Cảm thức đất kinh thành xưa

05/05/2014 16:15

(Baonghean) - Ngày cuối tuần, khi cái nắng cuối Xuân đã nồng, mùa Hè đã chớm “gõ cửa”, chúng tôi có chuyến ngược theo Quốc lộ 46, lên với Nam Đàn; trải nghiệm bước du hành giữa kinh thành Vạn An xưa - nơi 13 thế kỷ trước vua Mai Hắc Đế từng khởi binh đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, lấy lại nền độc lập.

Khu lăng mộ vua Mai.
Khu lăng mộ vua Mai.

Những cứ liệu khảo cứu có tính “mở” cho hay, vùng trung tâm huyện Nam Đàn ngày nay, bao gồm thị trấn và các xã Vân Diên, Nam Thái, Nam Thượng trước đây thuộc Kinh thành Vạn An. Giờ đây, khi đã trải qua khoảng 1.300 năm, “Vật đổi sao dời”, dấu vết kinh thành xưa đà khuất lấp trong truyền thuyết và khí thiêng đất “địa linh nhân kiệt”. Nhưng khi đã đặt chân đến vùng đất này, sao lòng cứ chợt bồi hồi, xao xuyến. Có lẽ, trong cảm thức mỗi người ít nhiều về với Nam Đàn đều niềm hoài cảm về sự kiện lịch sử đã diễn ra hàng nghìn năm trước được tải theo lịch gắn với các di tích miếu mộ vua Mai còn đó.

Có phải là trung tâm của Kinh thành Vạn An huyền sử? Nhưng Thị trấn Nam Đàn đang dáng dấp lên là một đô thị sầm uất với những công trình khang trang. Trên cầu Nam Đàn nối đôi bờ sông Lam, khách bộ hành dành chút thời gian để ngắm nhìn cảnh vật. Từ đây, nhìn về phía hạ lưu, dòng sông mải biết chảy, hai bên là bãi bồi xanh bát ngát màu ngô non. Nhìn về phía thượng lưu, dòng nước trong xanh in bóng mây trời và dáng núi. Không hiểu sao, đến vùng đất này, dòng sông bỗng nhiên uốn mình chuyển hướng và làm nên vẻ đẹp duyên dáng, thơ mộng và hùng vĩ. Từ vị trí này, mở rộng quan sát ra chung quanh, dễ dàng bao quát mà liên tưởng con mắt tài tình của vua Mai Hắc Đế khi chọn vùng đất này làm thành lũy đứng chân.

Từ thị trấn, chúng tôi lại ngược theo con đường chạy dọc phía tả ngạn để đến đền thờ thắp hương cho Người. Ngôi đền uy nghi, lộng lẫy và hướng ra phía dòng sông. Đền thờ Vua Mai được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, là nơi để người dân trong vùng gửi gắm tâm linh, thể hiện niềm kính trọng, biết ơn, trải dằng dặc thời gian với bao đổi thay, hưng phế nhưng tấm lòng của người dân Nam Đàn dành cho Vua Mai vẫn vẹn nguyên, như nước dòng Lam muôn đời chảy mãi; như lời một bài thơ chữ Hán được lưu giữ trong đền: “Hùng cứ Hoan Châu đất một vùng/ Vạn An thành lũy khói hương xông/ Bốn phương Mai Đế lừng uy đức/ Trăm trận Lý Đường phục võ công/ Lam Thủy trăng in, tăm ngạc lặn/ Hùng Sơn gió lặng, khói lang không/ Đường đi cống vải từ đây dứt/ Dân nước đời đời hưởng phúc chung” (bản dịch thơ).

