Cần thành lập Hiệp hội Gas

03/03/2014 22:01

(Baonghean) - Những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa diễn ra ở Nghệ An khá nhanh nên nhu cầu sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tăng nhanh. Tốc độ tăng trưởng gas toàn tỉnh bình quân vào khoảng 20,32% năm, chứng tỏ mặt hàng gas ngày càng đóng vai trò quan trọng. Trên thị trường, các doanh nghiệp, cửa hàng chuyên doanh lĩnh vực này cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, công tác quản lý mặt hàng này vẫn bộc lộ nhiều bất cập: vấn nạn gas dởm lộng hành, nhiều đối tượng làm gas dởm chưa bị xử lý nghiêm, giá gas tăng giảm thất thường, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Thực tế đó đòi hỏi phải thành lập Hiệp hội gas trên địa bàn.

Theo khảo sát của Sở Công thương Nghệ An, đến cuối năm 2013 trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 600 cửa hàng chuyên doanh gas đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, trong đó có 98 cửa hàng kinh doanh nằm trong cửa hàng xăng dầu, ngoài ra vẫn còn 392 cửa hàng có kinh doanh gas nhưng chưa được cấp đủ điều kiện. Đáng lưu ý đây phần lớn là cửa hàng tạp hóa quy mô nhỏ, bán lẫn gas cùng các mặt hàng khác. Số lượng cửa hàng phân bổ tại các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh rất chênh lệch, chủ yếu tập trung mật độ ở khu vực đô thị, nơi đông dân cư, có điều kiện kinh tế phát triển.

Về cơ sở vật chất, hệ thống kho chứa do quy mô kinh doanh của các cửa hàng gas trong toàn tỉnh chỉ ở mức nhỏ và trung bình, nên phần lớn các cửa hàng không có hệ thống kho dự trữ, mà chỉ có khu vực bồn chứa ngay tại cửa hàng; hình thức này chiếm đến 90%, từ đó dẫn đến không đảm bảo các quy định, dễ gây cháy nổ. Lao động tại các cửa hàng hầu hết là hợp đồng ngắn hạn, cơ sở chiết nạp ít, máy móc thiết bị cũ, lại tập trung ở khu vực đông dân cư, một số cửa hàng vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu về diện tích, tiêu chuẩn thiết kế trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, xẩy ra tình trạng gas rởm chưa được kiểm soát. Một số cơ sở mua lại những bình gas giá rẻ trôi nổi trên thị trường, sơn lại màu vỏ bình, trộn lẫn với hàng chính hãng rồi đem bán.

Người bán hàng cũng có thể làm giả phụ kiện, đổi các phụ kiện trên bình gas chính hãng bằng các phụ kiện không đảm bảo chất lượng tăng nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra còn gian lận trọng lượng bình gas bằng cách ''rút ruột" hoặc bơm nước lã vào bình. Trên thực tế đã có nhiều vụ nổ bình gas đáng tiếc trong thời gian gần đây và nguy cơ nổ bình gas chưa phải đã hết.

Trong năm 2014, theo dự báo của các nhà chuyên môn, tình trạng kinh doanh gas trái phép vẫn sẽ còn tiếp diễn và phức tạp do những chính sách về quản lý gas chưa thay đổi kịp với quá trình phát triển của thị trường gas, mặt khác kết quả kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm còn ít, chưa đủ mạnh để răn đe. Ở Nghệ An gần đây, một số doanh nghiệp đầu mối như: Chi nhánh Công ty TNHH Gas Petrolimex Hải Phòng tại Nghệ An, Công ty Cổ phần dầu khí Sài Gòn - Nghệ An, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tân Đại Phát, Giadinh Gas Nghệ An… đều mong mỏi thành lập Hiệp hội Gas tại Nghệ An. Đây là một tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, tiếp nhận gas rời, tiếp nhận gas, chiết nạp gas, phân phối gas trên địa bàn.

Hiệp hội góp phần đoàn kết, hỗ trợ phát triển và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Trước mắt phải thống nhất giá bán tối thiểu tại sàn nạp, đại lý bán lẻ gas, nhằm tránh tình trạng đầu tư lớn nhưng thua lỗ kéo dài. Nghiêm cấm các nhà phân phối mua gas không chính thống nhằm phá rối thị trường, cương quyết không bán hàng cho các nhà phân phối tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại. Hiệp hội sẽ có quy chế xử phạt theo Nghị định 105 về vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh gas, từ đó, từng bước lập lại trật tự trong thị trường gas hiện nay.

Thanh Tú