Quản lý khai thác khoáng sản: Những vấn đề đặt ra

05/05/2014 16:03

(Baonghean) - Hiện nay, hoạt động khai thác khoáng sản ở tỉnh ta diễn ra khá ồ ạt, trữ lượng khoáng sản ngày càng cạn kiệt; tình trạng ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông… ngày càng trầm trọng. Vì thế các cấp chính quyền, các ngành chức năng và địa phương cần siết chặt công tác quản lý khai thác nguồn tài nguyên này.

Sai phạm phổ biến

Nằm ngay cạnh đường vào trung tâm xã Tri Lễ (Quế Phong) có một điểm mỏ còn nguyên hiện trạng đào bới nham nhở; những hố sâu, rộng hàng chục mét theo hình thức khai thác lộ thiên không được hoàn nguyên, hoàn thổ sau khai thác. Qua trao đổi với cán bộ huyện Quế Phong, được biết, đây là điểm mỏ của Công ty TNHH Lâm Lệ Phong khai thác quặng. Điểm mỏ này được cấp phép năm 2009, có thời hạn 5 năm, tháng 2/2014, doanh nghiệp đã đóng cửa mỏ. Thời gian qua, huyện Quế Phong thành lập nhiều đoàn kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc hoàn nguyên, hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác nhưng doanh nghiệp chưa chấp hành. Mặc dù đã hết hạn khai thác mỏ nhưng doanh nghiệp mới thực hiện khoản ký quỹ bảo vệ môi trường chỉ được 1/4 so với tổng nguồn phải nộp (41/166 triệu đồng).

Còn điểm mỏ của Công ty TNHH Ngọc Sáng ở Tri Lễ, có thời hạn khai thác 5 năm (2010 - 2015), chưa được cấp phép chế biến nhưng công ty vẫn xay, sàng, lắng lọc quặng, xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Việc chấp hành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp này cũng chưa nghiêm túc. Hiện tại DN đang nợ hơn 5 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và tiền thuê đất cũng mới chỉ nộp 60/130 triệu đồng... Ông Nguyễn Quốc Lâm - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quế Phong, thừa nhận: “Tình trạng vi phạm quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản trên địa bàn Quế Phong diễn ra khá phổ biến. Việc thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường không đầy đủ. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để”. Thời gian qua, huyện đã tăng cường giám sát và kịp thời báo cáo, kiến nghị với các cấp, các ngành xử lý. Tuy nhiên, do trên địa bàn Quế Phong, các điểm khoáng sản nằm nhỏ lẻ, địa bàn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trong khi đó lực lượng mỏng rất khó kiểm soát. Đặc biệt, tình trạng khai thác vàng sa khoáng hết sức phức tạp, ngoài việc khai thác trái phép có tổ chức thì có thêm sự tham gia của người dân, gây khó khăn trong việc đẩy đuổi.

Theo ghi nhận của đoàn giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, không chỉ riêng ở Quế Phong mà tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản đang diễn ra phổ biến ở tất cả các địa phương có khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có 95/145 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản vi phạm về quy trình khai thác theo thiết kế cơ sở, nợ thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, ký quỹ và phục hồi môi trường sau khai thác. Mặt khác, thiếc Quỳ Hợp sau khai thác bị thẩm lậu sang Trung Quốc, dẫn đến tình trạng mất tài nguyên, thất thu thuế. Hay như ở huyện Tân Kỳ, Đô Lương, tình trạng khai thác không đúng theo thiết kế cơ sở diễn ra phổ biến tại các mỏ khai thác đá xây dựng, gây nguy cơ mất an toàn lao động rất lớn. Ông Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, cho rằng: Nguyên nhân do nhu cầu sử dụng cát của người dân rất lớn, trong khi đó thủ tục cấp phép quá chậm. Hiện tại trên địa bàn huyện Đô Lương có 8 doanh nghiệp thăm dò nhưng duy nhất mới chỉ có 1 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. Do sức ép việc làm và thu nhập của người lao động rất lớn, trong khi đó lực lượng, phương tiện để thanh tra, kiểm tra mỏng, chế tài xử lý chưa đủ mạnh nên rất khó chấn chỉnh.