Tiếp tục ngược chặng đường chừng 3 km, chúng tôi đến trước miếu - mộ Ngài. Đây là nơi nhân dân an táng Ngài khi qua đời (năm 723). Cảnh trí nơi Vua Mai Hắc Đế yên nghỉ thật hùng vĩ, chung quanh ba mặt được núi che chở, phía trước mặt là dòng sông Lam nước chảy êm đềm. Núi uy nghiêm được gọi là Đụn (tên chữ Hán gọi là dãy Hùng Sơn), tương truyền là mạch đất thiêng, được Hoàng giáp Bùi Dương Lịch viết trong công trình “Nghệ An ký” là “Danh sơn mây khói tụ”. Nơi đây, được đón ngọn gió từ phía Đông mang theo hơi mát của dòng Lam, xua tan cái nóng bức. Ngọn gió làm rừng thông đong đưa, phát ra dòng âm thanh vi vu, rì rào. Đó là tiếng ru của gió ngàn, của núi rừng vỗ về giấc ngủ vĩnh hằng của danh nhân Mai Thúc Loan- người con của quê hương đã xả thân vì nền độc lập, tự chủ, vì người dân quê hương phải rên xiết dưới gông cùm nô lệ, oằn lưng dưới làn roi vọt và rơi nước mắt khi phải cống nạp sản vật cho quân xâm lược đến từ phương Bắc.

Sông Lam - núi Đụn.
Sông Lam - núi Đụn.

Chốn kinh thành thường cũng là đất tụ khí để người mẹ sinh ra đấng hào kiệt vì nước, vì dân. Ngược lên vài cây số nữa là đến di tích mộ thân mẫu Vua Mai trên núi Dẻ (Nam Thái). Tương truyền, thân mẫu Vua Mai vốn quê ở vùng Thạch Hà (Hà Tĩnh) đến làng Ngọc Trừng sinh sống và sinh ra Mai Thúc Loan. Khi bà qua đời, được nhân dân an táng trên núi Dẻ. Cùng với đền thờ và lăng mộ Vua Mai, mộ thân mẫu của Ngài cũng được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Từ đây, tiếp tục men theo con đường nhựa chạy dọc bờ sông Lam, chúng tôi đặt chân đến địa bàn xã Nam Thượng. Không thể kể hết vẻ đẹp của cảnh trí ở nơi đây, vì bàn tay của thiên nhiên, tạo hóa đã hết sức kỳ công khi vẽ lên một bức tranh thủy mặc quyến rũ. Cảnh non nước, mây trời in bóng xuống dòng sông xanh, toát lên sự hùng vỹ, vừa có vẻ nguyên sơ, đem lại cho con người khát vọng hòa hợp với thiên nhiên thật gần gũi, thân thương.

Trên dòng Lam giang thơ mộng trong xanh, xanh mướt bãi ngô, điểm xuyết một vài con đò xuôi ngược…. Tại đây, chúng tôi gặp cụ Nguyễn Văn Tứ đang ngồi dưới bóng cây cổ thụ ven đường, gần đó là hai con trâu đang thong dong gặm cỏ. Qua chuyện trò, cụ Tứ cho hay, cụ thích được ra đây để ngắm cảnh sông núi, đồng bãi quê hương, điều đó đem lại cho cụ sự thoải mái tinh thần, và cái chân, cái tay cũng khỏe khoắn. Năm nay đã bước sang tuổi 86, tuổi trẻ cụ đã đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ quên được dòng sông, dãy núi, bãi ngô và cả bến đò này. Con trai cụ, một người ở Thị trấn Nam Đàn, một người ở Thành phố Vinh, nhưng chưa khi nào cụ ở nhà con quá 5 ngày. Không phải vì sợ phiền hà, mà lý do chính là cụ thấy nhớ cái làng ven sông, sát núi này, và nhớ ngọn gió mát rượi, nhớ ấm nước chè xanh và cả bát canh tôm ngọt lành.

Nghe lời cụ Tứ, chúng tôi chợt hiểu ra điều từ nãy giờ vẫn còn băn khoăn, chưa thật rõ hình hài, ý tứ. Đó là khi đến nơi đây, trước cảnh hùng vỹ và thơ mộng của thiên nhiên, con người tạm trút bỏ được những nỗi lo toan để tìm đến sự thanh thản trong cuộc sống. Đến đây, con người như được tiếp thêm nguồn năng lượng từ quá khứ hào hùng và khí thiêng rừng núi, giúp chúng ta tìm được chốn bình yên... Vâng, thành lũy binh đao, kinh thành phồn thịnh… lùi vào huyền sử nhưng đất này vẫn tráng vĩ hình núi dáng sông, trong vẻ thanh bình vẫn hun đúc hùng khí muôn đời.

Tường Anh