Bất cập từ kinh doanh hàng rong

18/03/2014 09:57

(Baonghean) - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện nhiều đối tượng bán hàng rong. Hàng được đổ đống với nhiều chủng loại, từ hàng tạp hóa, đồ chơi trẻ em, quần áo may mặc sẵn, chăn ga gối đệm,… bày bán trên những tuyến phố. Tình trạng này vừa ảnh hưởng tới trật tự giao thông, vừa gây khó khăn cho các tiểu thương bán hàng ở chợ.

Cạnh tranh không bình đẳng

Không khó để bắt gặp hiện tượng bán hàng may mặc sẵn đổ đống trên vỉa hè các tuyến đường Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Văn Cừ, Quang Trung, Thái Phiên, Lê Duẩn… Hình thức bán hàng này rất đơn giản, chỉ cần một tấm bạt hoặc ni lông trải ở vỉa hè rồi đổ hàng ra bán. Thông thường tại các hàng đổ đống dạng này thường có những “thông điệp” như xả hàng, hàng đại hạ giá, hàng thanh lý, áo phao 250 ngàn đồng/chiếc, áo sơ mi 50 ngàn đồng/chiếc; hàng xoong nồi, bát đĩa, môi, thìa cũng đại hạ giá rẻ bất ngờ…

Thấy đông người vào chen mua áo phao giá rẻ tại một điểm hàng đổ đống tại đường Nguyễn Sỹ Sách, chúng tôi vào hỏi giá, mỗi chiếc áo phao dày ấm chỉ 250 ngàn đồng. Tuy nhiên, những chiếc áo phao giá rẻ này chẳng biết nguồn gốc xuất xứ ở đâu, chủ hàng đa số là người các tỉnh ngoài bắc vào bán, khi khách hàng phân vân thì người bán hàng bảo đây là hàng thanh lý, hàng lỗi nên bán giá rẻ. Những điểm bán hàng di động trên vỉa hè thường gây lộn xộn, mất trật tự giao thông, gây mất công bằng đối với các hộ kinh doanh ở chợ hay các cửa hàng, cửa hiệu có đóng nạp thuế đầy đủ.

Chị Thủy chuyên kinh doanh hàng quần áo may mặc sẵn ở tầng 2 chợ Vinh chia sẻ: "Hiện tượng bán hàng đổ đống giá rẻ tại vỉa hè làm cho các tiểu thương trong chợ rất khó kinh doanh. Từ việc các chủ hàng không có ốt bán ở chợ, xả hàng bán ở vỉa hè vô hình chung gây cạnh tranh thiếu lành mạnh đối với các hộ kinh doanh chân chính trong chợ. Để có một quầy bán ở chợ, tiểu thương phải đầu tư hàng trăm triệu đồng mua quầy, kinh doanh hàng tháng đều nạp thuế, đóng phí vệ sinh, bảo vệ; đầu vào hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chúng tôi cũng phải cân đối bán đầu ra đảm bảo có chút lợi nhuận, không thể bán đại hạ giá như hàng ở vỉa hè… ".

Không chỉ ở TP Vinh, ở các huyện, hàng rong cũng đổ về nhiều. Đánh vào tâm lí người tiêu dùng thích rẻ, thích mua hàng giảm giá, hàng khuyến mãi, họ đi từng chuyến ô tô với đủ các mặt hàng mạo danh "hàng công ty", bán xong họ "mất tăm" luôn, người mua khó có thể tìm họ mà khiếu nại hay đổi lại... Trên tuyến đường từ xã Diễn Thịnh đến Thị trấn huyện Diễn Châu, xuất hiện nhiều người bán hàng rong dùng loa quảng cáo hàng hóa, gây sự quan tâm, chú ý của nhiều người đi đường. Các loại sản phẩm được bày bán về hình thức trông giống hệt hàng chính hãng của Everon, Hanvico, Vikosan - các thương hiệu có tiếng trên thị trường.

Chăn ga gối đệm các loại ruột chăn làm bằng chất liệu bông siêu nhẹ. Vỏ chăn, ga, gối…may bằng vải thô với nhiều hoa văn, mẫu mã phong phú, đặc sắc. Khi chúng tôi hỏi mua 1 bộ ga, gối, người bán hàng nhanh nhảu tiếp thị: "Hàng có 3 loại, loại rẻ nhất 80.000 đồng/bộ, loại 2 là 180.000 đồng/bộ và loại cao cấp là 250.000 đồng/bộ. Toàn bộ là hàng công ty, có nhãn mác rõ ràng, chất lượng miễn chê". Để chứng minh cho lời nói của mình, anh ta đưa ra chiếc ga trải giường loại đắt tiền nhất, trên đó có gắn nhãn hiệu của một nhà sản xuất chăn ga gối đệm khá nổi tiếng trên thị trường và cho biết do đây là hàng do nhân viên công ty "tuồn ra ngoài" nên có giá chỉ bằng 1/4 so với hàng bán trong các đại lý. Tuy vậy, nếu xem kỹ, khách hàng sẽ thấy đường may của sản phẩm này khá cẩu thả, mác lại in dòng chữ "Evesons" (chứ không phải "Everon" như hàng chính hãng).

