Để giảm nhập khẩu nông sản
(Baonghean) - Theo số liệu mới nhất của Bộ NN & PTNT, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2013 ước tính đạt 6,61 triệu tấn với tổng giá trị 2,95 tỷ USD. So với năm 2012, khối lượng gạo xuất khẩu đã giảm 17,4% và giá trị xuất khẩu giảm 19,7%. Tuy nhiên, trong những thành tích nổi bật nhất của ngành Nông nghiệp Việt Nam, nhiều năm nay, người ta luôn kể đến như một niềm tự hào về thành tích xuất khẩu gạo - một thành tích đã đưa Việt Nam trở thành một trong vài cường quốc về sản xuất và xuất khẩu gạo của thế giới. Không tự hào sao được khi chúng ta nhớ lại rằng, chỉ cách đây vài thập niên, đất nước chúng ta vẫn là một đất nước luôn thiếu gạo, liên tiếp phải nhập khẩu lương thực và nhiều lúc phải cầu sự viện trợ của thế giới. Rõ ràng, về sản xuất và xuất khẩu gạo, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục…
Nhưng cũng từ số liệu của Bộ NN & PTNT, năm 2013, việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và các loại nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Theo con số chưa đầy đủ, năm 2013 Việt Nam đã phải chi gần 3 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nếu tính cả lượng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi là lúa mì, đậu nành và ngô, con số này trên 4 tỷ USD – nghĩa là ngoài số tiền bán gạo, Việt Nam phải chi thêm hơn 1 tỷ USD nữa mới đủ tiền mua thức ăn chăn nuôi!
Tất nhiên, sự so sánh nào chẳng là khập khiễng! Có người sẽ bảo: gạo là gạo, thức ăn chăn nuôi là thức ăn chăn nuôi(!). Nhưng ai cũng thấy là Việt Nam có thế mạnh về sản xuất cây lương thực, tại sao Việt Nam phải đi nhập khẩu đến 70% thức ăn chăn nuôi – một mặt hàng mà 80 - 90% là lương thực? Ngoài nhập khẩu đến 70% tổng số thức ăn chăn nuôi thành phẩm, người ta còn phải nhập đến 80% nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước (chỉ chiếm 30%). Cụ thể năm 2013, Việt Nam phải nhập khẩu 1,39 triệu tấn đậu nành với kim ngạch 834 triệu USD; nhập 2,26 triệu tấn ngô với kim ngạch 690 triệu USD; 1,71 triệu tấn lúa mì với kim ngạch 584 triệu USD… Theo số liệu của ngành Hải quan, chỉ riêng trong tháng đầu năm 2014, ngành Chăn nuôi Việt Nam đã nhập tới 582.000 tấn ngô, trị giá 150 triệu USD – tăng gấp 6 lần về lượng và gấp 4,6 lần về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2013!...
Việt Nam là một nước nông nghiệp với hơn 80% dân số làm nghề nông, nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, bên cạnh sự đa dạng về điều kiện thổ nhưỡng, canh tác phù hợp với sự phát triển của nhiều loại cây lương thực, không chỉ là lúa nước. Thế mạnh về sản xuất lúa nước được khai thác triệt để đã tạo ra thành tích lớn, nhưng một nền nông nghiệp phát triển phải phát triển đa ngành, trong đó chăn nuôi cũng là một thế mạnh và chú trọng chế biến. Một ngành công nghiệp chế biến nông sản, chế biến thức ăn chăn nuôi vững mạnh, phục vụ thật tốt ngành chăn nuôi đáng lẽ phải phát triển song hành với sự nghiệp trồng trọt, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Nghệ An cũng vậy, nông nghiệp đang là mặt trận chủ lực và chăn nuôi đang phát triển mạnh nhưng tỉnh lại đang phụ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Ngành nông nghiệp cần tổng kết tình hình sản xuất ngô, đậu đưa ra những khuyến cáo, dự báo, đồng thời có chiến lược đầu tư cho sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguồn nguyên liệu trong nước. Nghệ An cũng cần thấy được cơ hội trong lĩnh vực này để trồng và chế biến cây nguyên liệu phục vụ chăn nuôi, để có thể giảm nhập khẩu nông sản.
Thạch Anh
Hà Nội