Xưởng đóng tàu ông Ngò
(Baonghean) - Ngay cạnh lạch Quèn, điểm giao nhau của hai con sông Mơ và sông Thái, tại cửa biển Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu) có một xưởng đóng tàu biển mang tên Hồ Văn Ngò. Tâm huyết, cẩn trọng và trách nhiệm của mỗi người thợ tạo nên niềm tự hào, của những người dân một vùng biển quê nhà...
Một ngày đầu tháng Ba, nhóm làm báo chúng tôi thực hiện chuyến thực tế tại vùng biển Quỳnh Lưu. Trong cái nắng cuối Xuân trải dài nơi bến sông, đã thấy những tấm lưng lom khom trên mạn tàu cao ngước tầm mắt, đó chính là hình ảnh của những người thợ đóng tàu biển tại xưởng đóng tàu ông Hồ Văn Ngò, ở thôn 4, xã Quỳnh Nghĩa. Khi chúng tôi đặt chân vào khu xưởng đóng tàu, gặp ngay bữa cơm trưa của các thợ đóng tàu. Sau những lời mời mộc mạc của các thợ tàu, thì một thợ tàu có khuôn mặt hiền lành vui vẻ: "Mấy anh em thợ bà tui sống với nhau như người một nhà, quen gọi là gia đình nhà tàu rồi".
Những con tàu 750CV tại xưởng đóng tàu ông Ngò chuẩn bị hạ thủy. |
Người thợ tàu gốc Quỳnh Thọ ấy tên là Nguyễn Văn Minh, kể với chúng tôi rằng, đội thợ tàu ở đây chủ yếu người các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Nghĩa và Quỳnh Tiến, nhiều nhất vẫn là Quỳnh Thọ. Họ là những ngư dân, nông dân thực thụ, đã vào đây thì ít nhất phải biết cầm bào, cầm cưa… và một nguyên tắc là phải tuân thủ mọi sự phân công của ông chủ. Công việc đóng tàu bận rộn, người ở xa, có khi cả tháng mới về thăm vợ con một lần. Nghề đóng tàu đánh cá đòi hỏi phải có độ chính xác cao thì tàu mới tốt và an toàn, nên người đầu quân phải biết được khả năng của từng thợ để bố trí công việc. Mỗi người đảm nhận một việc: xẻ gỗ, kéo triền đà, uốn be, khoan chốt, bào... Ai cũng đam mê, bền bỉ, đắm đuối với nghề. Đối với những người thợ chính ở đây, cái nghề này như “nhiễm vào máu”, khó có thể rời ra được.
Vì không có điều kiện vẫy vùng giữa trùng khơi biển cả, nên họ chỉ biết gửi gắm niềm tin yêu biển của mình qua những con tàu, hy vọng là nó đủ sức vượt qua phong ba, bão táp. Sau tìm hiểu, chúng tôi mới biết, anh Minh chính là người được ông Ngò giao nhiệm vụ nặng nề nhất, người “đầu quân”. Trách nhiệm của anh Minh là hàng ngày bố trí công việc cho từng thợ. Để được ông chủ tin tưởng như vậy, bản thân phải là tay thợ giỏi, trung thành và đam mê. Anh Minh là đời thứ 3 làm nghề đóng tàu đánh cá. Mới 10 tuổi, anh đã theo ông nội đi đóng tàu ở các xưởng tàu trong vùng. Anh còn nhớ như in, ngày nhỏ, sáng nào mình cũng thấy ông nội thức dậy từ tinh mơ, tay cầm cưa, cầm đục… đi đến tối mịt mới về. Một lần, anh lẽo đẽo đi theo, thấy nội và mọi người hạ thủy một con thuyền, trong tiếng vỗ tay reo hò của đội thợ thuyền và bà con làng biển. Lòng anh trào dâng một niềm đam mê cháy bỏng là trở thành một người thợ đóng thuyền. Niềm khát khao đó đã thành hiện thực, sau khi anh tốt nghiệp lớp 12 trường làng, anh theo nội đi đóng thuyền, rồi trở thành thợ đóng thuyền vào những năm 90 của thế kỷ trước.
Anh Minh chia sẻ: Công việc đóng tàu vất vả, bận rộn và thường xuyên chịu tác động của mùn cưa, tiếng động cơ của máy móc. Quan trọng là mình yêu nghề thì mọi việc cũng chu đáo, tươm tất. So với ngày xưa, bây giờ người thợ tàu đỡ vất vả hơn nhiều, bởi có hệ thống kéo tàu bằng goòng tiên tiến, trên 70% phần việc, từ xẻ gỗ, đục, bào, khoan… làm bằng máy. Một chiếc thuyền lớn, chỉ 8 người làm trong vòng 4 tháng, là hoàn chỉnh. Ngày xưa, một con thuyền nhỏ, phải hơn chục người làm quần quật gần 5 tháng. Anh Minh thổ lộ: "Nghề ni, ngoài đức tính chịu khó, khéo léo, kiên trì, còn phải có cái tâm với nghề nữa, coi con tàu của khách như cái nhà của mình". Vì vậy, không riêng gì anh Minh, các thợ đóng tàu ở đây đều thật sự tâm huyết, trách nhiệm trước mỗi phần việc phân công. Công việc đảm nhiệm của anh là đóng xương thuyền, một công đoạn quan trọng nhất, bởi nó quyết định sự vững chắc của một con tàu. Chưa bao giờ anh để sơ suất một chi tiết nào dù là nhỏ nhất. Anh nói: Ngoài việc đóng đúng mẫu, đúng kích thước, đảm bảo mỹ thuật, thì phải làm sao cho chắc chắn, kín, chỉ cần một sơ suất nhỏ con tàu sẽ bị lỗi khi hoạt động, mà lỗi thường gặp là độ lắc của tàu. Là người làm thợ đã hơn 20 năm, lúc nào anh Minh cũng nhớ lời căn dặn của ông nội: "Đối với ngư dân, con tàu chính là “ngôi nhà di động” của họ, do vậy đòi hỏi người thợ phải có trách nhiệm trong từng mũi khoan, nhát đục…”.
