Nội chiến hay liên bang hóa: Đâu là tương lai của Ukraine?
(Baonghean) - Tuần qua, tình hình tại Ukraine tiếp tục là điểm nóng của dư luận thế giới với hàng loạt diễn biến mới. Giới phân tích nhận định, cuộc khủng hoảng Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới được cho là trọng yếu, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khó lường. Trước cảnh báo về một nguy cơ nội chiến, dư luận đang trông đợi vào cuộc đối thoại 4 bên trực tiếp đầu tiên giữa Nga, Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu diễn ra hôm nay (17/4) tại Geneva, Thụy Sỹ. Bên cạnh đó, giải pháp một nhà nước Liên bang cũng đã được nhắc tới để giải quyết khủng khoảng Ukraine hiện nay. Vậy đâu sẽ là tương lai của Ukraine lúc này?
Trực thăng, xe thiết giáp Ukraine triển khai tại thị trấn Izium, miền đông Ukraine. (ảnh: Reuters) |
Sự bất lực của chính phủ tạm quyền Ukraine và nguy cơ nội chiến
Từ cuối tuần trước, các cuộc biểu tình bạo lực chiếm giữ các tòa nhà chính quyền đã bùng phát tại các tỉnh miền Đông như Donetsk, Kharkov, Luhansk. Đặc biệt, lực lượng biểu tình vùng Donetsk đã tự tuyên bố độc lập và thành lập một “nước cộng hòa nhân dân”. Trước tình hình này, chính phủ tạm quyền tại Ukraine đã dồn dập đưa ra các tối hậu thư. Tối hậu thư đầu tiên được Bộ Nội vụ Ukraine đưa ra từ chiều tối ngày 10/4 với thời hạn 2 ngày để những người biểu tình lựa chọn hoặc đối thoại hoặc vũ lực. Tối hậu thư thứ hai được Tổng thống tạm quyền Ukraine đưa ra hôm 13/4, với yêu cầu những người biểu tình buông vũ khí vào sáng 14/4 hoặc đối mặt với “chiến dịch chống khủng bố tổng lực".
Tuy vậy, cả hai thời hạn mà các tối hậu thư được đưa ra đã lần lượt trôi qua mà không hề có bất cứ động thái nào tại các khu vực miền Đông. Trước tình hình này, chính phủ tạm quyền Ukraine đã tuyên bố mở chiến dịch trấn áp người biểu tình. Đến ngày 15/4, phía Ukraine đã huy động lượng lớn binh sĩ và xe bọc thép để giành lại một căn cứ quân sự tại thành phố Kramatorsk. Trong khi đó, theo AFP, đã có ít nhất ba chiếc xe bọc thép không có biển hiệu được gắn cờ Nga xuất hiện tại thị trấn Kramatorsk trong ngày 16/4. Giới quan sát nhận định, những diễn biến này không những làm căng thẳng thêm tình hình mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến tại Ukraine.
Nga xoa dịu, Mỹ và châu Âu vẫn làm căng
Trong khi các cuộc biểu tình tại Ukraine diễn biến phức tạp, phía Nga đã có nhiều động thái ngoại giao và tuyên bố làm dịu tình hình. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 15/4 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hy vọng rằng, cuộc đàm phán tại Geneva hôm nay có thể giúp xoa dịu tình hình. Còn trước đó cuối tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã khẳng định, Nga không có mong muốn sáp nhập bất cứ khu vực phía đông nào của Ukraine, vì điều này trái với lợi ích cơ bản của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã làm dịu lo ngại của phương Tây liên quan đến việc cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Tuy nhiên, dù Nga đã có những động thái làm giảm căng thẳng như vậy, chính phủ Mỹ vừa qua vẫn tiếp tục công bố danh sách những biện pháp trừng phạt bổ sung nhắm vào 6 nhà lãnh đạo của Crimea. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 15/4 cũng cho biết, sắp tới có thể sẽ có thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Còn về phía Liên minh châu Âu, ngày 14/4, Ngoại trưởng các nước EU cũng đã quyết định áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga như đóng băng tài sản hay cấm đi lại đối với một số quan chức, công dân Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.
Các giải pháp ngoại giao và giải pháp một nhà nước liên bang?
Vào lúc này, mặc dù còn nhiều mâu thuẫn và khúc mắc giữa các cường quốc liên quan, thế nhưng, các nỗ lực ngoại giao quốc tế đang được thúc đẩy nhằm giảm căng thẳng tại Ukraine. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 15/4 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng gia tăng tại đây. Ông Ban Ki-moon cũng từ chối đề nghị của chính phủ tạm quyền tại Ukraine về triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, vì cho rằng thời điểm hiện nay không thích hợp. Đây chắc chắn cũng sẽ là một nội dung chính được các bên đưa ra mặc cả trong cuộc đối thoại trực tiếp 4 bên diễn ra hôm nay. Tuy nhiên, dù được đặc biệt hy vọng nhưng cuộc đối thoại này nếu thuận lợi cũng sẽ chỉ mở ra một giải pháp ngoại giao tiếp theo. Bởi với vị trí địa chính trị đặc biệt và những lợi ích địa chiến lược của Ukraine thì các cường quốc khó lòng đạt được thỏa thuận giải quyết khủng hoảng tại đây trong một sớm một chiều.
Trong khi đó, một giải pháp khác có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine được nhắc đến gần đây là mô hình liên bang hóa mà Nga đề xuất. Đáng chú ý là ngày 14/4 vừa qua, Quyền Tổng thống Turchynov khẳng định rằng, chính phủ không phản đối việc trưng cầu ý dân về vấn đề liên bang hóa, và có thể được tổ chức cùng với cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 25/5 tới. Tuy vậy theo giới phân tích, đây có thể chỉ là một lời “hứa suông” của chính phủ tạm quyền Ukraine. Bởi chính phủ Kiev sợ rằng, nếu thành lập một nhà nước liên bang thì rất có thể một số nước mới được thành lập sẽ khiến xu hướng muốn sáp nhập vào Nga tại các khu vực miền Đông mạnh mẽ hơn. Tuy vậy theo phía Nga, một nhà nước Ukraine Liên bang lại là một giải pháp tốt. Vì Nga cho rằng, mô hình này phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân Ukraine, bởi sẽ đem đến cho các vùng khác nhau của nước này thêm nhiều quyền chủ động về nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, dù có là giải pháp nào, mô hình nào đi nữa thì chính phủ hiện nay tại Kiev phải cân nhắc thiệt hơn, khi mâu thuẫn nội bộ Đông - Tây vẫn ngày càng bị khoét sâu cùng với một thực trạng đất nước đói kém, trì trệ. Trong khi đó, việc trì hoãn những kế hoạch viện trợ tài chính của Mỹ và châu Âu đang cho thấy một sự thiếu “thực lòng” với Ukraine. Như thế, một tương lai ổn định của Ukraine đang phụ thuộc vào một kế hoạch dung hòa được lợi ích của cả hai miền Đông - Tây chứ không phải là các tối hậu thư trấn áp tình hình hiện nay của chính phủ. Nếu không, kịch bản chia cắt và mâu thuẫn nội bộ sẽ còn chưa dừng lại tại quốc gia Đông Âu này.
Phương Hoa