Bữa ăn của người cao tuổi
Người cao tuổi được tính từ 60 tuổi trở lên. Theo thời gian, một số hoạt động của bộ máy cơ thể người cao tuổi thay đổi như: vị giác không còn tinh nhạy làm cho ăn uống kém ngon.
Thêm vào đó, các chân răng bắt đầu yếu, cơ xương hàm teo, nhão làm cho sức nhai cũng giảm đi. Các chức năng tiêu hóa, dạ dày, ruột, gan cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến tiêu hóa và hấp thu thức ăn kém. Điều này cũng làm cho quá trình đào thải chất độc kém và táo bón xảy ra thường xuyên hơn.
Hiểu được những khó khăn trong ăn uống ở người cao tuổi, chúng ta có nhiều cách để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng phù hợp với đối tượng này. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý ở người cao tuổi do hoạt động ít nên nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng cũng giảm đi.
Với 3 bữa ăn chính và 2 - 3 bữa phụ xen kẽ, người cao tuổi cần nhận đủ các chất dinh dưỡng như sau:
- Chất bột, đường: Nên ăn giảm cơm để ăn nhiều khoai, bắp nhằm tăng chất xơ chống táo bón, thải cholesterol thừa, hạn chế nguy cơ tăng đường huyết và ung thư đại tràng. Với các loại bột, sữa, yaourt... trong bữa phụ còn giúp bổ sung năng lượng và dưỡng chất còn thiếu.
- Chất béo: Cần hạn chế tối đa ăn mỡ heo, da, óc, nội tạng động vật... Mỗi tuần chỉ ăn 2 - 3 trứng gà hoặc vịt. Nên ăn mỡ cá hoặc cá mỡ 2 - 3 lần/tuần, dùng dầu thực vật như dầu nành, dầu mè, dầu ô liu.
- Chất đạm: Bổ sung chất đạm từ cá, đậu hũ, các loại đậu đỗ, sữa đậu nành. Ăn tối thiểu 3 bữa thịt, 3 bữa cá mỗi tuần và trung bình khoảng 1kg thịt, 2kg cá và 3 kg đậu hũ mỗi tháng.
* Tăng cường ăn rau xanh, bí, bầu luộc, quả chín ít ngọt để chống táo bón, hạn chế đường huyết tăng nhanh, kiểm soát cân nặng và chống lão hóa.
* Mỗi ngày nên uống ít nhất 1 ly sữa ít béo, ít đường.
* Cần uống nhiều nước và không đợi khát nước mới uống.
* Tránh ăn quá no hay nhịn đói.
* Theo dõi cân nặng hằng tháng để điều chỉnh chế độ ăn và vận động để giữ mức cân nặng hợp lý.
Theo.AloBacsi.vn