Ông Hồ Văn Ngò - chủ cơ sở đóng tàu hồ hởi kể: Sinh ra trong một gia đình vùng biển, nhưng cha mẹ làm nông nghiệp, kèm theo nghề tay trái là buôn bán gỗ. Lớn lên đi bộ đội, tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông là thủy thủ trên một con tàu của Công ty đường biển Nghệ An. Ông Ngò còn nhớ rõ, vào lúc 8 giờ sáng, ngày 1/9/1968, tàu của ông bị trúng ngư lôi của địch. Lúc đó trên tàu có 5 thủy thủ, hy sinh 4 người, chỉ còn mình ông sống sót với nhiều thương tích trên cơ thể (ông là thương binh hạng 4/4). Về quê, năm 1974, ông tham gia vào HTX đóng thuyền (thuộc HTX Thủ công nghiệp liên minh). Thời điểm đó nghề đánh bắt hải sản chưa phát triển, vốn ít, nên HTX giải tán.
Sự miệt mài của người thợ. |
Có nghề đóng thuyền trong tay, năm 2004, ông đứng ra thành lập xưởng đóng thuyền. Vì thời điểm đó, ngư dân trong vùng chủ yếu đánh bắt gần bờ, nên phần lớn đóng thuyền bé, máy nhỏ, cộng với hình thức sản xuất bằng thủ công, dùng sức người là chính, nên sản phẩm xấu và chậm tiến độ. Những năm gần đây, nhiều ngư dân trong vùng chung nhau vốn đóng thuyền to máy lớn, từ 350 CV đến trên 700 CV để đánh bắt xa bờ. Hiện tại trong xưởng của ông Ngò đang đóng 4 con tàu công suất máy 750 CV, thân tàu dài 25 m, khoang rộng 7,5 m, mạn thuyền cao 3,5 m. Mỗi chiếc tàu to được đóng mới như thế này có giá 3 - 4 tỷ đồng, chưa kể ngư cụ ngót tỷ đồng nữa. Đầu năm nay, xưởng đóng tàu của ông Ngò đã phát mộc 4 con tàu lớn. Cho đến thời điểm này, khách hàng đã đặt 10 chiếc tàu công suất trên 700 CV. Kích thước, mẫu mã của con tàu là do khách hàng tự chọn, thợ phải tuân thủ đúng thiết kế.
Những người thợ ở xưởng đóng tàu của ông Ngò đều từ nông dân mà ra, họ vốn là thợ mộc đóng đồ dân dụng, sàn nhà, khi tuyển vào thợ đóng tàu thì họ đều biết ít nhiều nghề này. Tuy nhiên, phải nhìn vào năng khiếu của từng thợ để bố trí công việc. Ông Ngò cho biết: Thường thì công việc ở đây giao cho một thợ “đầu quân” phụ trách (anh Minh). Thợ “đầu quân” phải quán xuyến mọi công việc tại xưởng. Khó nhất đối với thợ “đầu quân” là bố trí, sắp xếp thợ cho hợp lý thì hiệu quả công việc mới cao, do vậy đòi hỏi ông chủ phải chọn thợ “đầu quân” có nhiều kinh nghiệm nhất. Đối với một con tàu mới, có 2 công đoạn đòi hỏi tay nghề phải cao và có kinh nghiệm, đó là khâu lắp ghép xương và vào ván tàu.
Những người thợ được phân công làm nhiệm vụ này tay nghề phải cao. Gỗ dùng làm khung xương là loại gỗ táu không bị nứt nẻ, còn gỗ dùng làm ván là săng lẻ. Đây là 2 loại gỗ nặng, tốt, chống chịu được sự tác động của nước mặn. Trước khi ghép ván vào sườn tàu, người thợ phải dùng lửa đốt để uốn cong mới ghép được. Những tấm ván dày 5 cm, rộng 25 cm, phải có kinh nghiệm uốn ghép được. Một con số “khủng” mà ông Ngò cho chúng tôi biết là con tàu 750 CV được hoàn thiện phải sử dụng tới 150 m3 gỗ, 7 tấn đinh các loại, thợ phải đóng trong vòng 4 tháng liên tục. Sau khi toàn bộ phần thân con tàu hoàn chỉnh, thợ sơn làm công đoạn cuối cùng. Sơn dùng để phun tàu có 2 loại, bên trong dùng sơn chống rỉ, bên ngoài là dùng sơn chống hà. Đặc thù của tàu biển là vậy.
Chính vì sự tâm huyết của ông chủ cũng như những người thợ, nên xưởng đóng tàu của ông Ngò ngày càng được khẳng định. Không những ngư dân Quỳnh Nghĩa, mà Quỳnh Phương, Tiến Thủy… cũng đến đây hợp đồng đóng tàu mới. Cứ mỗi chiếc tàu được hạ thủy tại bến Lạch Quèn và rẽ sóng vươn xa, trong lòng mỗi người thợ ở xưởng đóng tàu ông Ngò đều có cảm giác như đưa tiễn người thân đi xa. Họ dõi theo cho đến khi con tàu khuất bóng trong màn sương giữa biển cả...
X.Hoàng - T.Hương