Củng cố niềm tin
(Baonghean) - Biển Đông là 2 từ được nhắc tới nhiều nhất trong những ngày này. Trái tim triệu triệu người con đất Việt đang tiếp tục hướng về Biển Đông, với Hoàng Sa, Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Để giúp bạn đọc theo dõi tình hình, diễn biến về vấn đề Biển Đông, Báo Nghệ An mở chuyên mục “Bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”…
Hậu quả mà những kẻ quá khích để lại sau các cuộc biểu tình vừa qua hết sức nặng nề. Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai vẫn chưa thể trở lại sản xuất, kinh doanh như bình thường. Có những công ty, xí nghiệp phải mất ít nhất từ sáu tháng đến một năm mới có thể tiếp tục hoạt động. Kéo theo đó là hàng chục, hàng trăm nghìn công nhân mất việc làm. Cuộc sống của những người thợ vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Nhưng nguy hại hơn cả là những diễn biến bất ngờ và bất thường vừa qua đã dấy lên trong lòng các nhà đầu tư nước ngoài nỗi e ngại, lo sợ về sự nguy hiểm, mất an toàn cho tài sản và hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Nếu chúng ta không gầy dựng, củng cố được niềm tin cho họ thì chắc chắn, sẽ có ngày họ bỏ đi. Lúc đó, thiệt hại sẽ đến từ nhiều khía cạnh, cả hữu hình và vô hình và không thể nào cân đong, đo đếm được.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đến thăm các doanh nghiệp chịu thiệt hại trong các cuộc biểu tình vừa qua ở tỉnh Bình Dương đã nói “Nhà đầu tư nước ngoài thất bại là Việt Nam thất bại, đầu tư nước ngoài thành công là Việt Nam thành công”. Cho nên, việc cần làm ngay trước mắt là bên cạnh những cam kết xử lý nghiêm minh, trừng trị thích đáng những kẻ gây rối, bảo đảm an toàn tài sản cho các nhà đầu tư; có chính sách hỗ trợ phù hợp, cần thiết để khắc phục vụ việc cho doanh nghiệp, chúng ta phải có những chương trình, hành động, việc làm cụ thể để khôi phục lại niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước hết, phải thống nhất quan điểm là để xảy ra những thiệt hại, mất mát tài sản trong các doanh nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài, bất luận là vì lý do gì thì đều là lỗi của chúng ta. Họ đã tin tưởng bỏ vốn làm ăn trên đất ta, ta không bảo đảm được an toàn cho tài sản của họ là ta có lỗi. Mà đã có lỗi thì phải nhận lỗi và sửa lỗi. Nhận lỗi thì chúng ta đã làm. Vấn đề còn lại là sửa lỗi và phải sửa như thế nào để cho người ta tin, người ta phục mà yên tâm hợp tác làm ăn lâu dài trên đất nước ta. Sinh lợi cho họ và cho cả dân ta. Như dân ta vẫn thường nói “trăm ơn không bằng hơn tiền”. Hư hỏng, mất mát tài sản là mất mát tiền của của họ. Cách làm hay nhất, hiệu quả nhất là thống kê, kiểm đếm thật chính xác, đầy đủ những thiệt hại, mất mát đó rồi bàn bạc, thảo luận với họ để có chính sách, phương án hỗ trợ phù hợp, coi như đền bù cho những tổn thất của họ do chính người mình gây ra. Việc này, cần phải làm ngay và làm nhanh. Vì công ty, xí nghiệp của họ hồi phục sản xuất, kinh doanh nhanh ngày nào thì công nhân của mình nhanh có việc làm, có thu nhập ngày đó. Giúp người nhưng cũng chính là giúp cho chính dân mình. Nguồn tài chính để giải quyết vấn đề này, đương nhiên là phải lấy từ ngân sách của các địa phương và từ sự trợ giúp của trung ương. Còn hình thức, phương án trợ giúp như thế nào là việc của các cơ quan chức năng và cơ quan chuyên môn.
Mặt khác, cũng cần tính tới một biện pháp mà chúng ta vẫn thường hay làm đó là huy động sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Giống như chúng ta vẫn thường làm trong các đợt quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai khắc phục khó khăn, mất mát. Cho dù, những thiệt hại, mất mát này là do nhân tai, nhưng cũng rất nên làm như vậy. Vì mấy lẽ: Thứ nhất, như trên đã nói, chung tay góp sức ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng ổn định và khôi phục sản xuất chính là giúp cho hàng trăm nghìn công nhân của ta khôi phục việc làm, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Thứ hai, cả cộng đồng vào cuộc sẽ giảm được gánh nặng cho ngân sách nhà nước, để có thêm nguồn lực dành cho những việc cần kíp, quan trọng khác như bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Thứ ba, thể hiện sự đoàn kết tương thân, tương ái của cả xã hội đối với đội ngũ những người thợ.
Và cuối cùng, đây mới là điều quan trọng và có ý nghĩa về nhiều mặt đó là thể hiện sự quan tâm, ủng hộ cũng như sự đồng cảm, chia sẻ đối với những mất mát, thiệt hại của các nhà đầu tư nước ngoài trong sự cố vừa qua. Và cũng có thể coi những cử chỉ, hành động đó thay cho lời xin lỗi và là hành vi sửa lỗi của người Việt Nam gửi đến các nhà đầu tư nước ngoài. Chắc chắn, điều này sẽ khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy như đang nhận được nguồn cổ vũ, động viên to lớn của người Việt để họ vượt qua khó khăn và sẽ làm cho họ vừa cảm động vừa phấn khởi, yên tâm tin tưởng ở lại và bỏ thêm vốn đầu tư làm ăn lâu dài trên đất nước ta. Nó có giá trị như là sự hậu thuẫn to lớn cho những lời cam kết của chính quyền. Và đó cũng là cách để làm đẹp lại hình ảnh người Việt Nam trong mắt nhà đầu tư và bạn bè quốc tế đã bị sứt mẻ đi chút ít sau những biến động vừa qua.
Vì thế, rất nên phát động một phong trào ủng hộ công nhân vượt khó sâu rộng trong toàn xã hội và các chương trình hành động khác như là một cách chung tay sửa lỗi.
Duy Hương