Hồi sinh nghề dâu tằm tơ

29/04/2014 17:12

(Baonghean.vn) - Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Đô Lương chẳng biết có từ khi nào, chỉ biết rằng trong ký ức của các vị cao niên làng dâu thì xưa kia bãi bồi sông Lam bạt ngàn những bãi dâu xanh. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã cứu người dân nơi đây vượt qua ngày ba tháng tám và giúp cho làng quê ngày càng thịnh vượng.

Chúng tôi tìm về Đặng Sơn - Đô Lương - một xã bãi bồi ven sông Lam thấy bát ngát màu xanh của dâu. Chị Trần Thị Hiền ở xóm 3 tâm sự: Với quỹ đất chỉ 4 sào dâu nuôi tằm, gia đình tôi nuôi 10 lứa tằm/năm đạt 200 kg kén, bán với giá 110.000 đồng/kg kén thu về 22 triệu đồng/năm/4 sào, trừ chi phí còn lãi từ 16 - 18 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và chăn nuôi.

Bà con làng nghề Xuân Như đang chế biến kén
Bà con làng nghề Xuân Như đang chế biến kén

Ông Trần Văn Lượng xóm 3 Đặng Sơn cho hay: Xóm có trên 50 hộ dân, những năm 2007 chỉ có khoảng hơn 10 hộ theo nghề trồng dâu, với diện tích dâu khoảng hơn 7 ha, nay có trên 30 hộ dân theo nghề trồng dâu nuôi tằm với gần 20 ha dâu tằm. Theo ông Lượng thì nhờ có truyền thống trồng dâu nuôi tằm nên bà con tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý, khi trở lại với nghề không ai bị bỡ ngỡ, bà con biết cách chọn lọc ra giống tằm tốt, nhả kén đẹp và nhiều, sản phẩm kén tốt hơn ở các vùng quê khác. Bên cạnh đó được sự quan tâm của Nhà nước, từ năm 2010 đến nay Đặng Sơn đã được hỗ trợ trồng mới trên 80% diện tích giống dâu mới Sa Nhị Luân. Theo chị Chữ Thị Hoa thì nghề “ăn cơm đứng” này cũng lắm công phu, tằm là giống “khó chiều”, người nuôi bên cạnh vừa có kỹ thuật, vừa phải có kinh nghiệm, tằm ăn mỗi ngày từ 5 - 6 bữa, phải lá dâu xanh có độ tuổi trên 1 năm, lá dâu không sạch dễ làm tằm chết. Nhà nuôi tằm phải thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, để nuôi được 3 vòng trứng giống tằm cần diện tích nhả gần 20m2, nơi bảo quản dâu 5 - 7m2.

Người dân Đặng Sơn không những trồng dâu nuôi tằm mà còn kéo sợi ươm tơ rất giỏi, chẳng thế mà các vùng dâu tằm của Nghệ An như Nam Đàn, Tân Kỳ, Diễn Châu trước đây cũng có nghề kéo sợi ươm tơ nhưng đều đã tàn lụi chỉ còn duy nhất làng nghề dâu tằm tơ Xuân Như xã Đặng Sơn còn trụ lại được với nghề ươm tơ kéo sợi. Chúng tôi về làng nghề Xuân Như, khi trời đứng bóng đi khắp các thôn làng đâu đâu cũng vang tiếng máy ươm tơ, âm thanh đặc trưng của làng nghề. Tại cơ sở ươm tơ của anh Chữ Văn Đồng, các lao động đang miệt mài làm việc cho từng cung đoạn để ra các sản phẩm, người vớt kén, người quay guồng… Anh Chữ Văn Đồng tâm sự: Đã theo nghề kéo sợi ươm tơ hơn 10 năm nay, cơ sở hiện có 6 máy ươm tơ mi ni, tạo việc làm cho 7 lao động với mức lương 120.000 đồng/ngày. Mỗi ngày chế biến được từ 30 - 50 kg kén cho ra sản phẩm tơ, để có đủ nguồn kén, ngoài việc thu mua kén tại địa phương gia đình tôi còn làm công tác dịch vụ là cung ứng vòng trứng tằm mua ở Nam Định cho bà con vùng dâu Nghi Lộc, Nam Đàn, Tân Kỳ, sau đó mình thu mua kén cho bà con.

Anh Hường cho biết thêm, nếu làm hết công suất mỗi ngày chế biến được từ 50 - 60 kg kén, do thiếu nguyên liệu nên vẫn phải làm cầm chừng. Mỗi tháng chi phí thu mua kén và trả tiền công lao động ước tính trên 50 triệu đồng, trừ chi phí gia đình còn lãi từ 16-18 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó là hộ gia đình anh Trần Văn Đông làm với quy mô lớn nhất, hiện có 8 máy ươm tơ mi ni. Anh Đông đang hướng dẫn cho các lao động ươm tơ kể: Ngày cao điểm chế biến từ 60 - 80 kg kén, để đảm bảo khâu nguyên liệu anh đã bao tiêu sản phẩm và làm dịch vụ cung ứng trứng tằm cho gần 100 hộ gia đình trồng dâu ở Nghĩa Đồng - Tân Kỳ và Nghi Lộc. (Chủ yếu là bỏ vốn để rải trứng tằm sau đó lấy kén). Cơ sở của anh tạo việc làm cho gần 10 lao động, đối với đầu ra khá thuận lợi chủ yếu bán tơ cho các cơ sở dệt lụa ở Vạn Phúc, Hà Nội, Nam Định... giá tơ khá ổn định (850.000 đồng/kg). Nói chung mỗi tháng trừ chi phí cơ sở ươm tơ của anh Đông cũng lãi từ 20 - 22 triệu đồng. Từ nghề kéo sợi ươm tơ mà gia đình anh Đông đã xây dựng được căn nhà mới với đầy đủ tiện nghi, nuôi con cái học hành.

