Đô Lương: Những con đường từ sức dân
(Baonghean) - Những năm gần đây, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đô Lương đã đẩy mạnh xây dựng đường giao thông nông thôn, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, phục vụ nhân dân đi lại và sản xuất thuận lợi.
Làm giao thông nội đồng ở xã Lạc Sơn (Đô Lương). |
Chúng tôi về xã Hòa Sơn – một trong những địa phương dẫn đầu phong trào làm giao thông nông thôn của huyện Đô Lương, từ Quốc lộ 7, mỗi tuyến đường đều được nâng cấp, làm mới chạy vào các thôn xóm của xã. Xóm 1, xã Hòa Sơn có 121 hộ dân, 456 nhân khẩu, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, song người dân nơi đây xác định làm đường giao thông nông thôn là cho mình hưởng lợi, phục vụ việc sản xuất mùa màng, lưu thông hàng nông sản thuận tiện, nên hồ hởi hưởng ứng, tự nguyện góp tiền mặt, hiến đất, dỡ bỏ tường rào nhà mình để mở rộng đường thôn xóm. Ông Phan Văn Thành xóm 1, xã Hòa Sơn hồ hởi chia sẻ: Gia đình tôi đã tự nguyện tháo dỡ 18m tường rào và hiến 40m2 đất để mở rộng mặt đường theo đúng tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi rất vui mừng vì đường làng giờ đã được nâng cao, rộng rãi, đảm bảo giao thông đi lại, vận chuyển nguyên liệu, sản xuất mùa vụ.
Không chỉ gia đình ông Thành mà ở xóm 1 Hòa Sơn còn có nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ tường rào nhà mình để làm đường, như hộ ông Hoàng Như Đệ tự nguyện dỡ 35m tường rào, hiến 70m2 đất. Hay gia đình ông Trần Quốc Sáu, Thái Đình Hòa… hiến đất, lấp ao để mở rộng lề đường. Ông Phan Văn Hòa, Xóm trưởng xóm 1, xã Hòa Sơn cho biết: Mặc dù là địa bàn thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng người dân nơi đây đồng thuận hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2003 – 2005, xóm bắt đầu làm đường giao thông nông thôn, sau gần 3 năm đã làm được 2,7 km đường bê tông thôn xóm. Đến năm 2013, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường bê tông cũ được mở rộng 6m, nhân dân đóng góp 300 ngàn đồng/người, cùng chung sức đào đắp, mở rộng cơ đường. Đầu năm mới 2014 này, xóm chuẩn bị nhận xi măng từ huyện cấp để mở rộng các mặt đường bê tông trong xóm đủ theo tiêu chuẩn rộng 6m, nguồn kinh phí chủ yếu do dân đóng góp, dự kiến huy động đợt 1 từ 500 – 700 ngàn đồng/người. Xóm đã nhận được sự đồng thuận sẵn sàng ủng hộ từ phía nhân dân, đó là nền tảng vững chắc để xóm cùng với xã sớm hoàn thành tiêu chí về đường giao thông nông thôn.
Hòa Sơn là 1 trong 7 xã tốp đầu mà huyện Đô Lương chỉ đạo thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Thái Đình Hường - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Xây dựng giao thông nông thôn là tiêu chí khó vì phải đầu tư kinh phí lớn, trong khi Hòa Sơn địa bàn rộng, chính quyền địa phương cùng toàn thể nhân dân đều phải nỗ lực tối đa để chung sức thực hiện mục tiêu này. Ngoài ra, xã còn huy động các doanh nghiệp, con em quê hương thành đạt ủng hộ đóng góp xây dựng quê nhà. Đầu năm 2014, tất cả các tuyến đường xã và xóm quản lý đều đã được cắm mốc chỉ giới, trong đó 7 tuyến đường xã quản lý đều được nhựa hóa và bê tông hóa. Để đạt được mục tiêu làm đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, cuối năm 2013 Hòa Sơn trích kinh phí từ ngân sách xã đầu tư hơn 500 triệu đồng để nâng cấp 2 km đường nhựa, đồng thời tiến hành đổ bê tông hóa 2 km đường giao thông nông thôn kết hợp nội đồng, trị giá hơn 1 tỷ đồng do nhân dân đóng góp kinh phí và nguồn ngân sách xã, riêng xi măng được cấp trên hỗ trợ.
Kế hoạch năm 2014, Hòa Sơn tiếp tục đầu tư làm 2km đường giao thông nông thôn kết hợp nội đồng do xã quản lý và 2km đường xóm. Đến thời điểm này, toàn xã làm được 32,71km đường bê tông ở các thôn xóm, nguồn xi măng do tỉnh và huyện đầu tư, dân đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng, kinh phí cùng dốc sức hoàn chỉnh những tuyến đường mơ ước lâu nay. Giờ đây, đường làng, ngõ xóm cao rộng, sạch sẽ, các loại phương tiện đi lại thuận lợi, bà con không còn lo phải chịu cảnh sình lầy, ngập bẩn trên các tuyến đường thôn xóm mỗi khi mùa mưa về.
Về Đô Lương hôm nay, cảm nhận rõ khí thế mới ở các làng quê, có lẽ nét đổi thay rõ nhất bắt đầu từ những tuyến đường phong quang, sạch đẹp, các loại xe cơ giới lướt êm trên đường. Từ đường làng, ngõ xóm chật hẹp, nay đường được mở ra theo tiêu chí nông thôn mới, các trục đường liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm đều được mở rộng theo quy hoạch. Sự hỗ trợ của tỉnh và huyện về xi măng mới đáp ứng được 28 – 30% chi phí, số còn lại đều do nhân dân đóng góp bằng tiền, ngày công, vật liệu xây dựng. Các hộ hiến đất làm đường đều được nhân dân trong xóm ủng hộ ngày công để tháo dỡ, xây dựng lại tường bao công trình, từ đó đã tạo được sự hài hòa, thống nhất cao trong nhân dân. Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại 32/32 xã trên địa bàn toàn huyện đều thực hiện tốt chủ trương làm giao thông nông thôn. Song trên thực tế phong trào làm đường giao thông nông thôn bằng bê tông nhu cầu rất lớn, trước mắt trong điều kiện ngân sách cấp trên chưa đáp ứng đủ nhu cầu ở cơ sở thì các xã đã chủ động mở rộng đường, quy hoạch, chỉnh sửa để khi hỗ trợ xi măng của tỉnh và huyện sẽ tiến hành thi công thuận lợi.
Cùng với đó, huyện Đô Lương kêu gọi xã hội hóa làm đường giao thông nông thôn, kêu gọi con em trên địa bàn và ở xa ủng hộ kinh phí để chung sức làm đường, tiêu biểu có ông Nguyễn Trọng Phùng ở xóm Trung Minh, xã Minh Sơn ủng hộ gần 1 tỷ đồng; Gia đình ông Thái Khắc Quyền ở xã Thịnh Sơn ủng hộ làm mới một tuyến đường giao thông nông thôn trị giá 300 triệu đồng; Hay gia đình anh Tư Hiền ở xã Thịnh Sơn ủng hộ làm tuyến đường bê tông xóm trị giá 500 triệu đồng…
Trong những ngày đầu năm mới 2014, nhân dân huyện Đô Lương đồng loạt triển khai xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Đợt 1 năm 2014, tỉnh và huyện Đô Lương hỗ trợ trên 4.000 tấn xi măng cho các xã trên địa bàn để phục vụ triển khai xây dựng 20 km đường giao thông nông thôn cấp A. Trong 3 năm (từ 2011 – 2013), toàn huyện đã huy động được 124.248 triệu đồng để xây dựng, nâng cấp 326 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và 1.726 cầu, cống dân sinh. Riêng trong 2 năm (2012 – 2013), 23 xã trên địa bàn huyện làm được gần 50 km đường giao thông nông thôn loại A do tỉnh hỗ trợ xi măng 9.900 tấn, điển hình như xã Thượng Sơn, Trung Sơn, Xuân Sơn…
Có được kết quả khả quan như trên, huyện Đô Lương đã huy động nội lực của toàn dân cùng chung sức làm giao thông nông thôn, tất cả đều do người dân làm chủ và giám sát công trình, mỗi người đều xác định làm giao thông nông thôn là làm cho chính gia đình mình, con em mình được hưởng lợi nên đều đồng lòng.
Quỳnh Lan