Kịch tính nhưng chưa thuyết phục?

20/04/2014 16:56

(Baonghean) - Thứ 5 ngày 17/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chương trình truyền hình trực tiếp trả lời những thắc mắc của người xem. Tình hình ở Ukraina, Crimea trực thuộc Nga và mối quan hệ giữa Nga và các đối tác phương Tây là những chủ đề nhận được nhiều sự chú ý nhất của công chúng Nga. Ngoài ra, sự xuất hiện của "người thổi còi" Snowden với chất vấn về chính sách kiểm soát mạng của Nga cũng là một điểm nhấn của chương trình này.

Đây là chương trình thường niên, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2001. Với thời lượng 5 tiếng đồng hồ, chương trình như một phiên chất vấn giữa người đứng đầu điện Kremlin và dân chúng Nga. Năm nay, vấn đề Crimea, bán đảo Ukraina trực thuộc Nga kể từ ngày 18/3, là chủ đề chính của phiên chất vấn. "Cảm ơn vì Crimea" là một trong những tin nhắn được gửi đến nhiều nhất. "Từ đây Nga là một đất nước khác", người dẫn chương trình ám chỉ sự mở rộng của Liên bang. Putin phản đối bằng tuyên bố, cho rằng Nga "nhúng tay" vào những biến cố hiện nay tại những vùng phía Đông Ukraina là một "sai lầm". Ông cũng hy vọng không phải viện đến biện pháp quân sự, điều mà Hội đồng Liên bang thông qua kể từ ngày 1/3. Về vấn đề nhiên liệu, ông cho Ukraina thời gian 1 tháng để giải quyết.

Ông Vladimir Putin trong chương trình truyền hình ngày 17/4.
Ông Vladimir Putin trong chương trình truyền hình ngày 17/4.

Nhận định về vai trò của Nga trong khủng hoảng ở Ukraina, ông Putin cho rằng lực lượng quân sự Nga đã hỗ trợ một cách "cụ thể, có hiệu quả và chuyên nghiệp" cho các lực lượng tự vệ địa phương nhằm chiếm quyền kiểm soát Crimea. "Nga chưa bao giờ lên kế hoạch sát nhập Crimea. Điều này xảy đến khi dân chúng cảm nhận được những mối đe doạ và tự quyết định vận mệnh của mình. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã quyết định ủng hộ Crimea. Tất cả các thành viên của Hội đồng an ninh đã ủng hộ đề nghị của tôi. Mọi chuyện được thực hiện rất nhanh và hiệu quả". "Chúng ta phải làm điều đó, nó hoàn toàn tự nhiên. Không thể nào phản ứng khác được", ông Putin nhấn mạnh. Theo đó, lực lượng quân sự Nga chỉ được viện đến để "bảo vệ quyền tự do và nguyện vọng của nhân dân Crimea". Khi nhà báo Dmitri Kisseliov, vừa được bổ nhiệm làm giám đốc của cơ quan truyền thông điện Kremlin "Nước Nga ngày nay", nhắc đến sự vây hãm của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, liên tưởng đến một "khối u ác tính" trên đà lan rộng, ông Putin trả lời rằng NATO không làm ông kinh sợ. "Chúng ta có thể làm cho họ chết ngạt, sao lại phải sợ?", ông cũng nhấn mạnh việc Crimea sát nhập Nga nhằm ngăn chặn NATO.

Phiên chất vấn đến hồi kịch tính khi có sự tham gia của Edward Snowden, cựu nhân viên NSA tị nạn ở Nga từ sau những tiết lộ về những chương trình theo dõi cài đặt bởi chính phủ Mỹ. Câu hỏi của anh như sau: "Nga có theo dõi và lưu trữ dữ liệu các cuộc hội thoại của hàng triệu người dân? Theo ngài (tổng thống) thì một sự theo dõi như vậy có đúng hay không?". Ông Putin đã trả lời ở vị trí của một "đồng nghiệp": "Anh là một cựu nhân viên tình báo, tôi cũng từng làm việc cho KGB (cơ quan tình báo quốc gia của Liên bang Nga), vậy là chúng ta nói chung một thứ ngôn ngữ".

