Những "ông chủ" mới ở làng ngư Diễn Ngọc

24/04/2014 18:38

(Baonghean) - Những người đàn ông từng trải sóng gió, những người đàn bà vốn chỉ quen ngóng chờ chồng từng chuyến biển rủi may, nay trở thành ông chủ, bà chủ của các cơ sở chế biến hải sản, vừa vươn lên làm giàu, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định. Đó là nét năng động làm ăn mới ở xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu)...

Xưởng chế biến nước mắm của gia đình Nguyễn Thị Liên xóm Đông Lộc.
Xưởng chế biến nước mắm của gia đình Nguyễn Thị Liên xóm Đông Lộc.

Ngày hai bận, bến cá trên Lạch Vạn vẫn chộn rộn đón tàu thuyền đi khơi, đi lộng về. Nhưng không khí đã ít đi cái tất tả, lo toan bán mua và cảnh đàn bà từng nhà tất bật đi chợ gần chợ xa như trước; mà cá tôm về đã có ngay người trong làng chài, có khi vừa là chủ thuyền, lo cho việc thu mua; hải sản cũng không phải vận chuyển đâu xa, mà chỉ mấy trăm mét là chuyển về đến kho cấp đông, lò chế biến… Theo Phó chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc, ông Nguyễn Văn Dũng, toàn xã có sản lượng đánh bắt hải sản hàng năm đạt bình quân trên 13.000 tấn, nên rất dồi dào, phong phú nguồn nguyên liệu cho phát triển nghề chế biến tại chỗ.

Vừa đến gần làng Đông Lộc của xã Diễn Ngọc, đã nghe thơm lừng mùi nước mắm đặc sản. Ngày nắng, những chum, vại, thùng, vò… chưng cất nước mắm, tép ruốc ủ từ vụ cá chính năm ngoái, được người làm nghề mở nắp phơi, bắt đầu phân loại tuyển lựa được những mẻ sản phẩm ngon để chọn thị trường bán cho được giá. Nhưng cái chộn rộn làm nghề thì phải nói đến không khí ở các hộ sơ chế cá xuất khẩu. Cơ sở chế biến của ông Nguyễn Văn Hùng (50 tuổi) khá rộng rãi, đã hóa chật chội vì từ trong thềm đến ngoài sân, lố nhố dễ đến cả trăm lao động ai việc nấy đang lựa sơ chế mẻ cá hổi. Ông chủ cho biết, cá hổi ở đây sau sơ chế được thương nhân trong, ngoài tỉnh đánh xe ô tô về thu mua nên làm đến đâu là nhập hết đến đó. Sơ chế cá hổi khá vất vả, kỳ công, đòi hỏi tính chịu khó, tỉ mẩn, vì vậy thu nhập từ sơ chế cá hổi cao hơn các loại cá ve, cá trỏng.

Từ câu chuyện làm nghề dẫn sang chuyện “mở nghiệp”. Vẫn với cách chuyện trò chân mộc của người miền biển, ông Hùng kể về cuộc chuyển đổi nghề chế biến cá hổi xuất khẩu của mình, “nhẹ” như là kể về một chuyến đi khơi vậy. Từ khi 15 tuổi ông Hùng đã biết chú ý đến giá trị của loài cá hổi trong những chuyến theo cha đi biển. Ấy là 2 năm đầu ông chưa được trực tiếp đánh bắt hải sản mà được giao làm đầu bếp trên thuyền; ngày 3 bữa chuẩn bị các bữa cơm trên biển đã giúp ông Hùng hiểu chất lượng thơm ngon của loài cá này. Sau này, khi đã trở thành một ngư dân thuần thục trên các ngư trường miền Trung, miền Bắc, ông cứ nhen nhóm lên một mơ ước: Chế biến, xuất khẩu cá hổi. Nhưng cũng phải đến năm trên 30 tuổi, ông mới tích góp được ít vốn để “hiện thực hóa” giấc mơ.

Sách lược khởi nghiệp là, tìm đầu ra ổn định, có thu nhập, có việc làm cho bà con trong vùng. Tập trung vào sơ chế cá hổi xuất khẩu, sau khi lóc thịt sấy khô, thì xương, đầu cá phơi khô xay bột làm thức ăn gia súc cung cấp cho các đại lý buôn bán thức ăn gia súc trong địa bàn huyện… Đến nay, cơ sở của ông Hùng bình quân thu mua, chế biến một ngày trên dưới 2 tấn cá hổi; có ngày ông phải trả gần hai chục triệu đồng tiền công cho lao động, với mức thu nhập tùy việc, tùy tay nghề, mỗi ngày mỗi người từ 70 nghìn đến 300 nghìn đồng. Vừa thoăn thoắt róc tỉa xương cá, chị Tô Thị Dung ở xóm Đông Lộc cho hay: "Một ngày tui có thu nhập từ công việc sơ chế trên 300 nghìn đồng. Số lao động ở mức thu nhập 70.000 – 100.000 đồng là những người già mắt kém tay chậm và trẻ em tranh thủ ngày nghỉ học làm thêm”. Như thế, một lao động thuần thục vào mùa cao điểm có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, học sinh tranh thủ làm thêm cũng có thu nhập trên dưới 2 triệu đồng... Như nhà chị Hoài (ở Đông Lộc) làm nghề ở cơ sở ông Hùng, kèm theo con trai 13 tuổi làm thêm ngoài giờ học, cả tháng hai mẹ con có thu nhập không kém gì lao động đi xuất khẩu Hàn Quốc, Đài Loan…

