Kỳ thú Thẳm Ồm

14/04/2014 17:22

(Baonghean) - Thẳm Ồm ở xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu là một di chỉ khảo cổ quan trọng bậc nhất ở Việt Nam, nơi đầu tiên phát hiện được di cốt răng hóa thạch của người vượn, có kèm theo công cụ lao động.

Hang đã được hai nhà địa chất và khảo cổ người Pháp E. Saurin và M. Colani khảo sát từ những năm 30 (thế kỷ XX). Năm 1973 được các nhà khảo cổ học Việt Nam thám sát và sau đó được tiến hành khai quật khảo cổ vào năm 1975. Các nhà khảo cổ đã tìm được ở đây răng voi kiếm, răng gấu, di cốt răng hóa thạch của người vượn đang trong giai đoạn tiến hóa cuối cùng thành người hiện đại và những công cụ đá thô sơ, hiện vật quý hiếm khác. Qua đó đã chứng minh được sự tồn tại liên tục của con người trên mảnh đất Khe Chai, Khe Nính (Châu Thuận) từ thời đại đồ đá cũ (25.000 năm trước) cho đến nay.

Hang Thẳm Ồm.
Hang Thẳm Ồm.

Thẳm Ồm theo tiếng Thái (dân tộc bản địa) có nghĩa là “Hang Lớn”. Theo những sử liệu thì trong 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn, chống quân Minh xâm lược đô hộ thì Vua Lê Lợi đã nhiều lần đưa quân về đây xây dựng căn cứ và Thẳm Ồm cùng Thẳm Chạng (ở gần đó) là nơi tập kết, đồn trú quân. Thông tin từ sử liệu nói trên có độ tin cậy cao, bởi bản thân Thẳm Ồm là một hang đá rất rộng và dài, miệng hang nằm ở vị trí cao, lưng chừng núi Thắm có thể dễ dàng quan sát xung quanh, lòng hang sâu hun hút, tựa như một hành lang xuyên qua ngọn núi đá vôi này và thông sang một hang khác có tên là Tôn Thạt. Lòng hang càng đi sâu càng tối, những người dân quanh vùng thường phải đốt đuốc mỗi khi đi lấy củi, kéo nứa từ bên này sang bên kia.

Trong những thập niên 90 của thế kỷ XX, khi cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, ý thức bảo vệ di sản còn yếu, một số người dân đi tìm đá đỏ đã đến Thẳm Ồm đào bới, tuy nhiên do không tìm được đá quý cũng như các đồ cổ có giá trị cao trên thị trường nên nhanh chóng rút đi. Tuy nhiên, vài năm sau đó, Thẳm Ồm và một số hang khác trong vùng vẫn bị phá hoại bởi bàn tay con người. Một số người tìm đến Thẳm Ồm cưa, đào bới những tảng đá được tạo hình kỳ thú trong hang để đưa về trang trí, làm đá phong thủy trong các khuôn viên, biệt thự. Chỉ đến khi chính quyền địa phương vào cuộc thì tình trạng trên mới chấm dứt.

Dẫu vậy, Thẳm Ồm hiện tại vẫn là một thắng cảnh rất đẹp, thu hút nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu khoa học hàng năm. Hang cao ráo, thông khí, thoáng đãng. Càng vào sâu, hang càng rộng, chia làm nhiều ngách, nhánh tạo ra một mê cung. Trần hang là vô vàn thạch nhũ, xung quanh là những lớp trầm tích màu đỏ, màu vàng xếp lớp tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ, huyền ảo. Đi vào sâu, có khá nhiều dòng suối ngầm, lộ thiên chảy qua, tạo nên những trảng cát phẳng mịn. Thẳm Ồm không hề lạnh lẽo mà ấm áp hơi người, có rất nhiều trai gái trong vùng đã mượn nơi đây là nơi hẹn hò, tự tình, thề nguyện kết đôi, xây dựng hạnh phúc trăm năm.

Hiện nay, cùng với các di chỉ khác trong vùng như Thẳm Chàng, Thẳm Bua, Thẳm Tôn Thạt, Thẳm Ồm đang được nhân dân, chính quyền địa phương bảo vệ giữ gìn, hiện nay đã có hệ thống đường giao thông vào đến tận nơi. Năm 2009, Phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu cho UBND Huyện trình Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh xem xét thẩm định trình UBND tỉnh xếp hạng di tích Thẳm Ồm... Hiện huyện Quỳ Châu đã quy hoạch quần thể các hang nói trên để đẩy mạnh phát triển du lịch. Hy vọng trong tương lai, với sự đầu tư nhiều hơn từ Nhà nước, các công ty doanh nghiệp và cả từ phía người dân, Thẳm Ồm sẽ được bảo vệ tốt hơn, phát huy các giá trị sẵn có; các huyền thoại, truyền thuyết gắn liền với mảnh đất và con người mường Chiềng Ngam cổ xưa này sẽ sống lại…

Thanh Sơn