Văn hóa đọc

05/05/2014 16:31

(Baonghean) - Ngày 24/2 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đây là lần đầu tiên nước ta có Ngày Sách.

Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Mà con người chính là nhân tố quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia, một dân tộc. “Quốc dĩ dân vi bản”- nước lấy dân làm gốc mà. Nhưng ngược lại, điều đó cũng cho thấy một thực tế buồn là từ nhiều năm nay, người Việt ta ngày càng “lười” đọc sách. Cái sự lười có thể nói là đã ở mức đáng báo động. Cho nên Chính phủ mới quy định Ngày Sách Việt Nam để vừa đề cao việc đọc sách vừa nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn và quan trọng của việc đọc sách.

Nói vậy để cùng đi đến một nhận thức là cần phải đưa việc đọc sách trở thành một nét văn hóa, một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Mà nói như các nhà lý luận thì cần phải xây dựng văn hóa đọc sách. Nghĩa là đọc như thế nào và vận dụng những điều đã đọc đó vào cuộc sống ra sao để đem lại lợi ích cho bản thân và cả cộng đồng. Trước hết cần phải thấy một điều là văn hóa đọc sách tùy thuộc vào sự giác ngộ cũng như trình độ văn hóa, trình độ nhận thức của mỗi cá nhân. Và đôi khi, văn hóa đọc của mỗi cá nhân đồng nghĩa là kỹ năng đọc của họ. Kỹ năng có thể tự hình thành qua quá trình rèn luyện nhưng cũng có thể hình thành qua sự hướng dẫn, học hỏi từ cộng đồng. Vì thế, xây dựng văn hóa đọc phải bắt đầu từ việc hình thành kỹ năng đọc sách cho mỗi một cá nhân. Theo ý kiến của các chuyên gia về lĩnh vực này ở Thư viện Quốc gia Việt Nam thì kỹ năng đọc là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy được xác lập thành thói quen ứng xử đọc.

Các thao tác tư duy đó là: Lựa chọn có ý thức đề tài hoặc những vấn đề cần đọc cho bản thân, biết vận dụng thành thạo các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu đọc. Biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân, trước hết trong các thư mục và mục lục thư viện, các nguồn tra cứu như: bách khoa thư, từ điển giải nghĩa, các loại sổ tay, cẩm nang... và biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân trong môi trường số. Thể hiện được tính hệ thống, tính liên tục trong quá trình lựa chọn tài liệu đọc. Biết cách tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung tài liệu đọc, kể cả vệ sinh khi đọc tài liệu như cách ngồi, khoảng cách giữa mắt và tài liệu đọc... Biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như ghi chép, lập hộp phiếu thư mục, soạn tóm tắt, viết chú giải, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp...

Biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc. Mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung cốt lõi và biết vận dung những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc. Ngày nay người ta đặc biệt lưu tâm tới yếu tố biết vận dụng những nội dung đã đọc vào cuộc sống của mỗi người đọc để có thể cải thiện được chính cuộc sống của họ. Chính vì thế mà hàng năm UNESCO trao giải thưởng xoá mù chữ cho những cá nhân, tập thể không chỉ biết đọc biết viết đơn thuần, mà phải biết vận dụng những điều đọc được để cải thiện cuộc sống của chính họ. Một khi đã rèn được kỹ năng đọc sách có hiệu quả và biết vận dụng những điều đã đọc được vào việc cải thiện cuộc sống của bản thân thì tự khắc người ta nhận ra được lợi ích to lớn của việc đọc sách mà trở nên ham thích đọc sách nhất là những loại sách phù hợp sở thích cũng như nhu cầu cần tìm hiểu để phục vụ cho một mục đích nào đó của người đọc.

Từ đó, dần hình thành nên thái độ ứng xử, chuẩn mực đọc và giá trị đọc của cộng đồng xã hội và mỗi cá nhân trong xã hội với ba thành phần chính yếu là: Thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Đó chính là văn hóa đọc. Đã có một câu nói rất hay về vấn đề này “Không quan trọng bạn đọc được bao nhiêu, quan trọng là bạn đọc được những gì và để làm gì, văn hóa đọc chính là gấp cuốn sách lại và mở cuộc đời ra”.

Vấn đề đặt ra ở đây là: ai sẽ là người đóng vai trò hướng dẫn kỹ năng đọc sách cho mọi người? Người đó có thể là bất cứ ai trong số chúng ta. Người có kỹ năng, bày vẽ, chỉ dẫn cho người chưa có kỹ năng để rồi cùng nhau trao đổi, rèn giũa, rút kinh nghiệm hoàn thiện dần. Nhưng cách làm cụ thể và dễ đạt hiệu quả thiết thực nhất là nên đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ cấp tiểu học trở lên. Mỗi học kỳ, dành ra một số tiết học để hướng dẫn kỹ năng đọc sách cho các em kiểu như các tiết học dạy kỹ năng sống. Có thực hành trên một một số cuốn sách cụ thể rồi tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm. Cứ thế, mỗi năm một ít, vừa bồi đắp tình yêu đối với sách, hình thành sở thích đọc sách vừa giúp các em ngộ ra lợi ích của việc đọc sách đối với cuộc sống của chính bản thân các em ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đấy chính là cách hình văn hóa đọc một cách bài bản, có hệ thống và lâu bền nhất.

Duy Hương