Tạo hứng thú cho học sinh khi học môn Lịch sử

23/02/2014 18:44

Thông qua kết quả của các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển vào đại học, cao đẳng, các cuộc điều tra xã hội học, dư luận xã hội cho thấy nhận thức về lịch sử của thế hệ trẻ còn rất hạn chế. Sự thật đáng buồn đó đã gây ra những bức xúc, nỗi lo âu của toàn xã hội. Nguyên nhân do đâu? Làm thế nào để thay đổi tình trạng dạy và học môn Lịch sử như hiện nay?..., đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

 Trường THCS Việt Nam - An-giê-ri (Hà Nội) dạy môn Lịch sử cho học sinh trên máy chiếu, đồng thời yêu cầu học sinh thu thập các hình ảnh và tài liệu của môn học. Trong ảnh: Học sinh được tìm hiểu về nhiều nhân vật lịch sử của Việt Nam tại viện bảo tàng.        Ảnh: MINH CHÂU
Trường THCS Việt Nam - An-giê-ri (Hà Nội) dạy môn Lịch sử cho học sinh trên máy chiếu, đồng thời yêu cầu học sinh thu thập các hình ảnh và tài liệu của môn học. Trong ảnh: Học sinh được tìm hiểu về nhiều nhân vật lịch sử của Việt Nam tại viện bảo tàng. Ảnh: MINH CHÂU

Thông qua kết quả của các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển vào đại học, cao đẳng, các cuộc điều tra xã hội học, dư luận xã hội cho thấy nhận thức về lịch sử của thế hệ trẻ còn rất hạn chế. Sự thật đáng buồn đó đã gây ra những bức xúc, nỗi lo âu của toàn xã hội. Nguyên nhân do đâu? Làm thế nào để thay đổi tình trạng dạy và học môn Lịch sử như hiện nay?..., đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Trong sự nghiệp giáo dục, môn Lịch sử ở trường phổ thông đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của nước nhà. Ðã có nhiều thầy giáo, cô giáo tâm huyết với nghề, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao tính hấp dẫn của môn học, bổ sung phần lịch sử địa phương trong chương trình phổ thông.

Trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, có nhiều học sinh đạt kết quả cao và được tuyển thẳng vào trường đại học và cao đẳng, đi học nước ngoài theo chuyên ngành. Ðể khuyến khích và động viên các thầy giáo, cô giáo và học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, Hội Sử học Việt Nam đã tổ chức lễ tuyên dương và trao giải thưởng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám tháng 4-2012... Nhưng tại sao phần lớn học sinh không thích môn học Lịch sử, coi đó là môn học phụ với các sự kiện, năm tháng khô khan và nhàm chán?

Ða số các nhà sử học, các chuyên gia và giáo viên, phụ huynh, học sinh đều nhận thấy có những nguyên nhân chính liên quan chương trình và sách giáo khoa; phương pháp dạy và học; đào tạo và bồi dưỡng giáo viên; kiểm tra đánh giá khiến cho học sinh không thích học môn Lịch sử.

Chương trình và sách giáo khoa Lịch sử ở phổ thông mặc dù đã có nhiều đổi mới song vẫn còn nặng nề, đầy ắp các sự kiện, năm, tháng. Chương trình môn học Lịch sử hiện nay được xây dựng theo nguyên tắc "đồng tâm kết hợp với đường thẳng" từ tiểu học đến THPT. Vì vậy kiến thức được lặp đi lặp lại trong sách giáo khoa làm cho người dạy và người học nhàm chán. Có thể lấy thí dụ đơn giản, hiện nay học sinh tiểu học học Lịch sử theo thông sử. Ðiều đó không phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học, cần đưa ra chương trình giáo dục lịch sử nhẹ nhàng thông qua các câu chuyện lịch sử, các nhân vật lịch sử, các cuộc dã ngoại tham quan...

Sách giáo khoa Lịch sử ở THPT mang tính hàn lâm, chưa hấp dẫn người học, kiến thức còn dàn trải, nặng nề. Vì vậy khiến các em học sinh phải nhớ quá nhiều mà ít có tính tổng hợp, khái quát những vấn đề cơ bản. Mặt khác, theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo và các Sở, đối với các trường phổ thông, thời lượng giảng dạy sách giáo khoa Lịch sử chỉ có một đến hai tiết/tuần. Với thời lượng ít ỏi như vậy, rất khó để môn Lịch sử có điều kiện khắc sâu, tổng hợp, phát triển tư duy của học sinh cũng như để các trường thực hiện các chương trình dã ngoại tham quan.

