Bài 4: Bất cập "cung - cầu" ở miền núi

01/04/2014 18:19

(Baonghean) - Những năm gần đây, với chính sách cử tuyển, chính sách ưu tiên của Chương trình 30a, học sinh các huyện miền núi đổ xô thi vào đại học, hoặc vào Nam, ra Bắc làm thuê. Trong khi đó, tại các địa phương, với lợi thế đất rộng, tài nguyên rừng, khoáng sản phong phú nhưng lại thiếu lao động có tay nghề. Do đó, không khai thác được tiềm năng và khó thoát nghèo bền vững. Vấn đề hướng nghiệp, dạy nghề ở địa bàn miền núi cần có sự điều chỉnh hợp lý, tránh tình trạng cung một đường, cầu một nẻo như hiện nay…

Cách đây gần chục năm, tìm một cửa hàng đánh máy vi tính, phô tô coppy ở huyện Tương Dương rất khó. Trần Văn Quỳnh khi đó, mới ngoài 20 tuổi, mồ côi cả bố và mẹ, phải sống dựa vào ông bà già yếu. Nhận thấy nhu cầu cần sao in các văn bản nhiều, người dân đa phần lại không biết nhiều về vi tính nên học xong cấp III, Quỳnh học nghề đánh máy. Học xong, nhờ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách, Quỳnh mạnh dạn đầu tư mua một máy photocoppy, một dàn máy vi tính cũ và mở cửa hàng ở Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương), vừa nhận soạn thảo văn bản, in các loại giấy tờ, vừa sửa chữa các loại máy móc điện tử. Nhờ làm việc chăm chỉ nên cửa hàng của Quỳnh trở thành địa chỉ tin cậy trong vùng. Ngoài ra, Quỳnh còn thuê thêm người mở thêm một cửa hàng khác ở Yên Na. Cũng nhờ cửa hàng này, từ một thanh niên tay trắng, Quỳnh đã trở thành người “khá giả” ở Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương).

Theo anh Lê Hồng Thái, Phó Bí thư Huyện đoàn Tương Dương, tạo việc làm cho thanh niên ở các huyện miền núi rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ về vốn, về công tác đào tạo nghề thì vẫn có rất nhiều cơ hội việc làm. Ở Tương Dương, với lợi thế về rừng, về đất đồi nếu được học các ngành nghề về nông, lâm nghiệp và được giao đất giao rừng, thanh niên hoàn toàn có thể phát triển kinh tế vườn đồi, kết hợp với trồng rừng và chăn nuôi gia súc. Hoặc cũng có thể học các ngành nghề về sửa chữa đồ điện tử, xe máy bởi hiện tại nhiều nơi ở các xã vùng sâu, vùng xa đang thiếu lao động có tay nghề…

Thế nhưng hiện nay, công tác đào tạo nghề ở các huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Hệ thống cơ sở vật chất chưa đáp ứng các điều kiện về dạy và học nên tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp so với tổng nguồn lao động hiện có. Việc mở rộng mạng lưới theo hướng phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập chưa thực hiện được; việc phát triển dạy nghề tại các làng nghề chưa thành phong trào, người lao động còn ỷ lại các chính sách trợ cấp xã hội của tỉnh và Nhà nước. Mặt khác, đầu tư nguồn lực tài chính của tỉnh cho dạy nghề miền núi còn thấp so với yêu cầu; Cơ cấu ngành nghề đào tạo vừa thiếu, vừa chưa phù hợp với tiềm năng kinh tế miền núi; chưa có các nghề về lâm sinh như: trồng rừng, quản lý và khai thác rừng… Nhiều địa phương chưa thực sự tìm được hướng đi thích hợp trong khi nguồn lao động tại chỗ rất dồi dào.

 Em Vi Văn Ước (giữa) học nghề ở Trung tâm dạy nghề huyện Anh Sơn.
Em Vi Văn Ước (giữa) học nghề ở Trung tâm dạy nghề huyện Anh Sơn.

Điều này dễ dàng bắt gặp tại huyện Anh Sơn. Từ năm 2002 đến năm 2012, toàn huyện chỉ có 1.775 người được đào tạo nghề thông qua trung tâm dạy nghề, trung tâm khuyến nông và đào tạo nghề theo Chương trình 135, trong đó số người có trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ là 338 người. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, sở dĩ việc học nghề trên địa bàn chưa thu hút được người dân bởi nhận thức về đào tạo nghề, trang bị nghề cho lao động chưa đồng đều, nhiều người vẫn đang có tâm lý cho con đi học đại học, cao đẳng.

Trong khi đó, điều kiện dạy nghề ở trung tâm dạy nghề của huyện chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo, quy mô nhỏ, cơ cấu thiếu hợp lý, chưa đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo. Cơ cấu đội ngũ giáo viên của trung tâm hiện cũng đang bất cập, trung tâm có 8 người nhưng cán bộ hành chính chiếm tới 4 người, giáo viên có 3 thì 2 người là giáo viên Tin học, 1 người là giáo viên chăn nuôi thú y. Hiện trung tâm đã mở lớp dạy nghề nấu ăn, dạy nghề hàn, cơ khí nhưng đang phải liên kết hoặc thuê giáo viên ở các trung tâm khác về dạy. Ở huyện Tân Kỳ, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề của huyện cũng đã được đầu tư khá khang trang nhưng lại chưa có máy móc, trang, thiết bị kỹ thuật. Các lớp đào tạo muốn mở đều phải thuê giáo viên của Trung tâm Dạy nghề huyện Đô Lương về dạy vào dịp cuối tuần nên bất tiện cho học viên theo học.

