Người họ Lì thờ trống thiêng

03/05/2014 15:27

(Baonghean) - Ở Nghệ An, người Mông là cộng đồng thiểu số phân bố đông nhất tại huyện miền núi Kỳ Sơn. Thời phong kiến, họ từng có những mường riêng của mình và ít chịu ảnh hưởng người Thái. Chính vì thế, người Mông có nhiều phong tục lạ ít tìm thấy ở cộng đồng khác, trong đó có tục thờ trống của dòng họ Lì...

Với nhiều cộng đồng, chiếc trống trước khi là một nhạc cụ như ngày nay chúng ta biết đến nó vốn dĩ là một vật thiêng. Nói ra điều này, nhiều người sẽ nghĩ đến chiếc trống đồng trong lễ hội cầu mùa, hay những ngày lễ, ngày hội trong đời sống văn hóa tinh thần thời hiện đại. Nhưng hiếm có cộng đồng nào lại xem đó là một đối tượng của tín ngưỡng thờ cúng như người Mông, đặc biệt là dòng họ Lì.

Chiếc trống của ông Lì Thái Cô đã có từ nhiều chục năm nay
Chiếc trống của ông Lì Thái Cô đã có từ nhiều chục năm nay

Cũng cần nói thêm, đối với người Mông, mỗi dòng họ lại có một tục kiêng riêng. Chúng ta cũng thấy tục này ở người Thái và Khơ mú, nhưng lại có những khác biệt khá căn bản. Chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong những bài viết sau, bởi đây là điều rất thú vị trong văn hóa Mông và người Mông ở Nghệ An nói riêng.

Người họ Lì phân bố nhiều ở xã, Mường Lống, Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Thế nhưng trong quá trình “hạ sơn”, một bộ phận người Mông chuyển đến bản Hợp Thành (rất ít bản người Mông lại có cái tên như vậy), xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Tại đây, có 25 hộ họ Lì. Đầu tháng 4/2014, bản vừa đón nhận danh hiệu Làng Văn hóa. Trong bản đã thực hiện hương ước theo đời sống mới. Lợn không còn thả rông để bảo vệ môi trường trong sạch. Trâu, bò được chăn dắt, tránh phái hoại hoa màu của cộng đồng.

Trong bản, duy chỉ nhà ông Lì Thái Cô (72 tuổi) còn có chiếc trống được đặt trang trọng trên xà nhà. Đây được coi là vị trí cao nhất, quan trọng nhất của ngôi nhà. Ông Lì Nhìa Hờ, em trai ông Lì Thái Cô cho biết, là chiếc trống thường chỉ để ở nhà trưởng họ. Ông nhớ lại: “Ngày ấy, khi anh Lì Thái Cô đến tuổi đi hỏi vợ, khoảng 15, hay 16 tuổi gì đó, cha mẹ phải đi làm một cái trống về”. Ông Lì Nhìa Hờ cho biết, đó là phong tục của dòng họ Từ. Cái trống đặt trên xà nhà, chỉ được hạ xuống khi trong làng có người chết đến mượn. Nhà ông Lì Thái Cô đã phải 2 lần thay trống mới, còn số lần bịt lại mặt trống thì không nhớ được vì chiếc trống này đã được dân bản mượn dùng rất nhiều lần!

Tục thờ trống của người họ Lì tiến hành như sau: Vào cuối năm, nhà có trống thường là trưởng họ, sẽ mổ 1 con gà để cúng cho trống. Ngoài ra, còn có 1 chai rượu. Gia chủ sẽ thắp 9 nén hương rồi khấn vái. Bài khấn nói rằng: 12 tháng đã qua, một năm đã hết, mong cái bệnh tật sẽ đi khỏi đây, cái no ấm, khỏe mạnh ở lại. Mỗi năm, chỉ cúng một lần cho trống, đó cũng là số lần cúng bái hiếm hoi trong năm của người Mông.

Liên quan đến tục thờ này có một câu chuyện được anh Lì Tổng Khu (42 tuổi), trú bản Hợp Thành kể: Ngày xa xưa, cụ tổ của dòng họ Lì về trời thì không còn chốn nào có thể dựng nhà làm rãy, nuôi trâu, bò nữa. Cụ đành phải trở về nương nhờ con cháu. Trước khi về, cụ báo mộng cho con cháu trong nhà hãy làm chiếc trống để cụ làm chỗ trú ẩn. Vì cụ bây giờ đã thành người thiên cổ rồi không ở nhà như người sống được nữa. Người nhà liền nghe theo đi tìm cây gỗ tốt trong rừng khoét rỗng, lấy da bò bịt hai đầu lại làm chiếc trống. Từ đó, chiếc trống được thờ cúng cùng với những người đã khuất và được coi như tổ tiên của họ Lì.

Là một vật thiêng liêng, chiếc trống được người họ Lì gìn giữ rất cẩn trọng. Chiếc trống hầu như quanh năm suốt tháng ở trên xà nhà. Cộng đồng có người vừa mất, người nhà đến xin mượn. Chiếc trống được gia chủ hạ xuống làm lễ khấn xin, sau đó đánh 3 hồi 9 tiếng nếu người vừa mất là nam, còn nữ thì đánh 3 hồi 7 tiếng. Bài khấn nói rằng: Hôm nay, có người đến xin đi hầu hạ người ta. Khi đi hãy mang đi cái xấu, cái không hay. Khi về thì mang theo tiền bạc, may mắn về nhà. Trường hợp người giao trống không rõ giới tính của người mất, chỉ cần đánh 3 hồi trống rồi giao cho người mượn mang đi.

Không riêng gì họ Lì, trong bản người Mông ở Nghệ An, tiếng trống chỉ xuất hiện trong đám tang. Khi có một thành viên của cộng đồng mất đi tiếng trống nổi lên báo cho người bản biết có tin buồn. Cũng như tiếng khèn, tiếng trống sẽ dẫn dụ người vừa mất ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, đón người đến viếng và lên ngựa về cõi trời.

Người Mông cũng có quy định công việc hạ trống xuống, khiêng trống, đánh trống đều do đàn ông đảm nhiệm. Phụ nữ thậm chí không được động đến chiếc trống. Người làm lễ hạ trống và khiêng trống phải là người hiểu biết và đã trưởng thành...

Bài, ảnh: Hữu Vi