Nét chữ, nết người

01/03/2014 15:15

(Baonghean) - Hồi học tiểu học, mình chúa ghét môn tập viết. Lý do: tay bị mồ hôi, lúc nào cũng phải kè kè khăn mùi soa bên cạnh. Hôm nào quên khăn mùi soa là y như rằng mồ hôi ướt lem nhem cả vở, mực dính đầy tay.

Cũng vì thế mà so với bọn bạn trong lớp, mình viết vừa chậm, chữ vừa xấu như ma lem, có năm suýt không được học sinh giỏi chỉ vì cái môn tập viết trời đánh, nghĩ lại vẫn thấy ức! Lên cấp 2 tình hình có khá hơn tẹo, không còn cái môn hung thần cũng không phải viết bút mực nữa. Bút bi muôn năm! Viết tháu, viết tắt muôn năm! Sang đến năm lớp 7 thì chữ mình đúng nghĩa mèo cào, bố mẹ phải xách cổ đi học lớp luyện chữ của nhà văn hoá thiếu nhi Việt Đức. Mình lớn tướng ngồi giữa lớp toàn học sinh lớp 4, lớp 5, xấu hổ phát điên lên được. Tất nhiên chữ mình mãi mãi chẳng ra gì, xấu đui, chỉ dễ đọc thôi, cũng đã là tiến bộ vượt bậc rồi.

Hôm nay đọc báo thấy bảo có đề xuất bỏ môn rèn chữ đẹp ở tiểu học, mình ngẩn người: Quả là một phát kiến đáng trao giải Nobel, tại sao thời mình đi học người ta không có những đề xuất sáng suốt như thế nhỉ? Mình quay sang hỏi bé Bim đang bặm môi, chăm chú viết từng dòng chữ O: “Môn tập viết chán òm, Bim nhỉ?”, thì con bé gắt ầm lên: “Cậu xê ra cho Bim viết, méo hết cả O tròn như quả trứng gà của Bim rồi đây này, Bim bắt đền cậu!”. Mình ngó lại đống “O tròn như quả trứng gà” của con bé, thấy quả thì méo trên, quả thì méo dưới, quả nào công bằng thì méo cả trên cả dưới, chưa kể thêm khoảng chục quả hở miệng toang hoác, phì cười. Cái con bé lí lắc, bình thường nói lia lịa, chạy loăng quăng khắp nhà, có bao giờ thấy ngồi im một chỗ như thế này đâu? Mình đọc lại bài báo một lần nữa, “Viết chữ đẹp và tính nhẩm nhanh chỉ là các kỹ năng”, “Nét chữ, nết người nhưng không có nghĩa là chữ xấu là nết xấu”...Tự dưng ngẫm nghĩ...

Hồi mình học cấp 3 ở nước ngoài, được “đăng quang vô địch chữ đẹp” của lớp, không phải vì chữ mình đẹp mà vì chữ tụi Tây xấu đau xấu đớn. Không chỉ là xấu đơn thuần, chữ chúng nó đố ai luận ra được, đến nỗi các thầy cô phải bảo: “Sao cậu người Việt này viết tiếng Pháp còn các cô cậu người Pháp lại viết tiếng Ả Rập là cớ làm sao?”. Cả lớp xúm xít vào hỏi mình làm thế nào để viết được chữ “đẹp” (mình xin không dám nhận là chữ mình đẹp), mình thật thà bảo hồi học tiểu học phải rèn chữ ghê lắm, lơ tơ mơ bị phạt thước vào tay ngay (tất nhiên là nhè nhẹ thôi, hì hì, nói thế cho chúng nó sợ). Cả lũ há hốc mồm, từ đó trở đi, tụi Pháp khăng khăng tin rằng cứ là người châu Á (người Việt Nam) thì đều viết chữ đẹp. Một thứ giá trị văn hoá, một thứ truyền thống dân tộc, kiểu như vậy.

Suy cho cùng, cái “ám ảnh” của người Việt mình về nét chữ có lẽ cũng ít nhiều mang hơi hướng của văn hoá và truyền thống thật. Mình đang nghĩ đến những ông đồ gò mình bên bút lông, nghiên mực, nắn nót thảo những chữ như phượng múa rồng bay. Có phải vì trong quan niệm của người Á Đông mình, chân - thiện - mỹ không thể không đi cùng với nhau, và con người ta luôn phải hướng đến những giá trị hoàn thiện, đẹp cả về bề sâu và bề nổi. Cái đẹp không nói lên hết được bản chất của một sự vật, con người, nhưng trước hết, nó nói rằng người thưởng ngoạn là người được tôn trọng. Từ tâm hồn đi đến tâm hồn, từ con người đến với con người, cái đẹp không là chìa khoá mở cửa nhưng là động lực khuyến khích con người ta tìm để chạm đến tầng sâu hơn của mọi vấn đề.

Bé Bim nhà mình đã viết xong bài tập về chữ O. Có lẽ mình phải viết thư ngay cho Bộ Giáo dục, khẩn thiết xin người ta đừng bỏ môn luyện chữ đi, bởi vì nếu thế thì sẽ không bao giờ mình được thấy lại cảnh bé Bim nhẫn nại, cắm cúi viết từng con chữ như thế nữa. Rèn chữ, ấy là rèn người, cũng là rèn cho chúng ta biết tôn trọng những điều mình viết ra, cũng là những điều mình suy nghĩ. Nếu như đến ta còn không tôn trọng những lời, những dòng của bản thân mình, thể hiện qua những con chữ cẩu thả mà có khi chính người viết còn không dịch nổi, thử hỏi làm sao người đọc có thể tôn trọng những dòng chữ ấy hay tôn trọng người viết? Thật may là thời đại này chúng ta có máy vi tính và máy in, nên mình mới dám viết ra những dòng này, chứ với tình hình chữ nghĩa của mình thì có lẽ chẳng có ma nào thèm đọc bài này mất!

Hải Triều