Hàng chăn, ga gối bán rong tại xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).
Hàng chăn, ga gối bán rong tại xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).

Các điểm bán hàng rong đổ đống thường xuyên di chuyển địa điểm. Thông thường, tại mỗi điểm, người bán hàng chỉ bán vài ngày, sau đó lại chuyển đến nơi mới. Dạo qua các điểm bán hàng, thấy các sản phẩm này bán khá nhanh, giá rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng chính hãng. Chẳng hạn các loại vỏ gối giá 40- 45 nghìn đồng/đôi, chăn và vỏ chăn bông siêu nhẹ giá 200 - 250 nghìn đồng/chiếc, vỏ ga giá 100 - 120 nghìn đồng/chiếc. Các loại đệm giá cũng rẻ hơn 3 - 4 lần so với sản phẩm chính hãng... Không ít người đi đường ham rẻ mua khá nhiều sản phẩm từ các điểm bán hàng kiểu này. Tuy nhiên, qua sử dụng, một số người dân bức xúc khi chất lượng của các mặt hàng này quá kém. Chị Nguyễn Thị Lan ở xã Diễn Kỷ phàn nàn: Ban đầu, thấy hình thức bóng bẩy, hoa văn, màu sắc chẳng thua kém mặt hàng tốt chính hãng, nên tôi mua một loạt thay thế vỏ ga, gối cũ, nhưng chỉ qua nước giặt đầu đã thấy sản phẩm bạc màu nhanh, sau vài lần sử dụng vải đã mỏng dần, sờn lông, dễ rách". Chị Lan so sánh: "Với chất lượng sản phẩm tồi như vậy thì không thể coi là giá rẻ".

Còn tại một xe hàng khác dừng bán tại xã Diễn Kỷ, lời quảng cáo của người bán thông qua chiếc loa cầm tay oang oang: "Hàng công ty thanh lý, chất lượng hết ý, giá rẻ bất ngờ, mua nhanh kẻo hết". Sản phẩm được bày bán là những nồi cơm điện, bếp gas, chảo chống dính, chổi lau nhà "siêu sạch",... với giá bán chưa đến một nửa so với hàng có nhãn mác, xuất xứ đầy đủ. Trả lời câu hỏi về nguyên nhân khiến các mặt hàng có giá rẻ bất ngờ, người bán hàng cho biết: "Hầu hết các sản phẩm này đều là hàng nằm trong đợt giảm giá, khuyến mại, hàng tồn kho và những sản phẩm kèm tặng theo các chương trình của các hãng. Do là "mối ruột" nhập hàng thường xuyên nên khi biết thông tin, một số chủ kinh doanh đã "gom hàng" khuyến mại sau đó bán ra thị trường. Vì vậy, đây đều là hàng "xịn" nhưng giá rẻ hơn, số lượng cũng chỉ có hạn, ai không nhanh tay sẽ không còn hàng giá như thế này đâu". Với phương thức giao dịch kiểu "tiền trao - cháo múc", khách hàng hầu như không có bất kỳ giấy tờ, hóa đơn nào để chứng minh quá trình giao dịch nên không có cơ sở để khiếu kiện khi mua phải hàng kém chất lượng.

Hẳn ai cũng biết, trong các cửa hàng kinh doanh hay các sạp hàng ở chợ, khi buôn bán bất kì một mặt hàng nào cũng phải nộp thuế môn bài cho Nhà nước hay tiền thuê quầy, thuê địa điểm… Ngoài ra, những mặt hàng được buôn bán, kinh doanh cần phải được kiểm tra, kiểm định về tiêu chuẩn, chất lượng là khâu yêu cầu tối thiểu nhằm đảm bảo sức khỏe và lợi ích cho người tiêu dùng. Còn đối với các mặt hàng được bán rong, không cần những điều kiện trên, chúng được bày bán một cách ngang nhiên giữa các tuyến phố, thậm chí tràn lan ở cả vỉa hè hay lòng lề đường. Các mặt hàng này lại không có một cơ quan chức năng nào quản lí, kiểm soát nhằm kiểm tra hay kiểm định về chất lượng. Đồng thời, trong quá trình buôn bán lại rất thoải mái do điều kiện nay đây, mai đó nên không cần thiết phải nộp thuế hay đóng tiền ra vào chợ...

