Bài học không của riêng ai!
(Baonghean) - Việc 19 trường hợp có bố mẹ đang sống nhưng vẫn khai là đã mất để hưởng trợ cấp tuất 1 lần ở huyện Nghi Lộc đang tạo ra sự phẫn nộ trong dư luận. Mặc dù 19 trường hợp vi phạm đều có hoàn cảnh, số phận hết sức éo le, song không phải vì thế mà bất chấp tất cả để rồi vi phạm pháp luật, lương tâm bị dày vò. Đây là bài học cảnh tỉnh cho cả những gia đình, người làm bảo hiểm xã hội, các đơn vị sử dụng lao động và các cấp chính quyền địa phương.
Đáng thương và đáng trách
Khi sự việc cô con dâu là chị Nguyễn Thị Hảo, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nghi Trung “khai man” bố mẹ chồng là ông Nguyễn Xuân Phác và bà Võ Thị Mợi đã chết đang gây ồn ào trên địa bàn thì căn nhà của hai ông bà ở xóm 15, xã Nghi Trung vẫn yên ắng. Ông Nguyễn Xuân Phác nhiệt tình đón khách và vui vẻ kể, ông bà có 6 người con (3 trai, 3 gái), trong 3 người con trai thì 2 người đã mất, một là liệt sỹ Nguyễn Xuân Hòa (người mà nay ông bà đang được hưởng trợ cấp liệt sỹ 1,2 triệu đồng/1 người/1 tháng). Người còn lại là anh Nguyễn Xuân Nông, đã mất đầu năm 2010 vì ung thư dạ dày. Khi được hỏi ông bà biết hay không chuyện 3 năm trước khi anh Nông mất, chị Nguyễn Thị Hảo - vợ anh đã làm hồ sơ hưởng chế độ tuất, trong đó có khai bố mẹ chồng đều đã chết, mục đích là để hưởng chế độ trợ cấp tuất một lần? ông Nông nói ngay: “Tôi hoàn toàn không biết, Hảo nó chưa từng nói với tôi và tôi cũng không biết mẹ con nó được bao nhiêu tiền?”. “Vậy ông bà có trách chị ấy không?”. Tôi hỏi, ông trầm ngâm rồi trả lời: Không, chúng tôi chẳng trách chi cả, nó chồng chết sớm, một mình nuôi hai con khổ lắm rồi. Giờ chúng tôi có trợ cấp chế độ liệt sỹ nên cũng không đòi hỏi nhiều. Một tháng, con dâu vào ăn cơm vài lần, mua cho ít bánh đúc, bánh mướt, vài lạng thịt là đã được an ủi.
Anh Nguyễn Xuân Nông, nguyên là công nhân lái máy - trụ cột chính trong gia đình chị Hảo bị bệnh ung thư dạ dày. Gần 2 năm chống chọi với căn bệnh, bao nhiêu của nả trong gia đình cũng đổ hết cho những chuyến chữa trị. Cái chết của anh là một sự mất mát lớn của gia đình, nhất là khi đó hai cậu con trai đã học xong cấp III nhưng chưa có việc làm. Quá trình điều trị dài ngày cũng khiến gia đình tổn thất về kinh tế. Chị Nguyễn Thị Hảo - vợ anh trong hoàn cảnh đó đã “quá túng làm liều” và chủ tịch xã Nghi Trung là ông Phan Thế Hưng dù biết rõ hoàn cảnh “mười mươi” của gia đình chị Hảo (bởi hai người làm cùng trụ sở) nhưng vẫn ký vào tờ khai hoàn cảnh của gia đình. Trong đó có ít nhất hai thông tin không đúng thực tế, thứ nhất là bố mẹ anh Nguyễn Xuân Nông là ông Nguyễn Xuân Phác và bà Nguyễn Thị Mợi còn sống nhưng vẫn khai là đã chết. Thứ 2, mẹ đẻ của chị Nguyễn Thị Hảo, là người nội trợ ở nhà, không có thu nhập đáng lẽ là đối tượng duy nhất được hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng trong tờ khai lại là hưu trí.
