Cùng nông dân nâng cao giá trị sản xuất

31/03/2014 20:53

(Baonghean) - Sản xuất nông - lâm – ngư nghiệp huyện Diễn Châu trong vài năm trở lại đây luôn gặt hái được những kết quả đáng khích lệ. Ruộng nương bốn mùa xanh tốt, nông dân hăng hái lao động không cho đất nghỉ, có những nơi đã đưa hệ số sử dụng đất từ 2,5 - 3 lần/năm…Có được những kết quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ khuyến nông từ huyện đến cơ sở.

Diễn Thành là một trong những vùng trọng điểm trồng rau màu ở Diễn Châu, để giúp bà con nông dân nơi đây tiếp cận với KH – KT, nâng cao giá trị sản phẩm Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KN- KN) tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP (năm 2013). Thông qua mô hình này, có 30 hộ dân trồng rau ở xóm 10 tham gia trồng bắp cải trên diện tích 3 ha. Anh Đậu Công Hóa, xóm 10 cho hay: “ Chúng tôi được cán bộ kỹ thuật của tỉnh, huyện hướng dẫn, tập huấn nắm vững kỹ thuật, quy trình sản xuất rau an toàn, nhờ đó người dân đã thực hiện đúng quy trình, thường xuyên theo dõi, thăm ruộng và ghi chép sổ sách rất đầy đủ. Khi bón phân, phòng trừ sâu bệnh, hay thu hoạch đều theo đúng quy định. Nhờ vậy trên diện tích 2.500m2 làm theo VietGap khi thu hoạch năng suất tăng hơn 10% so với cách trồng rau thông thường và bán được giá cao”.

Người dân xã Diễn Thành trồng bắp cải trái vụ.
Người dân xã Diễn Thành trồng bắp cải trái vụ.

Bà Lê Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thành cho biết: “Người dân nơi đây có truyền thống trồng rau màu, nhưng phần lớn vẫn sản xuất theo cách cũ, trong quá trình chăm sóc thường tùy tiện bón phân, phun thuốc trừ sâu… nên sản lượng rau đạt thấp, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng. Khi được hưởng lợi từ dự án sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, xã đã vào cuộc tích cực. Lãnh đạo xã và cán bộ khuyến nông xuống tận xóm cùng với người dân họp bàn cách triển khai. Sau khi được người dân ủng hộ, tiến hành các bước như: tuyên truyền, quy hoạch, kiểm tra mẫu đất… Qua mô hình này thấy rằng, trồng rau an toàn trên mật độ 1.700 cây/sào, qua thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất rau an toàn, trọng lượng bắp cải đạt 1,2 kg/bắp, năng suất như vậy so với sản xuất đại trà là tăng 5,44 tấn/ha”.

Vụ Đông 2013 – 2014, nhiều hộ dân Diễn Thành đã mạnh dạn trồng rau theo quy trình sản xuất rau an toàn. Bà Nguyễn Thị Vân ở xóm 5 cho biết: “ Do đầu ra không ổn định, nên có thời điểm, giá bắp cải ở đây bán chỉ được 1.000 đồng/bắp. Để khắc phục tình trạng này, hiện nay bà con đang tiến hành trồng bắp cải trái vụ và được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc theo hướng sản xuất rau sạch. Tuy năng suất của bắp cải trái mùa không cao, nhưng lại được giá, tư thương vào thu mua tại ruộng là 5.500 đồng/bắp”. Được biết, hiện nay tại Diễn Thành bà con nông dân đang trồng 10 ha bắp cải trái vụ và thành công này, phần nào bù đắp được sự thiệt hại cho người dân trong vụ trồng chính vừa qua.

Hoạt động KN - KN đã từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân và điều này được thể hiện rõ tại Diễn Bích, đó là mô hình nuôi cá vược trên diện tích rộng 5.000m2 tại 2 hộ dân. Trong quá trình đầu tư thực hiện dự án, cán bộ KN - KN cùng với hộ dân thực hiện đúng theo quy trình, kỹ thuật, nên cá trong ao sinh trưởng tốt. Sau 9 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 72% và sản lượng thu hoạch tại 2 mô hình đạt 4.320 kg và với giá bán 60.000 đồng/kg có nguồn thu 259,2 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư người nuôi cá vược lãi hơn 92 triệu đồng. Thành công của mô hình này rất có ý nghĩa đối với người dân Diễn Bích, bởi nuôi cá vược có thể thay thế tôm nuôi ở những vùng tôm kém hiệu quả và đây là mô hình tốt để trong thời gian tới có thể nhân rộng.

Hay tại xã Diễn Thái, trước đây khi thu hoạch lúa, một phần rơm rạ được phơi khô để dùng vào việc thay thế chất đốt, hoặc làm thức ăn cho gia súc… Cách sử dụng như vậy không phát huy hết giá trị của rơm, mà còn gây ô nhiễm môi trường. Trước thực tế đó, ngành KN - KN đã tổ chức mô hình sản xuất nấm rơm với 5 hộ tham gia, thu hoạch từ 5 – 6 lứa và từ 1 tấn nguyên liệu cho thu hoạch 160 kg nấm và giá bán là trên 40.000 đồng/kg. Từ hiệu quả thiết thực đó, hiện nay mô hình trồng nấm rơm đang được nhiều hộ dân phát triển tạo được nguồn thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân.

Ông Nguyễn Xuân Đài – Trưởng trạm KN - KN Diễn Châu cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, thông qua các chương trình, hỗ trợ đầu tư của các cấp, ngành liên quan, Trạm KN - KN Diễn Châu mở 176 lớp tập huấn cho người dân với nội dung về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật. Các nội dung được gắn với từng thời vụ, nên có tác dụng rất tốt. Cùng với đó, Trạm rất chú trọng đến công tác dạy nghề cho người nông dân, như tổ chức dạy nghề chăn nuôi gà ở xã Diễn Lâm, trồng rau an toàn ở xã Diễn Thắng và Diễn Thành. Cũng trong thời gian qua, Trạm còn phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng 12 mô hình về sử dụng phân bón, giống mới và tiếp tục tiến hành khảo nghiệm một số giống có triển vọng để giới thiệu, nhân rộng mô hình”. Một trong những hoạt động mang lại hiệu quả cao của KN - KN trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Diễn Châu, là tham gia tích cực vào việc định hướng, xây dựng 22 mô hình cây, con mới phù hợp điều kiện của từng địa phương, đồng thời tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xã Diễn Cát - Diễn Hùng đạt kết quả cao.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác KN - KN, trong thời gian tới Trạm KN - KN Diễn Châu sẽ tiếp tục mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn và tại mỗi xã đều có ít nhất 1 mô hình của KN - KN, đồng thời tổ chức 180 lớp chuyển giao KH - KT cho nông dân…

Biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi nâng lên rõ rệt đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Quan trọng hơn là người dân từ đã có tư duy mới trong sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường, lấy giá trị kinh tế làm thước đo trên mỗi héc-ta canh tác…

Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh