Điện hạt nhân: Sự gặp gỡ Việt - Mỹ

01/03/2014 15:14

Chính phủ Mỹ đã có những khởi động ban đầu và tích cực cho sự đầu tư vào Việt Nam, quá trình phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam hy vọng sẽ gặp những thuận lợi mới…

Mỹ mong đợi ở VN điều gì?

Việt Nam xây dựng mối quan hệ về công nghệ điện hạt nhân với nước Mỹ bên kia bán cầu, tuy có muộn so với Nga và Nhật, nhưng dù sao đã khởi phát. Và những bước diễn tiến ban đầu là tuần tự và phát triển theo chiều “kim đồng hồ”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 24/02/2014, từ Nhà Trắng, đã thông báo chính thức, trong một bản ghi nhớ được công bố, ông đã chấp thuận một thỏa thuận về hạt nhân dân sự với Việt Nam. Sau sự bật đèn xanh đó của tổng thống, quốc hội sẽ thi hành quyền duyệt xét thỏa thuận này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau lễ ký tắt Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau lễ ký tắt Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
.

Trước đó, Thỏa thuận khung về hợp tác hạt nhân - vừa được Tổng thống Obama thông báo đã được hai nước ký kết bên lề ở Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Brunei, vào ngày 10/10/2013.

Theo luật lệ hiện hành tại Mỹ, sau 90 ngày, nếu không có dự luật nào được đệ trình để ngăn cản, thì thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực và xem như đương nhiên Quốc hội Mỹ phê chuẩn và mở đường cho mối quan hệ hạt nhân Việt Mỹ và Hoa Kỳ có thể bán lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam.

Điều gì khả dĩ ngăn cản quá trình?

Về mặt pháp lý quốc tế, Việt Nam trong văn kiện ký kết đã cam kết không sản xuất nguyên liệu phóng xạ có thể được dùng vào việc chế tạo vũ khí hạt nhân và sẽ tuân theo tiêu chuẩn không phổ biến vũ khí nguyên tử của Mỹ. Chính TT. Obama đã xác nhận: “Bản Thỏa thuận sẽ phát huy, chứ không phải là một rủi ro, cho nền an ninh quốc phòng của cả hai bên”.

Về mặt kinh tế, Mỹ xem Việt Nam là thị trường mới, là cơ hội đáng chú ý cho các doanh nghiệp Mỹ trong khu vực Đông Á. Dù ở khu vực này, Nhật Bản, đã có trên 50 tổ máy điện hạt nhân và, với sự cố Fukushima, khả năng tăng thêm không cao. Hàn Quốc đang có trên 20 tổ máy và nhu cầu tăng năng lượng không bằng Việt Nam.

Trong lúc, các nhà đầu tư Hoa Kỳ dự đoán, Việt nam có nhu cầu năng lượng lớn. Theo quy hoạch, đến năm 2023, Việt Nam có 10.700 MW, tương đương với 10 tổ máy hay lò phản ứng hạt nhân. Và đến năm 2050, điện hạt nhân có thể chiếm tỷ trọng khoảng 20-50% sản lượng điện. Như vậy, triển vọng thị trường điện hạt nhân Việt Nam đáng để Hoa Kỳ quan tâm.

Một thỏa thuận ký kết với Việt Nam sẽ mở cửa cho ngành công nghiệp hạt nhân Hoa Kỳ một thị trường có tiềm năng lớn. Như chính Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Việt Nam hiện đã vươn lên thành thị trường lớn thứ hai tại vùng Đông Á và Đông Nam Á trong lãnh vực hạt nhân dân sự, chỉ sau Trung Quốc.

Dù rằng, trước mắt đang có trở ngại nhất định. theo một số chuyên gia, thị trường Việt Nam đầy tiềm năng có thể chưa hồ hởi lắm đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ vì giá chuyển giao thiết bị và công nghệ của Mỹ cao hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh như Nga, Nhật Bản hay Hàn Quốc...

Sự chờ đợi từ phía Việt Nam?

Mỹ là nước có nhiều kinh nghiệm và đang nắm giữ nhiều công nghệ

.

Mỹ là nước thứ 8 mà Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác về hạt nhân dân sự, sau các Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Argentina. Nhưng, Mỹ là quốc gia có nền hạt nhân hùng mạnh nhất. Hợp tác với Mỹ là một cơ hội tốt cho các nước nói chung, Việt Nam nói riêng trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực hạt nhân, đặc biệt trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Điều quan trọng, chính Mỹ là quốc gia khởi phát và hiện nắm giữ nhiều công nghệ “nguồn”. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Pháp cũng nhập khẩu công nghệ của Hoa Kỳ sau đó mới phát triển thành công nghệ của họ. Chính vì vậy, việc chúng ta hợp tác ngay với quốc gia có công nghệ nguồn là lợi thế lớn.

Cụ thể, Việt Nam đang triển khai chương trình phát triển điện hạt nhân, trong đó dự án nhà máy điện hạt nhân số 2 Ninh Thuận ký với Nhật Bản. Nhưng, trong số 4 loại lò phản ứng đề xuất chuyển giao cho VN, ABWR, MPWR+, AP1000 và ATMEA1, phần lớn có nguồn gốc từ Pháp và Mỹ, hay hầu hết nguồn gốc công nghệ của Mỹ, đặc biệt lò nước áp lực kiểu AP 1000 chính của Westinghouse (Hoa Kỳ).

Và theo các văn bản luật lệ quốc tế, để tiếp nhận được các lò phản ứng trên công nghệ này, một trong những điều kiện tiên quyết là một số Hiệp định phải được ký giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Từ đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ và cả Pháp, Nhật… mới có thể chuyển giao cho Việt Nam loại công nghệ nói trên.

Như vậy, với mối quan hệ phát triển ngày càng chặt chẽ với Mỹ cũng như Nga, Nhật và Pháp trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình, Việt Nam hy vọng nền công nghiệp điện hạt nhân của mình sẽ có cơ hội phát triển vững chắc và dài lâu, nếu có những chủ trương chính sách sáng suốt, đúng đắn và bước đi vững chắc, thích hợp

Theo.vietnamnet