Ghi ở trang trại An Hà
(Baonghean) - Tôi đã từng đến nhiều trang trại trồng nấm trên địa bàn tỉnh, như Yên Thành, Quỳ Châu, Quế Phong… nhiều nhất là các trại nấm ở Yên Thành. Nhưng quả thực, chưa nơi nào có cơ sở sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô lớn như Công ty Cổ phần Sinh học An Hà ở Tân Kỳ. Đó là một địa chỉ tin cậy để địa phương này nhân rộng nghề trồng nấm cho nông dân trong chương trình xây dựng NTM...
![]() |
Chị Nguyễn Thị Thủy, Công ty An Hà thu hoạch nấm. |
Một ngày của trung tuần tháng 3, chúng tôi đến cơ sở sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu của Công ty Cổ phần Sinh học An Hà, tại khối 10, Thị trấn Lạt (Tân Kỳ). Người dẫn đường là chị Vũ Thị Lĩnh, cán bộ của Phòng Dân tộc huyện Tân Kỳ, phụ trách kỹ thuật trồng nấm cho công ty. Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Công ty An Hà cho biết: Công ty có 8 công nhân làm việc thường xuyên, những lúc thời vụ có đến 15 công nhân. Những công nhân làm việc thường xuyên được công ty tạo điều kiện ra Viện Di truyền nông nghiệp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản nấm sau khi thu hoạch. Từ mờ sáng, chị đã phải hái nấm để kịp gửi xe ô tô vận chuyển lên Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), bán cho thương lái, được 30 kg. Số nấm đang hái này, bán cho một gia đình ở Thị trấn Lạt.
Trước khi giao nấm, chị dùng chiếc kéo, cắt sạch phần chân nấm, những cây nấm già cũng được lựa ra. Đối với khách hàng ở xa, sau khi làm sạch nấm, công nhân đóng thành từng gói, mỗi gói từ 1 - 2 kg, dùng máy hút chân không để đóng gói. Chị Lĩnh cho biết: Nấm được đóng gói bằng máy hút chân không sẽ đảm bảo không bị nát trong quá trình vận chuyển và bảo quản được lâu ngày hơn. Hỏi về thu nhập của công nhân, chị Thủy không giấu: Chị làm công nhân cho công ty từ năm 2011 đến nay, lương được công ty trả 90 nghìn đồng/ngày, làm liên tục một tháng đã có gần 3 triệu đồng. Làm công nhân sản xuất nấm không vất vả, nhưng đòi hỏi cẩn thận, làm theo đúng quy trình kỹ thuật thì nấm mới đảm bảo. Đặc biệt, khâu hấp bịch trong lò thanh trùng và cấy giống là yêu cầu công nhân phải có tay nghề cao.
Dẫn chúng tôi đến những lán treo bịch nấm, chị Lĩnh cho biết: Hiện tại cơ sở này có 8 vạn bịch nấm sò, 7 vạn bịch nấm mộc nhĩ và 1 vạn bịch nấm linh chi. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật, mùa nào cũng có nấm bán ra thị trường. Năm 2013, công ty thu hoạch được 22 tấn nấm sò, 3,5 tấn mộc nhĩ (khô) và 200 kg nấm linh chi. Tổng thu nhập các loại nấm của công ty trong năm 2013 là 900 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Phần lớn sản phẩm nấm làm ra nhập cho Viện Di truyền nông nghiệp, phần ít bán lẻ trên thị trường Tân Kỳ và các huyện lân cận. Năm 2014, công ty phấn đấu đóng 15 vạn bịch nấm sò, 40 vạn bịch nấm mộc nhĩ và 3 vạn bịch nấm linh chi, sản lượng đạt 85 tấn nấm các loại, tổng thu đạt 3,5 tỷ đồng.
