Trung thực và cao thượng

23/03/2014 17:46

(Baonghean) - Sau 5 ngày tranh tài sôi nổi, Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) tỉnh Nghệ An lần thứ XVI đã kết thúc trong sự lưu luyến của các VĐV lứa tuổi học sinh. Tuy vẫn còn một số hạn chế trong công tác tổ chức, nhưng nhìn chung, Hội khỏe Phù Đổng lần này đã thành công tốt đẹp. Đây là tiền đề hướng tới Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2015 mà Nghệ An là 1 trong 2 đơn vị đăng cai.

Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Nghệ An lần thứ XVI diễn ra từ ngày 16 - 20/3, thu hút hơn 1.200 vận động viên đến từ các trường phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) trong toàn tỉnh. Các vận động viên tham gia thi đấu ở 8 bộ môn, gồm: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, đá cầu, cờ vua, bắn nỏ và điền kinh.

Với nhiều thầy, cô giáo và học sinh, mỗi kỳ HKPĐ tỉnh được tổ chức là dịp được gặp gỡ, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Đây cũng là dịp để những học sinh bồi đắp thêm tình yêu thể thao, là mục tiêu để các em rèn luyện, phấn đấu. Em Trần Thị Thục Uyên – giải Nhất môn bóng bàn lứa tuổi 13 – 14 đến từ huyện Quỳnh Lưu tâm sự: “Đây là lần thứ 2 em tham dự Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh nhưng em vẫn thấy rất náo nức, hồi hộp và vinh dự. Từ đầu năm em đã cố gắng thu xếp thời gian, tăng cường tập luyện để thi đấu tốt tại HKPĐ lần này. Thời gian tới em sẽ tiếp tục tập luyện, duy trì phong độ để được chọn và thi đấu tốt tại HKPĐ toàn quốc”.

Một trận bóng bàn lứa tuổi tiểu học.
Một trận bóng bàn lứa tuổi tiểu học.

Trong số các môn thi, môn thể thao truyền thống bắn nỏ đã thu hút nhiều vận động viên người dân tộc thiểu số tham gia, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho HKPĐ tỉnh. Vận động viên Và Bá Dê – học sinh lớp 10 Trường THPT nội trú huyện Tương Dương cho biết: “Đây thật sự là ngày hội giúp cho những học sinh dân tộc thiểu số như chúng em có cơ hội để thể hiện tài năng thể dục thể thao, đồng thời giao lưu, học hỏi và tăng cường tình đoàn kết với nhau. Em mong những hội thi thể thao của học sinh, trong đó có các môn thể thao dân tộc, sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa”.

Với tinh thần thi đấu thể thao trung thực, cao thượng, các vận động viên đã thi đấu nhiệt tình, sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân đến theo dõi và cổ vũ. HKPĐ năm nay là bước đệm để chuẩn bị lực lượng cho HKPĐ toàn quốc được tổ chức trên sân nhà vào năm sau, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo của các trường, các đoàn, trình độ chuyên môn, kỹ thuật thi đấu của các VĐV cũng có nhiều tiến bộ. Đã xuất hiện nhiều VĐV xuất sắc, nổi trội như Đặng Hoàng Quân (Diễn Châu, chạy 1.500m nam cấp THCS), Lê Nguyễn Việt Bách (Yên Thành, bóng bàn tiểu học), Hồ Bá Nguyên (TX Thái Hòa, cầu lông lứa tuổi 13 - 14), Trần Thị Diễm Quỳnh (Thành phố Vinh, cờ vua lứa tuổi 13 - 14)…

Qua HKPĐ lần này, có thể xác định được thế mạnh trong phong trào thể thao học đường của các huyện, thành, thị, như Thành phố Vinh có thế mạnh ở hầu hết các môn; Quỳnh Lưu mạnh về điền kinh, bóng đá nam, đá cầu, bóng bàn; Diễn Châu là điền kinh, bóng đá nữ, đá cầu; Tương Dương là điền kinh và bắn nỏ, Nghĩa Đàn là cầu lông, bóng bàn và cờ vua… Thành phố Vinh, huyện Quỳnh Lưu và huyện Diễn Châu vẫn chiếm 3 vị trí cao nhất nhưng số lượng giải Nhất cũng như số huy chương mà những đoàn này giành được không còn nhiều như lần trước. Điều này cho thấy sự phát triển của phong trào thể thao học đường giữa các địa phương đã có sự đồng đều hơn. Ở một số môn mà trước đây Thành phố Vinh giành rất nhiều huy chương như cầu lông, bóng bàn, thì năm nay, đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của Thị xã Thái Hòa, các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Anh Sơn, Nam Đàn… Đó là một tín hiệu đáng mừng cho việc phát triển phong trào thể thao học đường nói riêng và thể thao quần chúng nói chung ở tỉnh ta hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, HKPĐ tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Một số huyện miền núi như Con Cuông, Kỳ Sơn và Quế Phong tham dự với số lượng VĐV rất ít ngày từ vòng cụm và điều này đã nói lên rằng công tác giáo dục thể chất ở các địa phương này, hoặc là gặp khó khăn, hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, cơ sở vật chất ở một số địa điểm thi đấu chưa thật sự đảm bảo. Như địa điểm thi đầu môn bóng bàn thi đấu ở Trung tâm văn hóa tỉnh tương đối chật chội; điểm thi đấu môn cầu lông ở Trường phổ thông Herman Gmeiner, môn đá cầu ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng hay môn bắn nỏ ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh bị nhiều VĐV và trọng tài phàn nàn là ánh sáng không đảm bảo, ảnh hưởng tới chất lượng thi đấu của các VĐV...

Bên cạnh đó, dù được Ban Tổ chức đánh giá là các trận đấu tại HKPĐ lần này diễn ra trong điều kiện an ninh được đảm bảo; đội ngũ trọng tài xử lý công tâm, chính xác, các vận động viên thi đấu với tinh thần quyết tâm cao, trung thực, cao thượng; Ban Tổ chức không nhận được đơn khiếu nại nào trong quá trình thi đấu… nhưng thực tế, ở các môn đá cầu, cầu lông, đội ngũ trọng tài, giám sát ở các điểm thi đấu đã gần như bất lực trọng việc ngăn không cho các CĐV đứng quá gần sân đấu gây áp lực và khó khăn cho sự di chuyển của các VĐV. Ngoài ra, vẫn còn một số thầy cô là các trưởng đoàn, HLV có những phản ứng không đẹp với các trọng tài trong các trận đấu ngay trước mặt các học sinh của mình...

Năm 2015, Nghệ An sẽ vinh dự cùng Thanh Hóa tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc – một sự kiện lớn của ngành Giáo dục và ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch. Tất cả những hạn chế, tồn tại này, dù không được nêu ra trong bản báo cáo tổng kết Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Nghệ An lần thứ XVI nhưng Ban Tổ chức cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm để tổ chức sự kiện này một cách nghiêm túc, bài bản và có chất lượng.

Minh Quân