Đôi bờ Hiền Lương và Thành cổ Quảng Trị đón bằng Di tích đặc biệt
Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị sẽ đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt khi lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, 30/4 đang đến rất gần.
Hướng đến kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với 2 di tích lịch sử từng là nơi ghi dấu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh.
Theo đó, 2 di tích lịch sử “đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải” và “Thành Cổ Quảng Trị” cùng những điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị… đã được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt và sẽ tổ chức đón nhận bằng vào ngày 30/4 tới đây.
Song song với hoạt động này, UBND tỉnh Quảng Trị cũng tổ chức lễ hội “Thống nhất non sông”, lễ thượng cờ tại kỳ đài Hiền Lương, cùng nhiều hoạt động văn hóa. Qua đó, nhằm giới thiệu tới du khách khắp mọi miền đất nước về mảnh đất nhỏ hẹp ở miền Trung từng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh và công cuộc xây dựng quê hương thời hòa bình.
Ngày 30/4 sẽ diễn ra Lễ hội đua thuyền mừng ngày thống nhất non sông tại di tích đôi bờ Hiền Lương |
Hiện nay, di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương là một trong những điểm tham quan, hoài niệm của du khách thập phương. Mỗi năm có trên 20 nghìn lượt người đến đây tham quan. Ngược dòng quá khứ, năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) làm ranh giới. Thời kỳ đó, khát vọng thống nhất đất nước luôn thường trực, là “sợi chỉ đỏ” thôi thúc biết bao người con đất Việt dũng cảm đứng lên đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, non sông thu về một mối, di tích này được tôn tạo để mọi người ghi nhớ về quá khứ lịch sử hào hùng; khát vọng thống nhất đất nước của toàn dân tộc.
Thành cổ Quảng Trị, nơi từng diễn ra cuộc chiến đấu oanh liệt 81 ngày đêm giữa lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam với Quân lực Việt Nam Cộng hòa, có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực của quân đội Mỹ. Đây là một trận đánh hao tổn về sức người và của cho cả hai bên. Cũng tại nơi này, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất Thành cổ, bảo vệ nền hòa bình cho hôm nay. Cũng chính vì vậy, nơi đây được xem là “nấm mồ chung” của các liệt sĩ.
Những ngày tháng Tư, nhiều người trở về Thành Cổ Quảng Trị để dâng hương tri ân các liệt sĩ |
Sau chiến dịch "mùa hè đỏ lửa" 1972, toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng. Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã bắt tay vào xây sựng lại quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh. Thành cổ Quảng Trị cũng được tôn tạo lại làm nơi tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống, không tiếc máu xương vì dân tộc. Hiện nay, tại bảo tàng Thành cổ Quảng Trị vẫn còn có nhưng di vật, và những bức thư bộ đội gửi vĩnh biệt gia đình trong thời gian xảy ra trận đánh này.
Vào sáng 30/4, tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức lễ thượng cờ và đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại hai địa điểm là Kỳ đài Hiền Lương và Đài tưởng niệm Trung tâm Thành Cổ Quảng Trị.
Theo Dân trí