Đối đầu Đông - Tây liệu có bao trùm đàm phán?

19/03/2014 09:43

(Baonghean) - Hôm nay, Iran và nhóm P5+1 nối lại vòng đàm phán tại Viên (Áo) nhằm giải quyết các tranh cãi liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Vòng đàm phán lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây đang căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, dư luận quốc tế lo ngại liệu vòng đàm phán lần này có bị ảnh hưởng bởi sự đối đầu Đông - Tây tại Ukraine hiện nay hay không?

Những ngày này cả thế giới đang chuyển trọng tâm chú ý về Ukraine với sự đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau chiến tranh lạnh giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Không khó hiểu khi dư luận lo ngại rằng vòng đàm phán lần này về vấn đề hạt nhân Iran diễn ra nhiều khả năng sẽ bị bao trùm bởi một không khí nặng nề từ cuộc đối đầu này. Mặc dù tại vòng đàm phán cấp chuyên viên 2 tuần trước, các quan chức phương Tây cho biết sẽ không để những bất ổn ở Ukraine tác động đến cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và P5+1. Song theo các nhà phân tích, trong bối cảnh căng thẳng hiện nay giữa Nga với Mỹ và phương Tây đang ở thời điểm gay gắt liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, vấn đề hạt nhân Iran có thể sẽ bị tác động ít nhiều bởi cuộc đối đầu này.

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton (thứ hai, trái) và Ngoại trưởng Iran Javad Mohammad Zarif (phải) tại cuộc đàm phán ở Vienna ngày 20/2. Ảnh: AFP
Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton (thứ hai, trái) và Ngoại trưởng Iran Javad Mohammad Zarif (phải) tại cuộc đàm phán ở Vienna ngày 20/2. Ảnh: AFP

Những vòng đàm phán lần trước đang cho thấy một số tiến triển tốt đẹp, cả Iran và phương Tây gần đây cũng đang dần xây dựng lòng tin nhằm tạo môi trường thuận lợi để đạt được thỏa thuận hạt nhân lâu dài. Mỹ và phương Tây hiện đang có những động thái nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran. Về phần mình, Iran cũng đang cho thấy thái độ hợp tác đầy đủ nhằm giải tỏa những lo ngại từ các nước phương Tây. Tiến triển trong quan hệ giữa Iran với phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng trong thời gian gần đây còn khiến Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông có quan điểm thù địch với Iran tỏ ra khó chịu.

Trước vòng đàm phán lần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jenifer Psaki từng cho biết, Mỹ hy vọng Nga sẽ tiếp tục là thành viên tích cực trong nỗ lực thúc đẩy Iran chấp nhận ngừng chương trình hạt nhân đổi lấy dỡ bỏ cấm vận. Điều này cho thấy Mỹ vẫn đánh giá cao vai trò của Nga trong cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran. Bởi nếu không có cái “gật đầu” ủng hộ từ Moscow, Iran khó có thể trực diện đưa ra những yêu sách và đòi hỏi đối với phương Tây. Thực tế thì Nga là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ Iran xây dựng các lò phản ứng hạt nhân, đồng thời là thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc có quyền phủ quyết và Nga có thể che chở cho Iran trước các lệnh trừng phạt nghiêm khắc từ cơ quan quyền lực nhất hành tinh này. Do đó, tiếng nói của Nga đối với Iran có sức nặng hơn nhiều so với những đe dọa lâu nay của Mỹ và phương Tây.

Hơn ai hết Mỹ và phương Tây hiểu rằng phải cần đến Nga để gây sức ép buộc Tehran từ bỏ chương trình làm giàu uranium, điều mà họ cho rằng Iran có thể phát triển vũ khí hạt nhân. Một điểm đáng chú ý nữa là đối với Mỹ và phương Tây, phải trải qua nhiều lần đàm phán khó khăn mới có thể đạt được những thỏa thuận tạm thời với Tehran như vừa qua. Nếu Washington tiếp tục đối đầu căng thẳng với Moscow tại vòng đàm phán lần này vì cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine thì có thể vấn đề hạt nhân Iran sẽ lâm vào bế tắc và diễn ra không theo mong muốn. Không những thế, còn hàng loạt các vấn đề phức tạp khác trên thế giới mà Mỹ phải cần đến Nga để giải quyết như cuộc khủng hoảng tại Syria, tiến trình hòa bình Trung Đông, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên... Rõ ràng, nếu để cuộc đối đầu Đông – Tây tại Ukraine tác động lên vòng đàm phán lần này như một sự liên đới thì Mỹ mới chính là người phải gánh chịu các hệ quả không mong muốn chứ không phải Nga.

Sự đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây hiện nay có thể là nguyên nhân Ngoại trưởng Iran Javad Zarif không hy vọng các bên sẽ đạt được một hiệp định tổng thể ngay lập tức. Nhóm P5+1 đang chia rẽ sâu sắc trong vấn đề Ukraine, song có thể các bên sẽ vẫn nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận lâu dài cho vấn đề hạt nhân Iran và ngăn chặn các mối đe dọa dẫn đến một cuộc chiến tranh khốc liệt xảy ra tại Trung Đông.

Cao Biền