Ông Hoàng Ngọc Tuấn - Chủ tịch xã Đặng Sơn cho biết thêm: Riêng tại làng nghề dâu tằm tơ Xuân Như hiện có 6 gia đình hình thành tổ ươm tơ kéo sợi với quy mô lớn, tạo việc làm cho gần 50 lao động, chưa kể các điểm ươm tơ nhỏ lẻ khác. Riêng làng nghề Xuân Như thu mua hàng trăm tấn kén ở Đô Lương và nhiều huyện vùng dâu tằm tơ trên địa bàn tỉnh. Hơn 2 năm qua, làng nghề đã tiêu thụ kén ổn định nên nghề trồng dâu nuôi tằm ở Đặng Sơn đang ngày càng hồi sinh. Từ chỗ toàn xã chỉ có 30 ha dâu, khoảng 150 hộ theo nghề thì nay có trên 300 hộ theo nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích trên 65 ha dâu. Làng nghề Xuân Như đã được Nhà nước đầu tư gần 6 tỷ đồng xây dựng 2,6 km đường giao thông làng nghề. Khó khăn đặt ra hiện nay là vốn vay cho các hộ chế biến kén, để mua sắm thiết bị máy móc hiện đại chủ yếu chế biến thủ công, chưa kể là các cơ sở chế biến còn thiếu vốn để cung ứng trứng tằm, thu mua kén.

Bên cạnh đó, nhiều xã nghề dâu tằm tơ đang hồi sinh như tại xã Thuận Sơn. Ông Nguyễn Như Bốn - Chủ tịch UBND xã Thuận Sơn chia sẻ: Trước đây giá kén rẻ thì bãi bồi sông Lam người ta phá dâu trồng ngô, lạc, nay nhờ làng nghề Xuân Như thu mua kén nên mấy năm trở lại nay người dân lại trở lại trồng dâu. Từ chỗ chỉ có hơn 15 ha dâu nay toàn xã có gần 70 ha dâu, trong đó 60% là giống dâu mới Sa Nhị Luân.

Tuy nhiên, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Đô Lương cũng có những bước thăng trầm vì nhiều lý do, nhất là khi Công ty dâu tằm tơ Nghệ An bị xóa sổ (cách đây khoảng hơn 10 năm), giá kén thấp, trong lúc giá cả nguyên liệu phục vụ nghề dâu tằm tơ lại tăng. Chưa kể những khó khăn mà người trồng dâu gặp phải biến động do thời tiết, kỹ thuật nuôi chủ yếu thủ công, số người nuôi và diện tích dâu lên xuống thất thường, thiếu sự liên doanh, liên kết trong sản xuất, chất lượng kén chưa cao nên khó cạnh tranh được các vùng miền khác. Ngay như những thời điểm từ năm 2010 nhiều bà con vẫn duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm, nhưng do khó khăn về đầu ra đành phải xót xa bán nhộng rẻ rúng làm món ăn “đặc sản”.

Từ năm 2011 trở lại nay, do thị trường kén có nhiều khởi sắc, bà con vùng dâu Lưu Sơn, Đặng Sơn, Thuận Sơn… (Đô Lương) đã ý thức được nghề trồng dâu nuôi tằm có thu nhập cao hơn so với trồng lúa, trồng ngô, lạc… Vì vậy, nhiều vùng dâu đang được hồi sinh. Ông Trần Doãn Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp Đô Lương trao đổi: Từ khi làng nghề dâu tằm tơ Xuân Như bao tiêu được sản phẩm kén thì nghề dâu tằm tơ Đô Lương đang dần khởi sắc. Từ chỗ 250 ha dâu thì nay ổn định 320 ha dâu trồng ở các xã dọc sông Lam như Thuận Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Đặng Sơn… trong đó chiếm trên 60% là giống dâu mới năng suất cao, riêng trong 2 năm 2012-2013 huyện đã hỗ trợ 50% giá dâu bà con trồng mới trên 30 ha dâu giống Sa Nhị Luân. Thu nhập bình quân từ nghề trồng dâu là khá cao, đối với dâu trồng xen canh ngô, đậu, lạc bình quân đạt 120 triệu đồng/ha dâu/năm, đối với dâu thuần (không trồng xen canh) đạt từ 180 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Có thể nói rằng nghề trồng dâu nuôi tằm vừa có thu nhập cao, khai thác được tiềm năng đất bãi bồi ven sông, tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi, cải thiện đời sống cho bà con nông thôn. Về lâu dài rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư vốn hỗ trợ bà con mua sắm thiết bị chế biến, đặc biệt là cần định hướng và tìm đầu ra phong phú cho sản phẩm tơ để người trồng dâu yên tâm với nghề.

Bài, ảnh: Văn Trường