Khó kiểm soát

Thực trạng bán hàng rong phát sinh nhanh trong những năm gần đây do nhu cầu việc làm để mưu sinh. Thiếu việc làm, một bộ phận dân nghèo tìm về thành phố hành nghề bán hàng rong kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống. Một phần xuất phát từ việc chợ vườn hoa (phường Cửa Nam), trước đây chuyên bán đồ may mặc cũ, sau khi giải tán để làm lại vườn hoa, các hộ kinh doanh mất địa điểm đã chuyển sang làm xe đẩy đi bán rong. Trước thực trạng một số chợ đã kín quầy như chợ Vinh, chợ Bến Thủy, chợ Hưng Dũng, chợ Kênh Bắc; song hiện vẫn còn những chợ còn chỗ nhưng không bán được hàng nên dân không muốn vào chợ kinh doanh như chợ Tecco (Vinh Tân), chợ Phong Toàn (Hà Huy Tập), chợ Cọi (Hưng Lộc)... Thời gian gần đây, hàng chục hộ kinh doanh lưu động liên hệ với tòa nhà dầu khí cho bán hàng trước sân của tòa nhà, số còn lại chạy rong bán ở các vỉa hè.

Có thể kể đến hàng trăm lí do để bao biện cho việc hàng rong tồn tại trên khắp các con phố, ngõ, hẻm. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Đình Thông – Phó chánh Thanh tra đô thị Thành phố Vinh cho biết: Nếu các hộ kinh doanh không chấp hành, Thanh tra đô thị và các đội quy tắc phường, xã sẽ lập biên bản xử lý hành chính theo Nghị định 34/CP về trật tự giao thông đô thị. Thanh tra đô thị hàng tháng đều có kế hoạch đẩy đuổi hộ kinh doanh vỉa hè nhưng cũng như “ném đá ao bèo” do lực lượng thanh tra đô thị quá mỏng không thể duy trì đẩy đuổi thường xuyên nên cứ dẹp xong chỗ này lại phình ra chỗ khác. Thành phố có hướng giải quyết vấn đề này nhưng hiện tại chưa tìm được địa điểm phù hợp để tổ chức thành chợ nhằm giải quyết nhu cầu bán hàng rong, nhưng để làm được việc này không thể một sớm, một chiều, vì phải tìm được điểm phù hợp thuận lợi kinh doanh. Do vậy, trước mắt đang chấp nhận để các hộ bán hàng tại sân tòa nhà dầu khí.

Đối với vấn đề thất thu thuế hàng rong, ông Phan Văn Việt – Chi cục trưởng Chi cục thuế Thành phố Vinh cho biết: Đối với các hộ kinh doanh lưu động rất khó xác định doanh thu bán hàng, song nhìn chung các hộ này đều có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Theo quy định của chính sách thuế, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Về nguyên tắc phải thu thuế môn bài đối với những đối tượng bán hàng ở vỉa hè nhưng trên thực tế chỉ thu được một số rất ít hộ. Ngoài ra, không ít trường hợp kinh doanh nhỏ có điểm cố định, mặc dù đã lập bộ môn bài nhưng không nộp dẫn đến nợ đọng thuế.

Tiêu thụ hàng rong đang là hình thức tiếp tay cho các sản phẩm giả, nhái với giá siêu rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo; là mối nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, để đảm bảo quyền lợi của người dân, các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm những đối tượng này. Đồng thời, người tiêu dùng cần thận trọng khi quyết định mua bất cứ sản phẩm nào, kẻo vừa mất tiền, vừa rước họa vào thân.

Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An, hàng rong bán vỉa hè chủ yếu là hàng trôi nổi, thậm chí người bán còn trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng vào để bán. Lực lượng quản lý thị trường cũng rất khó xử phạt. Và nếu có xử phạt chỗ này, họ lại đi bán chỗ khác nên cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả chính quyền phường, xã, trật tự đô thị... Bên cạnh đó, muốn giám định hàng giả, hàng nhái, lực lượng QLTT phải có yêu cầu từ chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái. Có nhiều trường hợp, khi phát hiện cán bộ QLTT lập biên bản tạm giữ hàng hóa nhưng lại không liên hệ được với doanh nghiệp sản xuất, do họ không ở trên địa bàn, hoặc không có địa chỉ liên hệ cụ thể. Mặt khác, không ít doanh nghiệp lại e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả nên khi được mời đến cơ quan chức năng để xác nhận hàng giả hàng nhái thì từ chối. Một bộ phận người tiêu dùng thích dùng hàng giá rẻ cũng là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái có điều kiện tung hoành...

Quỳnh Lan - Ngọc Anh