Việt Nam tăng hợp tác trong lĩnh vực thủy sản với Na Uy

21/03/2014 19:36

Nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản, ngày 21/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phối hợp với Hội đồng Thủy sản Na Uy tổ chức hội thảo quốc tế “Những cơ hội trên thị trường thủy sản - triển vọng tương lai”.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Nhà máy thủy sản sông Tiền (Đồng Tháp). Ảnh: TTXVN
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Nhà máy thủy sản sông Tiền (Đồng Tháp). Ảnh: TTXVN
Đây cũng là một trong những hoạt động nhân chuyến thăm của Hoàng gia Na Uy đến Việt Nam.

Na Uy hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới. Trong đó, cá hồi là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Na Uy, với kim ngạch xuất khẩu đang giữ vị trí số một thế giới.

Na Uy cũng đang giữ gần 78% thị phần thực phẩm cá hồi tại Việt Nam. Với khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, vận chuyển – giao nhận nhanh và vận hành tốt trên thị trường, ngành thủy sản Việt Nam có thể học hỏi nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, từ việc quản lý và phát triển thương mại cá hồi của Na Uy, Việt Nam sẽ học hỏi được rất nhiều trong việc phát triển ngành cá tra, từ việc thành lập hội đồng thủy sản, cách làm thương mại, nguồn lực phát triển, nuôi, chế biến… Bởi, cá hồi và cá tra tuy có giá trị khác nhau, song sự tăng trưởng quá nhanh, mâu thuẫn cung - cầu, cạnh tranh trong nội bộ và những vụ kiện chống bán phá giá... xảy ra đối với cá tra Việt Nam hiện nay tương tự như nghề nuôi cá hồi ở Na Uy trước đây. Vì vậy, nếu nghề cá tra Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm từ Na Uy, khắc phục những khiếm khuyết để xây dựng chuỗi liên kết bền vững sẽ có sự thay đổi rất cơ bản trong ngành này.

Ông Amund Dronen Ringdal, Thứ trưởng Bộ Công Thương và thủy sản Na Uy, cho biết: "Trong giai đoạn hiện nay, công nghệ là yếu tố tiên quyết cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Qua hội thảo lần này, chúng tôi hi vọng sẽ tạo ra kênh đối thoại để hai bên có thể chia sẻ khó khăn, thuận lợi trong quá trình hợp tác. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản hai nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, từ đó có thể tạo ra những sản phẩm thủy sản xanh - sạch cung cấp cho người tiêu dùng".

Hiện tại, Cơ quan hợp tác và phát triển Na Uy (NORAD) đang tài trợ Việt Nam dự án “Nâng cao giá trị sản xuất và thương mại cá tra – học tập kinh nghiệm của Na Uy.”

Hy vọng từ mô hình phát triển cá hồi của Na Uy, cá tra nói riêng và ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, có bước tiến mới và đứng vững trên thị trường xuất khẩu thế giới.

Theo Vietnam+