Quê choa có biển Cửa Lò!

29/04/2014 22:53

(Baonghean) - Nhiều người có sở thích đi du lịch, có người thì thích thăm thú cảnh đẹp, có người lại hiếu kỳ về văn hoá bản địa, lại cũng có người chỉ thích tìm hiểu... ẩm thực địa phương. Suy cho cùng, đều là để khám phá những điều mới lạ, mở mang kiến thức trong một lĩnh vực cụ thể nào đó mà mình quan tâm.

Có phải kinh doanh du lịch vốn dĩ là kinh doanh "cảm giác" không? Nghĩa là làm sao cho khách du lịch cảm thấy thoả mãn nhất, xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra nhất. Nghĩa là phải đáp ứng được yêu cầu của khách. Mà yêu cầu đó, là gì? Dễ nhận thấy, những địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới được người ta nhớ đến bởi chúng có nét đặc trưng riêng. Singapore, đảo quốc xanh - sạch - đẹp nhất thế giới; Nhật Bản, quốc gia có nền văn hoá độc đáo pha trộn giữa xã hội cổ nhiều quy tắc khắt khe và sự nổi loạn của thời đại mới; Hà Lan, đất nước của những loài hoa; Pháp, kinh đô của ánh sáng và sự lãng mạn; Tây Ban Nha, đất nước của những dũng sỹ bò tót say trong vũ điệu flamenco;...Như vậy, mỗi quốc gia tập trung vào điểm nổi bật nhất, hấp dẫn nhất của mình, định hướng phát triển du lịch theo hướng đó. Như tất cả các sản phẩm kinh doanh khác, kinh doanh du lịch cũng cần khoanh vùng, xác định đối tượng khách hàng mà mình nhắm tới để xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm.

Lấy Cửa Lò làm ví dụ vi mô, đầu tiên, xác định Cửa Lò là loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Khác với những bãi biển ở phía Nam có lợi thế về cảnh quan, Cửa Lò nên tập trung nhiều cho phần dịch vụ nghỉ dưỡng bởi cảnh quan hạn chế. Như vậy có thể đặt đối tượng khách du lịch muốn thăm thú cảnh đẹp sang một bên vì đây rõ ràng không phải là đối tượng khách hàng tiềm năng. Đối với khách du lịch quan tâm đến văn hoá thì sao? Văn hoá bản địa, một cách khách quan cũng không quá mới lạ để có thể khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, xét đến việc Cửa Lò nằm trong tuyến du lịch cùng với các địa danh, di tích văn hoá lịch sử như quê Bác, hệ thống đền, chùa, miếu ở kế cận, việc phát triển một số dịch vụ du lịch văn hoá ở Cửa Lò là điều nên làm, nhằm khai thác triệt để đối tượng khách du lịch tìm đến các di tích văn hoá lịch sử kể trên. Ví dụ như mô hình kinh doanh đưa khách lên thuyền thúng, khám phá công việc câu mực đêm của ngư dân là một ý tưởng tốt. Nếu khai thác cần tổ chức một cách bài bản vừa bảo đảm an toàn cho du khách, vừa tạo thêm việc làm cho ngư dân địa phương.

Cuối cùng, tất nhiên không thể bỏ qua khâu ẩm thực, bởi khách đến Cửa Lò có thể không tắm nhưng không thể không ăn hải sản (đơn cử là...mình, toàn đến vào buổi chiều tối để hóng gió, ăn đồ biển). Tuy nhiên, nếu cho mình chấm điểm thì dịch vụ ăn uống ở Cửa Lò chỉ mới đạt loại khá. Thật đáng tiếc khi mà chúng ta hoàn toàn có thể đạt điểm cao hơn trong khâu ẩm thực! Lại nghĩ đến Đà Nẵng, đi một lần là nhớ mãi những món hải sản tươi, cách chế biến đa dạng từ đơn giản đến kì công, giá cả phải chăng. Từ đó ngẫm lại, cái mà Cửa Lò còn thiếu chính là sự đa dạng và tỉ mỉ trong khâu chế biến, trình bày, thêm vào đó là tình trạng chặt chém thực khách vẫn tồn tại ở một vài nhà hàng...

Đấy là vài điều khiến mình lăn tăn về Cửa Lò, nhưng cơ bản thì mình thích Cửa Lò lắm lắm! Lục lại trí nhớ những lần đi Cửa Lò từ hồi vẫn còn cởi truồng cho đến bây giờ, biết là Cửa Lò mỗi lúc mỗi khác, không khỏi vui mừng. Bởi khi nhắc đến Cửa Lò với bạn bè từ các vùng, miền khác, mình hoàn toàn có thể tự hào mà nói: "Quê choa có biển Cửa Lò!". Chỉ là cái biển của quê choa màu sắc chưa rõ nét lắm, từ từ choa tô vẽ thêm, hề hề!

Hải Triều (Email từ Paris)