Quá tải tại các kho, bãi giữ xe vi phạm
(Baonghean) - Bụi bám thành lớp, hệ thống giảm xóc hoen gỉ, lốp hết hơi, bạc sơn… đó là hình ảnh về phương tiện vi phạm (chủ yếu là xe môtô) đang tồn đọng tại nhiều kho, bãi giữ xe vi phạm Luật Giao thông. Tình trạng này không chỉ gây lãng phí về tài sản, mà còn gây khó khăn trong việc bố trí diện tích trông giữ xe...
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng đội CSGT Công an huyện Nghi Lộc dẫn chúng tôi đến xem bãi giữ xe vi phạm giao thông mà đội bắt giữ thời gian qua. Ở đây có gần 100 chiếc xe máy, trong đó có cả những chiếc xe tay ga đắt tiền bụi bám có lớp, các phụ tùng thì hoen gỉ, màu sơn bạc theo mưa nắng… Theo Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, có nhiều xe “nằm” ở đây đã trên 1 năm. Cùng chung tình trạng như ở Công an huyện Nghi Lộc, tại bãi giữ xe vi phạm của Đội CSGT TP Vinh đang trong tình trạng quá tải. Trung tá Hoàng Duy Hà - Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Vinh cho hay, hàng năm đội đều làm thủ tục thanh lý, tuy nhiên tình trạng xe vi phạm giao thông, xe tai nạn tồn đọng vẫn nhiều. Hiện nay, ngoài bãi giữ xe tại địa chỉ 46 Phan Bội Châu, đơn vị còn phải thuê thêm bãi giữ xe tại địa chỉ số 2 đường Lý Thường Kiệt.
Trung tá Cao Thanh Hải, Đội trưởng Đội xử lý, phòng CSGT tỉnh cho biết, hiện nay, Phòng đang tạm giữ trên 300 phương tiện vi phạm giao thông tồn đọng, trong đó nhiều phương tiện đã quá thời hạn xử lý đến 6 - 7 tháng, có nhiều xe cả năm trời. Nếu không được xử lý kịp thời thì ngoài việc làm cho kho bãi trở nên quá tải, thì số xe máy này sẽ bị hư hỏng là điều khó tránh khỏi. Qua tìm hiểu, các đơn vị CSGT đều cho rằng, khi bị tạm giữ, hầu hết các xe vi phạm ở trong tình trạng tối thiểu là… chạy được, nhưng sau khi nằm bãi một thời gian dài không có chủ xe đến nhận, vì nhiều lý do, chúng đã rơi rụng phụ tùng, hoen rỉ, mục nát ngang ngửa mức “đồng nát”. Vì vậy, việc cả nghìn xe vi phạm giao thông tồn đọng đang nằm “đắp chiếu” tại các kho, bãi giữ xe trên địa bàn tỉnh như hiện nay đang đặt ra nhiều lo ngại, có nguy cơ mất dần giá trị sử dụng, dẫn đến lãng phí... Thêm vào đó, do diện tích trông giữ xe hạn chế, nên tình trạng quá tải xe vi phạm tồn đọng cũng đặt ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình thụ lý, giải quyết.
Một góc bãi giữ xe vi phạm tại Công an huyện Nghi Lộc. |
Theo hồ sơ do Trung tá Nguyễn Anh Tuấn cung cấp, trong năm 2013, đội CSGT Công an huyện Nghi Lộc đã thông báo 3 lần trên Báo Công an Nghệ An cho các chủ phương tiện vi phạm. Ngoài ra còn phối hợp với đội công an phụ trách xã đến tận nhà 30 trường hợp để gửi giấy mời, vận động người dân đến xử lý nhưng chỉ có 2 trường hợp đến lấy xe. Trung tá Cao Thanh Hải, Đội trưởng Đội xử lý, phòng CSGT tỉnh cho biết: Nhiều trường hợp ngoại tỉnh, chúng tôi căn cứ địa chỉ trong biên bản vi phạm để gửi thông báo, cũng như kết hợp công an tại địa phương đó để liên hệ giải quyết nhưng cũng rất khó. Đơn cử như trường hợp Phạm Ngọc Lan, vi phạm ngày 5/12/2013, địa chỉ trong biên bản xử phạt ghi là tại Hòa Nam, Ô chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội, nhưng Công an quận Đống Đa xác minh lại không có...
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó trưởng phòng CSGT tỉnh cho rằng, thủ tục giải quyết các trường hợp vi phạm giao thông đơn giản, người điều khiển phương tiện khi đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ có liên quan, cán bộ thụ lý sẽ giải quyết, xử lý nhanh chóng. Tuy nhiên, tính đến nay trên địa bàn toàn tỉnh vẫn tồn đọng cả nghìn xe vi phạm không có người đến nhận. Vấn đề ở đây là, có thể do nguồn gốc xuất xứ của xe không được rõ ràng, nên chủ phương tiện đã không đến làm thủ tục giải quyết. Riêng trường hợp xe quá cũ nát hoặc chủ phương tiện vi phạm những lỗi nặng mà tiền nộp phạt xấp xỉ, thậm chí cao hơn giá trị chiếc xe, chủ phương tiện phó mặc cho lực lượng xử lý.
Đơn cử như trường hợp anh Cao Sỹ (trú tại Diễn Phú, Diễn Châu), là chủ xe mang BKS 37 P8 - 59xx, nhãn hiệu SPHONDA (xe Trung Quốc đã cũ - P.V), mà chúng tôi gặp tại Đội xử lý thuộc phòng Cảnh sát giao thông là một dẫn chứng. Anh Sỹ cho biết: Sau khi bị bắt, bị giữ xe vì lỗi chở 3, không đội mũ bảo hiểm, không mang theo giấy tờ xe, tính ra tiền phạt cũng trên 1 triệu, chưa tính tiền lưu kho bãi, tôi định không lấy lại xe nữa, vì tính ra giá trị chiếc xe chưa chắc đã bằng tiền nộp phạt. Nhưng sau một thời gian không có xe đi cũng “bí”, mà tiền để mua xe mới thì không lấy đâu ra, với lại sau thời điểm bị giữ xe là tháng 7/2013, phòng CSGT tỉnh liên tục gửi giấy báo yêu cầu vào để xử lý. Chần chừ mãi, đến hôm nay mới quyết định vào lấy, may mà tiền kho bãi chỉ phải trả có 2 tháng, tương đương 300.000 đồng, chứ nếu tính đằng sằng tiền lưu kho từ thời điểm bị bắt giữ đến nay cũng phải trên 1 triệu...
Để tránh gây lãng phí kéo dài cả về giá trị sử dụng phương tiện lẫn bãi trông giữ xe như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an cần cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý xe vi phạm; tăng cường gửi thông báo, gọi điện thoại mời các chủ xe đến xử lý và thông báo số tiền các chủ phương tiện bị phạt cùng tiền lưu bãi. Khi đã có căn cứ xác định người điều khiển phương tiện không đến làm thủ tục nộp phạt, nhận lại xe vi phạm theo quy định, các đơn vị chức năng cần rút gọn hơn nữa các thủ tục liên quan đến tịch thu phương tiện, thẩm định, bán đấu giá phương tiện vi phạm tồn đọng.
Quảng An