Tình quân dân nơi biên giới

07/04/2014 20:59

(Baonghean) - Trong tiết trời mưa phùn, chúng tôi tạm biệt Thành phố Vinh lên thăm cán bộ, chiến sỹ (CBCS), nhân dân xã biên giới Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. Sau gần 1 ngày hành quân liên tục, vào lúc chiều muộn, khi sương mù đã bắt đầu giăng khắp núi rừng, xe chúng tôi mới tới Đồn Biên phòng Nậm Càn. Đón chúng tôi có các anh trong ban chỉ huy và các cán bộ, chiến sỹ đơn vị. Những cái siết tay thật chặt, những câu hỏi thân tình của những người lính biên cương đã nhanh chóng xua tan đi nỗi vất vả, mệt mỏi bởi quãng đường xa.

Đồn Biên phòng Nậm Càn có nhiệm vụ quản lý bảo vệ 25 km đường biên giới Việt - Lào và xã biên giới Nậm Càn. Đây là xã có 100% đồng bào dân tộc Mông với 316 hộ/1.982 nhân khẩu sinh sống ở 6 bản là: Huồi Nhao, Nậm Khiên, Nậm Càn, Sơn Thành, Liên Sơn và Thăm Hín. Khoảng chục năm về trước, đây là địa bàn có đối tượng xấu hoạt động, xâm nhập qua biên giới gây bất ổn về trật tự trị an. Mảnh đất biên ải này từng ghi dấu nhiều chiến công đi vào sử sách. Để có được sự bình yên trên mảnh đất này, những giọt máu đào của Anh hùng liệt sỹ Trung úy Nguyễn Cảnh Dần (Đồn Nậm Càn) và Anh hùng liệt sỹ Và Tổng Khư (Trung đội dân quân xã Nậm Càn) đã thấm đất biên cương. Các anh đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

CBCS Đồn Biên phòng Nậm Càn cùng dân quân địa phương tuần tra biên giới.
CBCS Đồn Biên phòng Nậm Càn cùng dân quân địa phương tuần tra biên giới.

Nối tiếp truyền thống vẻ vang ấy, thời gian qua Đảng ủy - Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Nậm Càn đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy - chính quyền, đồng bào địa phương xây dựng thế trận biên phòng ngày càng đi vào chiều sâu, bảo vệ vững chắc chủ quyền An ninh biên giới của Tổ quốc.

Đảng ủy - Ban Chỉ huy đơn vị đã triển khai 3 tổ công tác địa bàn với 14 cán bộ có kinh nghiệm làm công tác vận động quần chúng, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào trực tiếp “cắm bản”, thực hiện “4 cùng” với bà con. Đây là lực lượng tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Các anh hàng ngày còn lên nương, rẫy cùng với bà con tích cực tăng gia sản xuất, xoá đói, giảm nghèo như trồng gừng, làm trang trại chăn nuôi, làm lúa nước. Đội ngũ này tích cực giúp đỡ địa phương bồi dưỡng, tạo nguồn, phát triển được 11 đảng viên mới. Xây dựng củng cố được 2 chi bộ đảng, 4 chi hội quần chúng đi vào hoạt động có nền nếp....

Dù thu nhập từ đồng lương còn ít ỏi nhưng CBCS đơn vị đã tích cực đóng góp để thực hiện nghĩa cử “nhường cơm sẻ áo”, làm tốt công tác chính sách, chăm sóc giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: Phối hợp với Trường Tiểu học Nậm Càn hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng 2 cháu con Liệt sỹ Và Tổng Khư với số tiền hàng tháng là 250.000 đồng từ Quỹ Khuyến học của đơn vị do CBCS đóng góp. Trong dịp tổng kết năm học 2012 - 2013, đơn vị đã phối hợp với Trường Tiểu học Nậm Càn biểu dương, tặng quà cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi với số tiền trị giá 900.000 đồng; Giúp đỡ các gia đình khó khăn gần 100 ngày công sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, quân y đơn vị còn khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 36 lượt người; phối hợp với y tế xã tẩm màn chống muỗi cho 200 hộ. Bên cạnh đó còn tư vấn hướng dẫn cho đồng bào cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng, chống các loại dịch bệnh...

Đặc biệt, đơn vị đã phát huy được vai trò của đội ngũ các cán bộ cốt cán, những già làng, trưởng bản, người có uy tín, đầu dòng họ để tuyên truyền vận động nhân dân không di dịch cư trái phép, không nghe lời kẻ xấu phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc... Thượng tá Phạm Hữu Hà, Đồn trưởng kể cho chúng tôi nghe một ví dụ điển hình về vai trò quan trọng của các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đó là khi đơn vị tổ chức thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh Nghệ An về việc tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Bước vào thực hiện cũng có một số khó khăn do đồng bào vốn xem khẩu súng săn là một vật dụng không thể thiếu bên mình khi đi rừng, lên nương rẫy.

Ngoài việc săn bắn, khẩu súng còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh, là vật để xua đuổi tà ma. Đặc biệt, trong các gia đình người Mông nơi đây có quan niệm khẩu súng thể hiện sức mạnh của người đàn ông. Và việc lấy khẩu súng ra khỏi nhà chẳng khác nào lấy đi sức mạnh của họ. CBCS đơn vị đã dựa vào đội ngũ già làng, trưởng bản, những người có uy tín để tuyên truyền con cháu trong gia đình, dòng họ nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh. Bằng “uy lực” của mình, các già làng, người có uy tín như: Lầu Xây Phia (bản Nậm Khiên), Và Chia Cở (bản Nậm Càn).. đã vận động đồng bào giao nộp được 43 khẩu súng kíp và 45 nòng súng kíp cho lực lượng chức năng chỉ trong thời gian ngắn…

Nậm Càn - nơi miền biên viễn ấy, quân và dân đang ngày đêm đoàn kết, gắn bó, chung tay xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Hùng Phong