Như vậy, năm 2014 này kế hoạch của công ty sản xuất bịch nấm và sản lượng nấm nhiều hơn gấp 3 lần so với năm 2013. Thấy tôi phân vân, chị Lĩnh giải thích, năm nay công ty sẽ mở rộng trại nấm ra cơ sở 2. Rồi chị hồ hởi dẫn chúng tôi đến cơ sở 2, tại xóm 2, xã Kỳ Sơn. Trước mắt chúng tôi là một khu đất rộng 15 nghìn m2, ngay phía sau trụ sở UBND xã Kỳ Sơn, phía trong khu đất ấy là một nhà xưởng được dựng bằng khung thép, mái lợp tôn, phía trong có nhiều công nhân đang xây dựng các thiết bị công nghiệp sản xuất nấm. Chị Lĩnh giới thiệu: Đây là dự án sản xuất và chế biến các loại nấm ăn, nấm dược liệu theo quy mô công nghiệp tại tỉnh Nghệ An (Bộ Khoa học Công nghệ) được thực hiện tại huyện Tân Kỳ, với tổng nguồn vốn của dự án 8,5 tỷ đồng, trong đó vốn của dự án 3,8 tỷ đồng, được thực hiện trong 2 năm 2013 và 2014.
Quy mô nhà xưởng này rộng 1.500 m2, gồm nhà xử lý nguyên liệu, nhà đóng bịch lắp đặt nồi hơi nồi hấp, nhà nuôi giống nấm các loại, lán trồng nấm, văn phòng làm việc… Tại cơ sở này, khâu đóng bịch, xử lý bịch nấm hoàn toàn bằng công nghiệp, gồm thiết bị bộ nồi hơi và buồng hấp bịch công suất 5 nghìn bịch/mẻ (mỗi ngày hấp 2 mẻ), một dây chuyền đóng bịch tự động có công suất 700 - 1.000 bịch/giờ; một bộ dây chuyền sàng, trộn đảo mùn cưa và nguyên vật liệu khác; bộ nồi hấp và thiết bị làm giống có thể nhân giống từ cấp 1 đến giống cấp 3, phục vụ quá trình sản xuất tại địa bàn và các vùng lân cận. Tổng kinh phí cho cơ sở này là 3,2 tỷ đồng, gồm kinh phí mua trang thiết bị, sản xuất kinh doanh và đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho công nhân. Để xây dựng được toàn bộ dây chuyền bằng công nghiệp này, công ty phải sử dụng tổ thợ chuyên lắp đặt dây chuyền này từ ngoài Bắc vào.
Dự kiến dây chuyền công nghiệp này sẽ đưa vào sử dụng giữa năm nay. Tiếp theo, công ty sẽ kết hợp với người dân trong vùng để sản xuất nấm, với chính sách hỗ trợ cho những gia đình, cá nhân, tập thể có nhu cầu sản xuất nấm. Như hỗ trợ 100% tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ một phần giá trị bịch nấm, thu mua toàn bộ sản phẩm nấm tạo ra, thu mua hoặc trao đổi nguyên vật liệu là phế thải nông nghiệp, lâm nghiệp, như: mùn cưa, bã mía, cành cây keo, cao su, thân cây ngô, cùi ngô, cây cỏ voi, cây lạc, vỏ lạc, vỏ cà phê, rơm rạ… để lấy bịch nấm hoặc sản phẩm từ nấm. Những thứ phế thải nông nghiệp, lâm nghiệp đó đều sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất bịch nấm. Những cá nhân, tập thể, gia đình nhận sản xuất nấm, được công ty cung ứng bịch nấm đã đảm bảo cấy giống tốt, với giá 4.000 đồng/bịch, sản phẩm nấm làm ra, được công ty thu mua hoàn toàn.
Ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ, cho biết: Trên những thành tựu của Công ty Sinh học An Hà, UBND huyện sẽ mở rộng địa bàn sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất nấm, thành một thị trường sản xuất nấm mang tính hàng hóa. Trên cơ sở đó, công ty là nơi chuyển giao kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm nấm cho bà con. Trước mắt, huyện sẽ triển khai trên địa bàn 1 xã, sau đó nhân ra diện rộng. Đây là cơ hội thuận lợi để Tân Kỳ tạo việc làm tại chỗ cho nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới...
Xuân Hoàng