Một người "ăn trọn" hơn 1,6 triệu đô la?
Tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Vinalines chiều 24/4, các luật sư đều cho rằng khoản tiền lại quả 1,666 triệu đô la Mỹ được chuyển về Việt Nam là có thật. Nhưng chỉ có một số cấp dưới chia chác số tiền đó, còn hai lãnh đạo cao cấp nhất của Vinalines không được nhận một đồng.
Tranh luận căng thẳng
Trong phần tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm chiều 24-4, các luật sư đã đưa ra nhiều quan điểm và lập luận để bảo vệ thân chủ của mình, với cách trình bày khá “gay gắt”.
Quang cảnh phiên xử phúc thẩm chiều 24-4. |
Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố phải làm dịu bầu không khí “nóng” tại phiên tòa và cho rằng ý kiến của các luật sư có vẻ “hơi căng”. Vị này cũng không khẳng định rằng VKS đúng hết. Hai bên công tố và bào chữa đều có quyền đưa ra chứng cứ, quan điểm của riêng mình. Quyết định cuối cùng thuộc về Hội đồng Xét xử.
“Vụ án có hai án tử hình nên chúng tôi phải rất cẩn trọng. Nếu để oan chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhà nước và nhân dân. Chúng tôi không những không để oan mà không được bỏ lọt tội phạm,” đại diện VKS nói.
VKS khẳng định, hai lãnh đạo Vinalines có chỉ đạo việc mua bằng được ụ nổi 83M và ăn chia tiền hoa hồng. Mặc dù các bị cáo không thừa nhận, nhưng trên cơ sở nghiên cứu các chứng cứ có được, VKS giữ nguyên quan điểm buộc tội của mình về tội tham ô và cố ý làm trái đối với các bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Xuân Phúc.
VKS cho rằng hành vi của các bị cáo phải được xem xét trong một chuỗi hoạt động từ đầu cho tới khi ụ nổi 83M nhập về Việt Nam. Trong chuỗi này, các giai đoạn từ nghiên cứu, quyết định mua, đưa ụ nổi về…đều không được thực hiện đúng yêu cầu công vụ.
Phi thực tế?
Trong phần tranh luận, các luật sư bảo vệ cho bị cáo đều thừa nhận, khoản tiền hơn 1,6 triệu đô la (khoảng 28 tỉ đồng) do công ty môi giới AP (Singapore) chuyển về Việt Nam là có thật.
Vấn đề cần làm rõ là ai đã được chia khoản tiền đó; ai là người đàm phán thỏa thuận khoản hoa hồng này?
Luật sư Trần Đại Thắng (bào chữa cho Dương Chí Dũng) cho rằng, thỏa thuận với công ty AP là do bị cáo Trần Hải Sơn thực hiện, không có sự tham gia của các ông Dương Chí Dũng và Mai Xuân Phúc. Luật sư Trần Đình Triển cũng đưa ra bằng chứng khẳng định một mình ông Trần Hải Sơn “ăn trọn” cả 1,666 triệu USD.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy còn đặt câu hỏi: Cơ sở pháp lý nào để nói 1,666 triệu USD là tài sản của Vinalines mà nói các bị cáo tham ô.
VKS khẳng định, khoản tiền 1,666 triệu đô la được trích trả nằm trong tổng số 9 triệu đô la mà Vinalines có trong ký quỹ của ngân hàng, trích trong khoản 130 triệu USD mà Vinalines ký quỹ khoản vay dùng tài sản của Vinalines để thế chấp. Vì vậy có thể khẳng định Vinalines dùng tiền Nhà nước mua ụ nổi. VKS cho biết, dù hai lãnh đạo Vinalines không thừa nhận ăn chia tiền, và có một số tình tiết còn mâu thuẫn, nhưng VKS có đủ “niềm tin và căn cứ” để khẳng định lời khai của ông Trần Hải Sơn về việc chi tiền cho ông Dũng và ông Phúc là đúng.
“Một Chủ tịch HĐQT, một TGĐ và một người được tin tưởng, với quan hệ cấp trên cấp dưới như vậy mà chỉ cấp dưới được hưởng tiền lại quả còn cấp trên không có thì thực tế có xảy ra không?” đại diện VKS nói.
Phút giây lắng đọng
Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) liên tục bị các lãnh đạo cấp cao nhất cho là dựng chuyện, cung cấp bằng chứng sai để đổ tội. Không chỉ vậy, ông Sơn còn bị cho là người ăn trọn 1,666 triệu USD.
Nhưng khi được nói lời sau cùng, ông Sơn đã khóc và “xin tòa xem xét mức án của anh Dũng và anh Phúc để mong hai anh không bị mức án tử hình."
Nói lời sau cùng, Dương Chí Dũng khẳng định bản thân không sợ chết, dù rất yêu cuộc sống. Bị cáo vẫn tin mình không có tội thì sẽ được minh oan. Bị cáo xin được hoãn thi hành án để có thể sống đến lúc tội trạng được chứng minh. Dũng cho biết mình không trốn tội. Nếu có lấy đồng nào thì bị cáo nhất định sẽ trả đủ đồng đó. Bị cáo sẽ vận động vợ con, bán bằng hết, bằng đủ mọi giá để bồi thường, mong được sống.
Bị cáo Mai Văn Phúc – Tổng giám đốc, là người có vai trò quan trọng hàng đầu, cùng với Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng, trong việc dẫn dắt Vinalines. Khi được dẫn vào phòng xử, ông Dũng cũng lịch sự bắt tay cựu đồng nghiệp. Nhưng trong những phút giây tự bào chữa trước tòa, để bảo vệ bản thân mình, bị cáo Phúc công khai thừa nhận: “Tôi với anh Dũng không đội trời chung thì không thể bàn bạc làm chuyện gì với nhau được”.
Theo dự kiến, chiều mai (25/4), tòa sẽ tuyên án.
Theo TBKTSG Online