Giáo viên mặc dù được đào tạo cơ bản, có ý thức học tập nâng cao nghiệp vụ song vẫn thường sử dụng các kỹ thuật, phương pháp dạy học truyền thống (thầy đọc - trò chép), sự đầu tư giảng dạy bằng máy chiếu, sử dụng phương tiện, đồ dùng trực quan còn hạn chế. Mặt khác, ở vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị phục vụ dạy học Lịch sử vẫn còn thiếu. Trong học tập, có hiện tượng học sinh chạy đua theo các môn tự nhiên, xa rời các môn xã hội.

Ðể tạo được sự hứng thú cho học sinh khi học môn Lịch sử, nhiều chuyên gia kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần thực hiện tốt hai nội dung sau: Thứ nhất, đổi mới kiểm tra, cách ra đề thi. Ðây là khâu đột phá trong các khâu đổi mới của môn Lịch sử phổ thông. Ðây là vấn đề không mới, nhưng nó là yếu tố quyết định làm cho học sinh thích thú học Lịch sử trong tương lai. Việc kiểm tra đánh giá, cách ra đề thi cần phong phú, đa dạng, phát huy năng lực người học, khả năng sáng tạo, vận dụng kiến thức, phát huy tính tự học, đánh giá quá trình người học, đánh giá có sự tham gia của nhiều người và bảo đảm công bằng, chính xác.

Thứ hai, mỗi giáo viên có cách truyền đạt môn Lịch sử khác nhau. Và mỗi học sinh ở mỗi lứa tuổi cũng lại có cách tiếp cận khác nhau. Môn Lịch sử sẽ trở nên phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng Lịch sử là môn học không cần sự sáng tạo. Nội dung chương trình sách giáo khoa Lịch sử hiện nay mang tính áp đặt, được xem là "pháp lệnh" thiếu những lập luận, dẫn dắt người học, để người học cảm nhận đang được tiếp thu kiến thức mới, tìm hiểu chân lý khoa học.

Nên quan niệm sách giáo khoa là tài liệu tham khảo, tập hợp các tư liệu được chắt lọc, học sinh có thể sử dụng để khám phá, giải mã lịch sử. Xuất phát từ thực tế, nhiều giáo viên hiện nay rất muốn được sáng tạo trong cách dạy, nhưng họ lại bị chi phối bởi hình thức đánh giá giáo viên theo kiểu cũ (đặc biệt trong các giờ kiểm tra, thao giảng). Mỗi tiết dạy của giáo viên được đánh giá theo các tiêu chí sau: kết quả, phương pháp, thời gian, trình bày bảng, liên hệ, không khí lớp học...

Do vậy, cả giáo viên và học sinh sẽ bị bó hẹp trong cách truyền đạt kiến thức cũng như tiếp nhận kiến thức, làm giờ dạy nặng nề, không hứng thú. Thiết nghĩ nên chăng đánh giá giờ dạy của giáo viên phải dựa vào hiệu quả của giờ giảng thông qua kết quả đạt được của học sinh. Cần làm cho giờ học Lịch sử thành sân chơi tri thức đầy sáng tạo.

Muốn học sinh được khám phá môn học Lịch sử một cách hứng thú và hiệu quả cần trao quyền cho các trường và giáo viên có quyền tự chủ về "dạy gì, dạy như thế nào?". Mỗi giáo viên là một "thực tiễn giáo dục" phong phú mà ở đó, học môn Lịch sử là một quá trình khám phá, giải mã, suy ngẫm về quá khứ thông qua các nguồn sử liệu, từ đó hình thành nên nhân cách, phẩm chất, năng lực người học.

Còn học sinh trở thành "nhà sử học nhỏ" thay vì là một "cỗ máy" ghi nhớ các sự kiện, đánh giá. Bộ Giáo dục và Ðào tạo nên thực hiện " một chương trình khung - nhiều sách giáo khoa" để trao quyền tự chủ, sáng tạo cho các trường học và giáo viên. Một khi giáo viên được trao quyền tự chủ, sáng tạo, chất lượng giáo dục bộ môn Lịch sử sẽ có sự chuyển biến.

Theo NDĐT