến pháp 1992 văn bản có giá trị tối thượng quy định quyền tự do tín ngưỡng cũng thể hiện về tính chất cũng như ý nghĩa quan trọng của tôn giáo trong đời sống xã hội, quyền tự do tín ngưỡng đã được Nhà nước quan tâm và khẳng định đầy đủ phù hợp với xu thế phát triển của xã hội dân chủ và tiến bộ. Chương V “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” Điều 70 hiến định “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Đến lần bổ sung sửa đổi 2013 này đánh dấu một bước phát triển mới về nội dung và hình thức trên cơ sở đổi mới tư duy pháp lý, nhưng tính nhất quán về tôn trọng tự do tín ngưỡng là bất di, bất dịch. Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, Điều 24 khẳng định:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Trên cơ sở xem xét về quyền tự do tín ngưỡng trong các bản Hiến pháp của Việt Nam từ năm 1946, 1959, 1980 và đến nay 2013 chúng ta thấy vấn đề tôn giáo và tự do tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà được đề cao, tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho công dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình theo xu thế toàn cầu. Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã nhanh chóng hội nhập, ban hành các văn bản đảm bảo việc thực thi các quy định của điều ước đã được ký kết, thậm chí chủ động mở rộng quan hệ ngoại giao với các tổ chức tôn giáo trên thế giới, cử các phái đoàn và nguyên thủ quốc gia nhiều lần thăm viếng, làm việc với Vatican về thực thi quyền tự do tín ngưỡng của công dân.

Tư tưởng nhất quán của Đảng ta về tôn trọng tự do tín ngưỡng trong các bản Hiến pháp đánh dấu một bước phát triển mới về nội dung và hình thức trên cơ sở đổi mới tư duy pháp lý trong đó xác định quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng. Dựa trên những ký kết của chúng ta về vấn đề nhân quyền cộng đồng quốc tế cũng phải thừa nhận những nội dung trong những quy định về quyền tự do tín ngưỡng trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam là rất tiến bộ. Hơn ai hết chúng tôi, những người có tín ngưỡng tôn giáo “phần xác ấm no, phần hồn được thong dong”, cảm thấy rất yên tâm khi tham gia các hoạt động tín ngưỡng ở các cơ sở thờ tự của một đất nước có thể chế chính trị như ở nước ta.

Cuộc sống của chúng ta, nhất là với những người theo tín ngưỡng các tôn giáo thật sự có ý nghĩa khi hoạt động tín ngưỡng mang tư tưởng của nhà Phật, của Đức Chúa Trời, được hành đạo trong một đất nước thanh bình, không có chiến tranh, an sinh xã hội được đảm bảo. Trách nhiệm đó thuộc về tất cả chúng ta khi các quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng được Hiến pháp quy định. Những người có chung tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam hôm nay nguyện chung sức, chung lòng, xây dựng quê hương, đất nước ngày một mạnh giàu, gìn giữ cái hay, cái đẹp đạo làm người mà Đức Phật và Chúa Trời đã dạy.

Anh Sơn