Tại Nga, nơi mà "các cơ quan được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, xã hội và luật pháp", cần "được toà án cho phép mới có thể làm những việc như là nghe lén", ông Putin nhắc lại. "Người ta nghe lén các tội phạm khi chúng sử dụng các phương tiện truyền thông để phục vụ cho kế hoạch phạm tội" nhưng việc theo dõi này tuyệt đối không được áp dụng vào một chương trình "kiểm soát hàng loạt". Nhưng sau đó, ông lại trả lời nước đôi rằng "Tôi hy vọng sẽ không làm điều đó. Chúng tôi không có nhiều tiền như Mỹ." Vậy là Putin khôn khéo đẩy mũi công kích về hướng Mỹ khi nhắc khéo lại vụ rùm beng chấn động thế giới khi Snowden tiết lộ hàng loạt tài liệu mật về chương trình theo dõi hàng loạt của chính phủ Mỹ. Lại nói về việc mất lòng tin vào Mỹ, người đứng đầu điện Kremlin cho biết: "Để thiết lập lại lòng tin, chúng ta cần phải có chung tiếng nói và xem trọng luật quốc tế hơn nữa, thay vì chính sách sử dụng vũ lực như hiện nay". Ông Putin công kích một cách mạnh mẽ Tổng thư ký NATO ông Anders Fogh Rasmussen khi ông này còn là thủ tướng Đan Mạch: "Ông ấy đã bí mật ghi âm lại lời tôi nói trong một cuộc đàm thoại và sau đó thì tung ra cho báo chí. Đây là loại lòng tin gì vậy?"

Tuy nhiên, khá mâu thuẫn khi mà vừa qua Bộ giáo dục Nga đã đưa ra dự thảo về luật chống khủng bố trong các trường học, trong đó đề nghị theo dõi học sinh và giáo viên trên mạng Internet. Cụ thể, những người có trách nhiệm trong các trường cấp 3 và đại học ở Nga phải "phân tích trang cá nhân của học sinh và nhân sự trong trường", lập hồ sơ về những cá nhân "có xu hướng vi phạm các quy tắc". Những thông tin này sau đó phải được chuyển cho các cơ quan an ninh Nga hoặc Bộ nội vụ.

Thứ 6 ngày 18/4, một ngày sau khi dự thảo được đăng tải trên trang web chính phủ, cộng đồng giáo viên Nga đã phản ứng mạnh mẽ, cho rằng "đây là một sự phi lý và quan liêu nhằm vào các giáo viên và học sinh không ủng hộ cho chế độ đương quyền", trích lời của Andrei Demidov, người đứng đầu một liên đoàn giáo viên. Nhật báo Kommersant thì trích lời Bộ giáo dục nhằm trấn an công luận: "Cho đến thời điểm hiện tại, dự thảo này mới chỉ trong giai đoạn tranh luận công khai". Thêm một bằng chứng khác bác lại những tuyên bố khảng khái của ông Putin trong phiên chất vấn qua truyền hình là việc thời báo The Guardian tiết lộ sự tồn tại của một hệ thống được đặt tên là Sorm cho phép theo dõi các vận động viên và khách mời tham dự Đại hội Olympic Sochi 2014.

Có thể thấy phiên chất vấn của ông Putin chưa thực sự làm thoả mãn người nghe, khi mà những câu trả lời của ông vẫn có thể bị phản biện lại bằng những lý luận và bằng chứng ít nhiều thuyết phục. Ngay cả câu hỏi của "người thổi còi" cũng bị nhiều ý kiến cho rằng không thực sự mang tính chất vấn và đã được dàn xếp từ trước khi mà Snowden xuất hiện trên chương trình thông qua màn hình, không rõ là trực tiếp đặt câu hỏi hay chỉ là một video được quay từ trước và phát lại. Trong khi đó, với những tuyên bố có phần cứng cỏi và mang tính công kích nhắm vào phương Tây của mình, rõ ràng ông Putin không hề nể nang hay e ngại trước những động thái trừng phạt của phương Tây. Với bối cảnh mối quan hệ gượng gạo, thậm chí là căng thẳng như vậy, khó đoán được những cuộc tiếp xúc giữa Nga và phương Tây sẽ diễn biến như thế nào, khi mà theo kế hoạch thì ngày 23/4 tới đây, ông Putin sẽ có chuyến thăm Pháp nhân lễ tưởng niệm quân Nga hy sinh trong thế chiến tại Pháp.

Nấm Linh Chi