Do việc dạy nghề chưa thu hút được người học nên ở các huyện miền núi đang có xu hướng thanh niên học xong nếu không thi đậu đại học thì đổ xô ra Bắc, vào Nam làm thuê. Như ở huyện Kỳ Sơn, mỗi năm số học sinh tốt nghiệp cấp III chỉ vài trăm em nhưng tìm cho được vài chục em đi học nghề đã khó bởi đã được các trường đại học, cao đẳng “vét sạch”. Lý do là bởi Kỳ Sơn là 1 trong 62 huyện đặc biệt khó khăn, con em là người dân tộc ít người chiếm đa số thế nên ngoài được ưu tiên học đại học theo chính sách cử tuyển thì tất cả học sinh của huyện nếu có nhu cầu có thể đăng ký vào các trường đại học khác theo chính sách ưu tiên của Chương trình 30a.

Còn tại huyện Tương Dương, hiện đang còn 22 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp đại học chưa có việc làm và 5 năm nữa, các phòng, ban của huyện không có nhu cầu tuyển dụng. Ở Trung tâm dạy nghề huyện Anh Sơn, việc em Vi Văn Ước, sinh viên tốt nghiệp Khoa Chính trị Trường Đại học Vinh nay lại quay trở lại học nghề gò hàn để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động sang Malaysia là một câu chuyện buồn. Trong gia đình, duy nhất Ước được học hành đến nơi đến chốn và từng là hy vọng của cả nhà. Nhưng đến nay em vẫn không xin được việc. Ước cho biết: Em không hối hận 4 năm mình học đại học bởi “có học, có hơn”, học là “để cho mình”. Em chỉ tiếc giá như khi chọn nghề mình “tỉnh táo” hơn, chọn đúng nghề mà xã hội đang cần thì không bị lãng phí thời gian và tiền của như vậy.

Thầy Nguyễn Cảnh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Anh Sơn 1 tâm sự: Cách đây 6 năm, khi lứa học trò lớp 12 do thầy chủ nhiệm ra trường, cả thầy và trò đều hân hoan bởi có đến 80% học sinh trong lớp đậu vào các trường đại học có tiếng ở Hà Nội như Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa. Thế nhưng, sau 4 đến 5 năm học đại học, trong số ấy ngoài 1 em đang dạy kinh tế ở một trường trung cấp, 1 em xin được vào làm ngân hàng ở huyện và 1 em có công việc khá ổn định tại một công ty ở trong Nam thì số còn lại đều đang làm những công việc tạm bợ.

Tiếc nhất trong số đó là em Phan Văn Q, từng thi đậu Á khoa vào Trường Đại học Kinh tế với 29 điểm, ra trường tốt nghiệp loại giỏi nhưng nay vẫn đang… ở nhà. Rồi em Bùi Thanh A, đậu cả Đại học Y khoa Hà Nội cả đại học Bách khoa, thế mà chỉ vì không định hướng đúng nghề nghiệp, học theo “trào lưu”, theo “số đông” nên học được 1 năm thì bỏ học đi làm ngoài. Nay các bạn chuẩn bị ra trường thì A lại về quê, lọ mọ ôn thi lại. “Gương treo trước mắt” nên tại thời điểm này khi học sinh cuối cấp đang chuẩn bị nộp hồ sơ thi vào trường cấp III thầy Tuấn rất băn khoăn: “Tôi không thể nói các em nên thi trường này mà không nên thi trường kia bởi cũng chưa khẳng định được các em ra trường có việc làm hay không. Tôi chỉ khuyên các em, khi chọn trường cần phải cân nhắc, chọn ngành gì cũng phải có đam mê, thiết thực, nằm trong khả năng kinh tế của gia đình... Cũng không nhất thiết phải vào đại học, bởi hiện tại chỉ thiếu thợ có tay nghề, thợ bậc cao chứ không thiếu cử nhân hay kỹ sư, bác sỹ”.

Theo điều tra của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong số những địa phương có tỷ lệ sinh viên thất nghiệp đông thì các huyện miền núi như Tân Kỳ 1.200 người, Kỳ Sơn 343 người, Tương Dương 562, Quỳ Châu là 184 người, nhiều nhất là sinh viên học ngành kinh tế, sư phạm. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo, đó chỉ là con số tương đối và chưa phản ánh hết bức tranh “khó khăn về đầu ra cho sinh viên hiện nay”. Điều đó, đòi hỏi công tác hướng nghiệp ở các huyện miền núi cần phải được quan tâm, trong đó chú trọng những ngành nghề gắn với nhu cầu thực tế tại địa phương, những ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm như ngành nghề nông lâm ngư, các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, chăn nuôi hoặc những ngành nghề có nhiều cơ hội đi xuất khẩu lao động… Hiện tại theo chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn và một số chính sách khác, thanh niên miền núi được hỗ trợ rất nhiều về chi phí ăn, ở, đi lại, kể cả học phí. Tỉnh cũng đang có nhiều chính sách ưu tiên cho xuất khẩu lao động miền núi, đặc biệt là các huyện nghèo trong Chương trình 30a.

Hà - Quân