Bên cạnh nghề sơ chế cá đóng gói tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thì chế biến nước mắm vẫn đang được coi là chủ lực trong chế biến hải sản ở Diễn Ngọc. Cả xã hiện có 40 hộ gia đình chế biến nước mắm và 1 công ty cổ phần thủy sản, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Phó chủ tịch xã Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, bình quân 1 năm xã Diễn Ngọc sản xuất từ 1,7 - 2 triệu lít nước mắm, trong đó có nhiều cơ sở chế biến đạt sản lượng hàng trăm tấn. Các chủ cơ sở chế biến hải sản có quy mô đa phần trước là ngư dân đi biển và chạy chợ bán cá lẻ, nhờ bắt nhịp được cơ chế làm ăn mới, thấy được nhu cầu thị trường, nên đã mạnh dạn mở nghề chế biến.

Xưởng chế biến hải sản đông lạnh gia đình ông Hưng xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc.
Xưởng chế biến hải sản đông lạnh gia đình ông Hưng xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc.

Hôm nay cơ sở chế biến nước mắm của bà Cao Thị Nhiên (55 tuổi) vãn người làm vì bà đang chuẩn bị cho việc chiết thu sản phẩm từ các ô chượp được ủ từ đầu năm. Trong khi chờ bà Nhiên từ ngoài bến cá về, chúng tôi tranh thủ trò chuyện với chị Lê Thị Thu, một lao động thường xuyên tại cơ sở chế biến nước mắm của bà Nhiên, chị cho hay: "Cũng may địa phương có nhiều ông chủ, bà chủ nghề chế biến, nên tạo ra khá nhiều công việc cho chị em phụ nữ chúng tôi. Nghề làm nước mắm là theo thời vụ, lao động đi làm công như tôi không coi đó là nghề chính, nhưng tính tổng thu nhập cả năm tôi cũng được gần 20 triệu đồng. Công việc thường ngày ở đây của tôi cũng không vất vả, chỉ mỗi khâu dằn cá, ướp muối cho đúng tỷ lệ"...

Săm sắn chào khách, cắt đặt lại công việc cho nhân công xong, bà Cao Thị Nhiên cho biết cơ sở của bà chế biến 1 năm trên 100 tấn nước mắm, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Bà trước đây cũng chỉ buôn bán nhỏ lẻ trên bến cá trong xã, làm thuê tại Công ty Chế biến nước mắm Vạn Phần trên địa bàn. Từ làm thuê, thấy nghề chế biến nước mắm quá vất vả, lãi lại cao và rủi ro ít, nên bà chịu khó học hỏi, nắm bắt công thức chế biến nước mắm. Suy nghĩ kỹ rồi, bà quyết định dứt việc đi làm công để đứng ra làm chủ. Ấy nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy muôn cái khó khăn, nhất là vốn đầu tư nước mắm cần nhiều. Một bể chượp cá như thế là hàng triệu đồng; mà mở cơ sở ra thì phải làm hàng trăm bể.

Thế rồi, trong những ngày xoay xở để có vốn, bà gặp một người bạn học phổ thông giờ kinh doanh cửa hàng nước mắm lớn tại Thanh Hóa, vừa cho bà vay tiền, vừa đảm bảo tiêu thụ nước mắm. Mừng húm, bà Nhiên về mạnh dạn vay thêm ngân hàng bắt tay ngay vào cái nghề mà bà ấp ủ thực hiện bấy lâu. Bà Nhiên chia sẻ: “Tôi sinh ra, sống trên đất miền biển nên nắm bắt được tình hình khai thác cá trên địa bàn xã và quanh vùng, nhìn tiềm năng khách hàng... rồi từ đi làm thuê nghề nước mắm tích cóp được chút ít kinh nghiệm, nên mạnh dạn thử “vận may”. Vả lại, mình mà may mắn thì người dân trong vùng cũng được hưởng lợi”.

Cái hay của ngư dân Diễn Ngọc bây giờ, là người mở nghề chế biến đi sau không “chạy” theo nghề người đi trước. Như ông Lê Văn Tuấn ở xóm Ngọc Tân không làm sơ chế cá hổi hay chế biến nước mắm mà chuyên nghề tôm nõn. Ngôi nhà khang trang của ông đang chất đầy sản phẩm tôm nõn sấy khô chờ khách hàng đánh ô tô tới tận nhà thu mua. Ông Tuấn cho hay, hiện một ngày ông thu mua từ 5 đến 6 tấn tôm, tạo điều kiện cho gần 40 lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập 100.000 – 150.000đ/người/ngày. Chế biến tôm nõn thì phần nạc xuất khẩu, vỏ, đầu, đuôi được xay thành tinh bột nhập các cơ sở thức ăn gia súc. Cơ sở ông Tuấn cũng cho thu lãi 1 năm trên 100 triệu đồng…

Một chiều về lại Diễn Ngọc, đi, thấy và nghe, cảm nhận được sự sôi động làm ăn mới của bà con ngư dân vốn trước đây chỉ biết trông chờ vào rủi may vào các chuyến đi biển khai thác hải sản của người đàn ông. Những ông chủ, bà chủ chế biến hải sản ở Diễn Ngọc bây giờ, không những khẳng định được sự phát triển bền vững của nghề và tạo việc làm cho bà con thôn xóm, mà còn làm thăng hoa lên đặc sản biển quê, tự tin đưa sản phẩm thâm nhập thị trường khắp mọi nơi.

Đ.S - T.H