Xanh màu xứ sở

26/02/2014 17:52

(Baonghean) - Tôi sinh ra ở một vùng trung du xa hút hắt. Tuổi thơ của tôi gắn chặt với miền quê cằn cỗi ấy cùng với những hình ảnh thân thuộc: cây đa, bến nước, mái đình và lũy tre xanh ngút mắt. Lên lớp 10, cả nhà tôi chuyển về quê ngoại ở vùng biển sinh sống, bỏ lại phía sau bao ký ức tuổi thơ… Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh lũy tre xanh bề thế, vững chãi bao bọc lấy làng; những trưa hè võng tre kẽo kẹt, những chiều hoàng hôn từng đàn cò trắng bay về mãi khắc sâu trong tâm khảm… Để mỗi lần nhớ lại, thấy rưng rưng một nỗi niềm…

Lũy tre làng. Ảnh: Internet
Lũy tre làng. Ảnh: Internet

Làng tôi bao bọc bởi những lũy tre. Những mảnh xanh chọc thẳng lên trời, cao vút. Trên đó, rất nhiều các loài chim kéo về làm tổ nhưng lũ trẻ chúng tôi chỉ dám đứng từ phía dưới khum tay nhìn lên với ánh mắt thèm thuồng cùng tiếng chim non ríu rít. Đã có lần thằng Khoai “liều mạng” xông vào bắt tổ chim sâu, nó nhẹ nhàng lách giữa các cây tre, leo lên đến đốt thứ 5 thì đành chịu, những tay tre đan chéo vào nhau, cào rách lưng thằng Khoai… Đó là những hôm trốn ngủ trưa, theo lũ bạn đi gom mo tre. Mo tre gộc to như cái quạt nan, vàng rộm. Đi một vòng quanh xóm đã gom đầy một bì to. Mo tre đem về, mẹ đem dằn thẳng, tỉ mẩn xé ra thành sợi nhỏ, rồi đan nón. Những chiếc nón đan bằng mo tre không đẹp như nón lá dừa nhưng chắc và bền. Xâu thêm chiếc quai bằng lá cọ non phơi dẻo là chị em tôi có cái che đầu đi học, đi chăn trâu…

Mùa lá tre rụng, đâu đâu cũng giăng mắc chiếc thuyền cong cong, xoay trong gió. Lá tre rụng ào ào như trút, rụng triền miên. Cây tre trút đi chiếc áo để mùa đông đứng co ro chịu rét. Khi ấy mẹ tôi vào mùa gom lá tre. Vẫn chiếc áo nâu sờn, một tay cầm chổi rễ cùn, tay kia kéo lê chiếc bao tải cũ mèm, mẹ len lỏi khắp các bụi tre vơ lá mang về. Đó cũng là chất đốt chính của người làng tôi trong những ngày mưa. Những nắm lá tre đun nước, nấu cơm, canh, nấu cám lợn. Khói quyện đặc, cay xè mắt. Những lúc rảnh rỗi, tôi sà vào bếp ngồi cùng mẹ, khi thì giành phần gạt lá tre vào bếp, lúc thì lấy tàn than giết lũ kiến xung quanh, có khi dùng que cời cháy dở vẽ linh tinh xuống nền đất...

Bố tôi có tài làm mọi thứ bằng tre. Khoảng tháng tư, tháng năm hàng năm, lúc bão bắt đầu tràn về, bố chặt bớt những cây tre rìa bờ ao, sắp đổ. Sau đó, ngâm xuống ao đến vụ cá đầu đông. Vào những ngày giá rét, tôi ngồi xem bố cắt khúc cây tre như cắt khúc một con lươn khổng lồ vừa kéo được dưới ao lên. Chỉ từ vài khúc tre, dưới bàn tay tài hoa của bố đã biến hoá ra bao nhiêu thứ: Cái rổ, cái giá, cái giần, cái sàng, cái cào 6 răng… Bố cũng tự làm cho mình một cái điếu cày rất đẹp, châm lửa hút thuốc bằng đóm tự chẻ từ tre khô. Riêng tôi, được bố đan cho những giỏ hoa, chiếc làn nhỏ xinh để bày đồ hàng; còn anh tôi được bố để phần cho cái bu nhốt gà chọi, cái nơm úp cá và giỏ đựng cua…

Nhớ nhất là những trưa hè cùng bà nằm trên chõng, đặt dưới lũy tre xanh rì rào, kẽo cà, kẽo kẹt. Gió từ cánh đồng xa thổi về mát rượi. Tiếng ngọn tre vi vu như lời ru êm đềm đưa tôi vào giấc ngủ. Đó là những buổi chiều nhuộm đầy ráng đỏ, đàn cò trắng bay về tổ, râm ran. Là những ngày mưa gió, bão bùng, những cây tre oằn mình trong gió, nương tựa vào nhau, chống chọi với thiên nhiên...

Đi xa, mỗi lần về thăm quê, nhìn thấy lũy tre làng lại thấy lòng bồn chồn, rạo rực. Từ xa đã nhìn thấy những thảm xanh vươn lên trời mây, sừng sững, bề thế, vững chãi và rất gần gũi.

Thế nhưng, giờ đây, mỗi lần về quê tôi cứ thấy thiếu vắng một cái gì đó. Lũy tre tự bao đời bao bọc, chở che cho làng tôi giờ đây chỉ còn trong ký ức. Bây giờ về làng chẳng thấy bóng tre đâu, chỉ thấy các dãy nhà cao tầng mọc lên san sát. Làng tôi đã đổi thay đổi nhiều quá, cuộc sống đã khang trang với những tiện nghi hiện đại. Bờ tre xanh xưa giờ đã thay bằng những tường rào ngăn cách. Chiếc chõng tre và cả tiếng kẽo kẹt của tre đu đưa trong gió giờ chỉ mường tượng trong ký ức gọi về...

Thanh Tường