Tích cực phát triển đàn gia cầm

31/03/2014 21:07

(Baonghean) - Đầu năm 2014, dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh, gồm: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương. Trong đó, huyện Quỳnh Lưu có dịch xảy ra ở 2 xã Quỳnh Lâm và Quỳnh Hậu tại 8 hộ chăn nuôi, phải công bố dịch; còn lại tại các huyện trên, dịch xảy ra trong vòng 1 - 2 hộ nên đã khoanh vùng dập dịch, khống chế dịch không lây lan. Đến nay, dịch đã qua 21 ngày, trên địa bàn toàn tỉnh đã hết dịch, sạch bệnh, các địa phương tiếp tục phát triển đàn gia súc, gia cầm.

Đến thăm trang trại chăn nuôi gà siêu thịt của gia đình anh Nguyễn Trọng Phúc xóm 2, xã Nghi Hoa (Nghi Lộc), với quy mô chăn nuôi lớn ở cách xa khu dân cư, áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, tổng đàn chăn nuôi luôn được đảm bảo an toàn. Anh Phúc bắt đầu nuôi gà công nghiệp từ năm 2001, đến nay quy mô 5 trại chăn nuôi với 41.000 con/lứa, một lứa nuôi 2 tháng cho xuất chuồng. Gia đình anh nuôi gà cho Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, được công ty cung cấp đầy đủ từ con giống, thức ăn, kỹ thuật, các loại thuốc kháng sinh phòng, chữa bệnh và bao tiêu sản phẩm. Bình quân mỗi năm chăn nuôi ổn định, đàn gà phát triển tốt cho tổng sản lượng xuất chuồng hơn 500 tấn/năm. Anh Phúc chia sẻ: Nhờ áp dụng đồng bộ kỹ thuật chăn nuôi gà công nghiệp, hàng năm đều tiêm phòng dịch đầy đủ, qua 13 năm nuôi gà công nghiệp quy mô trang trại nhưng chưa khi nào xảy ra dịch cúm gia cầm. Thông thường nếu đàn gà phát triển tốt, sau khi trừ các loại chi phí, mỗi lứa gà xuất chuồng có lãi 50 – 60 triệu đồng, tổng mức lãi ròng từ 250 – 300 triệu đồng/năm.

Trang trại nuôi gà siêu thịt của anh Nguyễn Trọng Phúc  ở xã  Nghi Hoa  (Nghi Lộc).
Trang trại nuôi gà siêu thịt của anh Nguyễn Trọng Phúc ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc).

Hộ anh Nguyễn Đình Phú cùng xã Nghi Hoa chuyên nuôi vịt nhiều năm nay, hiện tổng đàn vịt của gia đình anh có 5.000 con, trong đó hơn 1.000 vịt đẻ và gần 4.000 con vịt thịt. Cả 5.000 con vịt vừa được tiêm phòng dịch đầy đủ, phát triển khỏe mạnh, an toàn. Trại nuôi ở cách xa khu dân cư, chuồng trại, ao nuôi thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng đảm bảo, không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đó mà đàn vịt của gia đình chưa năm nào xảy ra dịch cúm gia cầm, luôn cho thu hoạch thịt và sản lượng trứng đảm bảo, cứ xuất bán hết lứa này lại đầu tư nuôi lứa khác, trại của anh luôn có sản phẩm bán quanh năm, nhất là vào mùa hè nhu cầu tiêu thụ trứng vịt lộn tăng mạnh, đem lại nguồn thu khá cho gia đình. Nghề nuôi vịt góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình, do đó anh Phú rất chú trọng chăn nuôi, thường xuyên tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi để áp dụng đã đem lại thành công trong chăn nuôi đàn thủy cầm suốt nhiều năm qua.

Nghi Hoa có tổng đàn gia cầm lớn với 75.000 con, người chăn nuôi địa phương khá chú trọng đầu tư phát triển đàn gia cầm bởi đầu ra thuận lợi. Nghi Hoa có chợ Quán họp 30 phiên/tháng, chợ trung tâm của các xã lân cận, là nơi tập trung buôn bán gia cầm, thịt lợn, thịt bò. Trên địa bàn có tỉnh lộ 534 chạy xuyên suốt, thường xuyên vận chuyển gia súc, gia cầm từ các huyện miền tây về qua xã, do đó nguy cơ lây lan mầm bệnh rất lớn, từ thực tế này, chính quyền địa phương cũng như người chăn nuôi rất chú trọng công tác phòng dịch.

