Phương án... nhảy dây
(Baonghean) - Nhà mình năm nay có mấy đứa cháu đều thi vào đại học. Thấy báo mạng đưa tin về 5 phương án dự kiến thay thế điểm sàn, mình ba chân bốn cẳng loan báo cho cả nhà. Bà nội sốt sắng hỏi: "Những phương án gì?". Lúc này mình mới đọc kỹ bài báo, đọc hết một lượt toát cả mồ hôi, đọc lại lần thứhai mà vẫn... chẳng hiểu gì. Cả nhà ngồi chầu chực như trẻ con chờ mẹ tan chợ...
Sau khi cả nhà cùng vào cuộc phân tích, mổ xẻ bài báo, rút ra kết luận như sau: nôm na là thay vì đưa ra điểm sàn cố định bằng một con số, người ta sẽ phân loại các thí sinh thành các nhóm đạt các ngưỡng điểm khác nhau. Kiểu như, nhóm các thí sinh đạt điểm cao nhất, trên một ngưỡng điểm nào đó, chiếm 25% số thí sinh; nhóm đạt điểm cao nhì, trên một ngưỡng điểm thấp hơn một chút, chiếm 50% số thí sinh; rồi cứ như thế, nhóm tiếp theo chiếm 75%, 80%,... Các trường đại học chỉ được tuyển sinh trong nhóm cao nhất, nhì, các trường cao đẳng thì chỉ tiêu thấp hơn chút xíu, đại loại thế.
Nôm na nhà mình hiểu là như thế, còn bảo giải thích cặn kẽ từng phương án một, phân tích sự khác nhau, hơn kém giữa phương án này với phương án kia thì... bó tay bó cả hai chân! Phức tạp quá đi mất ạ! Cái tính ngưỡng điểm theo nhóm, cái tính ngưỡng điểm theo khối thi, cái thì phối kết hợp cả nhóm và khối thi, mà nào mình có hiểu khác nhau ở chỗ nào? Có vẻ dễ hiểu nhưng hơi "lạc tông" là chia nhóm thí sinh theo vùng miền, như vậy nghĩa là giảm phạm vi cạnh tranh từ toàn quốc thành cạnh tranh trong phạm vi vùng. Nghe cũng ổn ổn, nhưng đọc đến câu "nếu điểm thi phù hợp thì có thể chuyển từ vùng này sang vùng khác", mình lại chả hiểu đầu cua tai nheo gì, vì phù hợp ở đây cụ thể là tính theo tiêu chí gì thì chẳng thấy người ta nói? Phương án cuối cùng có vẻ dân dã nhất vì cả nhà đều hiểu, là nhóm tuyển sinh chính thức và nhóm tuyển sinh dự bị, một kiểu "danh sách chờ" để được gọi trúng tuyển.
Bài báo ngắn mà đọc đau hết cả đầu, toàn thấy phần trăm, con số, phức tạp chẳng khác gì luận văn về một lý thuyết tính xác suất nào đó. Một cách thành thật, mình có hiểu 5 phương án ấy là gì và có chọn được không? Tất nhiên là... không. Hẳn chỉ có các nhà hoạch định giáo dục rất đỗi cao siêu của Bộ mới hiểu được các phương thức tính toán kể trên, chứ với phụ huynh và học sinh thì đành "Bộ đặt đâu, dân ngồi đó" vậy. Nhưng điều khiến mình băn khoăn là chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là bước vào kì thi đại học mà cuộc bàn luận về hệ thống, cách thức, tiêu chí tuyển sinh vẫn chưa ngã ngũ. Thử hỏi các em học sinh làm sao định hướng, quyết định được lựa chọn, nguyện vọng của mình, và như vậy thì làm sao tập trung ôn luyện? Hơn nữa, giả sử bây giờ các bộ, ban, ngành, trường thống nhất được phương án thay thế điểm sàn (chắc cũng chưa vội được đâu!), liệu có đủ thời gian để chuẩn bị nhân sự và các yếu tố cần thiết để áp dụng phương án này cho mùa tuyển sinh 2014?
Tự nhiên mình nghĩ đến trò chơi nhảy dây thời đi học. Chẳng hiểu sao cứ bắt đầu chơi là lại cãi cọ nhau "dây bện chặt quá", "dây căng quá",... mất xừ nó 5 phút cãi nhau và chỉnh lại dây. Giờ thì chơi nhé! Ơ kìa luật này đã giao đâu? Sao mức 1 mà lại cao như thế này? Cậu phải đứng rộng rộng cái chân ra chứ? Tóm lại là cãi nhau ỏm tỏi về luật chơi, mất thêm 5 phút nữa, tính thêm thời gian ra vào lớp mất khoảng 2 phút, vị chi hết tổng cộng 12 trên tổng số 15 phút ra chơi chẳng chơi bời được tí gì, chán! Nhìn mấy đứa cháu học lớp 12 của mình bây giờ cũng y như mình chơi nhảy dây hồi còn bé, loay hoay đụng dây cao, vướng dây thấp, nghe bên này bảo là phạm luật, bên kia thì bảo rằng không, chẳng biết đường nào mà lần! Nhưng khốn nỗi đây không phải là cái sân chơi của học sinh tiểu học, lại càng không phải là giờ ra chơi vớ va vớ vẩn mà là vũ môn, các nhà làm luật thân mến ạ! Các bác muốn tranh cãi thì làm ơn tranh cãi từ sớm, chứ đừng để các cháu và các bố mẹ lót dép ngồi hóng mòn chân mỏi gối ngay trước kì thi, có được không?
Hải Triều
(Email từ Paris)