Ban Kinh tế  - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành pháp luật về khoáng sản tại Công ty TNHH Hoàng Danh (Tân Kỳ).
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành pháp luật về khoáng sản tại Công ty TNHH Hoàng Danh (Tân Kỳ).

Siết chặt quản lý

Thời gian qua, tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp thanh tra, kiểm tra, đẩy đuổi khai thác khoáng sản trái phép và bước đầu đã lập lại trật tự trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản, gần nhất là Quyết định số 58/2013/QĐ-UBND, ngày 25/10/2013 về quy chế phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, đã phân công, phân nhiệm rõ trách nhiệm của các ngành cũng như cấp huyện và xã trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thiếu nhân lực để phối hợp. Điển hình nhất là đầu tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh có quyết định thành lập 2 đoàn liên ngành để kiểm tra khai thác khoáng sản mà trọng tâm tập trung là đá và vật liệu xây dựng, tuy nhiên cho đến nay các ngành chỉ bố trí đủ người để thành lập được 1 đoàn. Bên cạnh đó, việc chủ động tham gia và phối hợp của một số ngành còn hạn chế.

Từ thực tiễn trên, theo một số ý kiến cho rằng, trên cơ sở phân cấp, phân nhiệm cụ thể trong quản lý khoáng sản, thì nội dung, lĩnh vực thuộc ngành nào, cấp nào thì ngành đó, cấp đó chịu trách nhiệm chủ trì để giải quyết các tồn tại, bất cập đặt ra mà không cần đến đoàn liên ngành như lâu nay (ví dụ khai thác sai quy hoạch thì Sở Xây dựng phải lo; vi phạm về an toàn vệ sinh lao động thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; liên quan đến quản lý thuốc nổ công nghiệp do Sở Công Thương...). Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, ông Võ Duy Việt, cho rằng: Theo quy định, cấp nào chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt báo cáo hay bản cam kết bảo vệ môi trường thì cấp đó có trách nhiệm chủ trì giám sát, kiểm tra và xử lý. Thực tiễn các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu làm bản cam kết bảo vệ môi trường do cấp huyện thực hiện. Vì vậy, trách nhiệm trước hết trong công tác bảo đảm môi trường tại các điểm mỏ thuộc về cấp huyện; Sở Tài nguyên – Môi trường có chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường.

Riêng về công tác hoàn nguyên, hoàn thổ sau khai thác, trước khi Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh được thành lập, việc ký quỹ môi trường được các doanh nghiệp thực hiện thông qua các ngân hàng hoặc các kho bạc các huyện; có một số doanh nghiệp chây ì đóng chỉ được một phần, có doanh nghiệp không đóng. Sở Tài nguyên – Môi trường đang hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê các điểm mỏ, chỗ nào chưa thực hiện phục hồi môi trường, hoàn thổ thì buộc các doanh nghiệp phải thực hiện, nếu không sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng chuyển nguồn tiền mà các doanh nghiệp đã ký quỹ về cho các huyện tiến hành phục hồi môi trường.

Vấn đề một số cơ sở tổ chức chế biến khoáng sản mà không được cấp phép sẽ được giải quyết theo hai hướng. Thứ nhất, cơ sở nào không vi phạm quy hoạch, không ảnh hưởng đến môi trường thì yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục để được cấp phép theo quy định. Thứ hai, nếu cơ sở nào xây dựng sai quy hoạch, ảnh hưởng đến môi trường thì kiên quyết chấm dứt hoạt động. Việc nợ thuế của doanh nghiệp, hiện tại đã có đủ chế tài xử lý, vấn đề đặt ra là cần rà soát để tập trung xử lý, tránh dây dưa, tồn đọng và thất thu thuế trong lĩnh vực này. Còn đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Quyết định 58 của UBND tỉnh thì vai trò của chính quyền cấp huyện và xã cực kỳ quan trọng. Vì vậy, các huyện và xã cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy đuổi, huy động toàn xã hội để lập lại trật tự trên chính địa bàn mình.

Rõ ràng, để giám sát và giải quyết tốt các vấn đề tồn tại, bất cập trong khai thác khoáng sản hiện nay, các ngành, các cấp cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ mỏ; thực hiện nghiêm túc các quy định về khai thác khoáng sản; siết chặt công tác quản lý... từ đó lập lại kỷ cương trong khai thác khoáng sản.

Mai Hoa