Ông Đặng Thọ Thiệu - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Hoa cho biết: Đầu năm 2014, xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm xảy ra ở xã Nghi Vạn – địa phương giáp xã Nghi Hoa, chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch cho nhân dân, đặc biệt các hộ chăn nuôi lớn. Đồng thời phối hợp với ban quản lý thị trường thường xuyên làm tốt công tác kiểm soát giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn; tổ chức phun tiêu độc khử trùng, tiếp nhận từ Trạm Thú y huyện 60.000 liều vác xin tiêm phòng cho đàn gia cầm. Đến nay tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn xã vẫn phát triển ổn định, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân.

Nghi Lộc là một trong những đơn vị hiện có tổng đàn chăn nuôi gia cầm lớn với 1.335.000 con, trong đó có 15 trang trại quy mô xuất bán 5.000 con/lứa, và hàng trăm gia trại chăn nuôi gà, vịt, ngan. Tỷ trọng giá trị của ngành chăn nuôi gia cầm chiếm khoảng 30% nội ngành chăn nuôi của huyện, do đó công tác phòng chống dịch gia cầm luôn được chú trọng. Ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Trước tình hình dịch cúm gia cầm cuối năm 2013, đầu năm 2014 diễn biến phức tạp, huyện Nghi Lộc nhanh chóng triển khai tháng tiêu độc khử trùng, rà soát lại hệ thống trang thiết bị đầu tư cho công tác phòng chống dịch, ở mỗi xã được huyện trang bị 1 tủ bảo ôn và 1 bình phun động cơ. Tổ chức rà soát sát tình hình ở cơ sở, nhờ đó ổ dịch xuất hiện đầu tiên ở Nghi Vạn được phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lây lan. Đến nay dịch đã qua 21 ngày, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển ổn định, người dân yên tâm đầu tư phát triển tăng đàn gia cầm, không có tình trạng nông dân bỏ chuồng trại khi dịch xảy ra như một số năm trước.

Tại huyện Quỳnh Lưu, tình hình chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh có khoảng 1.965.000 con, hiện nay bà con các địa phương đang tập trung chăn nuôi tái đàn sau tiêu thụ Tết. Bây giờ đã cuối tháng 3, người dân đang chuẩn bị chuồng trại, nguồn vốn, con giống để chuẩn bị sang đầu tháng 4 chăn nuôi vịt phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong mùa hè. Vịt được nuôi tập trung nhiều ở Quỳnh Giang, Quỳnh Lâm, Quỳnh Bá, Quỳnh Hưng… Cũng như nhiều hộ chăn nuôi trong huyện, anh Nguyễn Thiệu ở xã Quỳnh Hậu đang chuẩn bị nuôi hơn 100 con vịt, nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ vịt thịt và trứng vịt lộn trong mùa hè tăng cao, gia đình lại có diện tích mặt nước nên quyết định nuôi vịt vào dịp này. Anh Thiệu tính toán, sang đầu tháng 4 mua vịt giống về nuôi chăm sóc tại vườn nhà, đến khi vịt lớn vào dịp thu hoạch lúa vụ xuân, gia đình sẽ đem ra đồng chăn thả để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên và lúa rơi vãi ở ruộng, tiết kiệm được chi phí mua thức ăn, tăng hiệu quả chăn nuôi cho gia đình. Hai vợ chồng làm 8 – 9 sào ruộng, nuôi 3 đứa con ăn học, chỉ nhìn vào lúa thì không đủ nên cố gắng chăn nuôi thêm đàn vịt để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống.

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Hiện nay người dân trong huyện có xu hướng chăn nuôi đàn gia cầm tập trung với quy mô hàng trăm con trở lên. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn, có sản phẩm tiêu thụ quanh năm. Người dân xác định chăn nuôi là nghề đem lại thu nhập đáng kể cho nông hộ, chính vì vậy ở địa bàn nông nghiệp, phát triển chăn nuôi đang được chú trọng. Huyện Quỳnh Lưu tập trung cao điểm tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, đặc biệt tại những điểm có ổ dịch trước đây. Thường xuyên tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch để người dân biết và luôn theo dõi sát đàn vật nuôi nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra, hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi.

Đến thời điểm hiện nay, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh khoảng 16,7 triệu con, số lượng đàn có giảm so với thời điểm cuối năm 2013 do nhu cầu tiêu thụ gia cầm lớn trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Hiện nay trên địa bàn đã hoàn toàn sạch bệnh, người chăn nuôi ở các địa phương đang tự tin đầu tư nuôi tăng quy mô đàn, bên cạnh đó có sự vào cuộc sát sao của ngành nông nghiệp, thú y cơ sở cùng đồng hành hỗ trợ về kỹ thuật và phòng trừ bệnh cho đàn vật nuôi, giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi.

Bài, ảnh: Quỳnh Lan