![]() |
Ông bà Nguyễn Xuân Phác, Võ Thị Mợi đang sống nhưng được khai là đã chết. |
Cùng chung hoàn cảnh là của gia đình ông Nguyễn Ngọc Phúc ở xã Nghi Thạch, nguyên là cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Nghi Lộc. Bất hạnh đổ xuống gia đình, khi ông phát hiện mình bị ung thư da, căn bệnh ung thư hiếm gặp khiến gia đình phải đưa ông qua 11 bệnh viện nhưng vẫn không cứu chữa được. Biết mình không qua khỏi, trước khi chết ông đã họp gia đình, xin phép bố mẹ hai bên cho phép mình “khai tử” mẹ đẻ, mẹ vợ với mục đích là để đỡ đần phần nào khoản nợ mà vợ chồng ông đang phải vay mượn trong 3 năm đưa ông đi chữa bệnh. Ý nguyện của ông sau đó được toại nguyện và với hơn 30 năm đóng bảo hiểm, trong đó có nhiều năm làm lãnh đạo, vợ con ông được hưởng trợ cấp tuất một lần với tổng số tiền 165.000.000 đồng. Người “cổ xúy” cho hành động trên của gia đình là ông Đặng Bá Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thạch
Gặp tôi, sau khi gia đình đã tự nguyện trả lại gần 100 triệu đồng cho cơ quan BHXH, bà Mai Thị Tương (vợ ông Phúc) đã không giấu được sự ngậm ngùi. Bà bảo hoàn cảnh bà thời điểm đó, chồng chết trẻ, người con trai đầu đã tốt nghiệp đại học chẳng may bị tai nạn, chấn động não, bị di chứng thần kinh không bình thường, mẹ chồng thì quá đau xót cho hoàn cảnh của gia đình cũng đang trong cảnh “thập tử nhất sinh” nên gia đình bảo sao bà làm vậy. Bản thân bà cũng thấy có lỗi với bố mẹ hai bên và thấy xấu hổ với bà con chòm xóm nhưng đây là tâm nguyện cuối cùng của chồng, lại được thông qua gia đình nên “nhắm mắt làm liều”. Số tiền ấy khi đó cũng đã giúp trang trải một phần nợ nần, chữa bệnh cho con và thêm vào để bà gây dựng lại cửa hàng đã phải chuyển nhượng trong thời gian đưa ông đi chữa trị.
Nguyên nhân, bài học
Theo kết luận sau kiểm tra của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, chỉ tính riêng tháng 12/2013 đến nay, qua kiểm tra 40 hồ sơ chi trả chế độ tiền tuất ở cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Nghi Lộc có 19 hồ sơ đã giải quyết hưởng chế độ tử tuất một lần sai quy định với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Trong đó, ngoài 17 trường hợp là kê khai sai, khai khống bố mẹ, bố hoặc mẹ hai bên đã chết thì có hai trường hợp của ông Nguyễn Trung Thực và ông Nguyễn Văn Canh, thông tin trên tờ khai của thân nhân được kê khai trung thực, phản ánh còn có thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ tử tuất hàng tháng nhưng vẫn được giải quyết chế độ tử tuất một lần. Đây là một sự việc sai phạm nghiêm trọng, không chỉ vi phạm Luật BHXH mà còn trái với đạo lý, văn hóa truyền thống của dân tộc.
Với sai phạm này, trách nhiệm trước hết một phần thuộc về cán bộ BHXH mà cụ thể là cán bộ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Ở đây là ông Hoàng Anh Sơn, Nguyễn Thế Hùng, cán bộ của BHXH huyện Nghi Lộc. Cùng liên đới là bà Nguyễn Thị Thủy, chuyên viên phòng Tiếp nhận - Quản lý hồ sơ và bà Tạ Thị Thu Thủy, chuyên viên phòng Chế độ BHXH, Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ông Nguyễn Văn Kiện, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Nghi Lộc cũng thừa nhận: Sai phạm này còn có trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan bảo hiểm xã hội huyện bởi đã thiếu sâu sát, đôn đốc anh em trong quá trình kiểm tra, xác minh hồ sơ. Còn chủ quan khi tin vào những xác nhận của các cấp chính quyền địa phương.
Còn chính quyền địa phương các xã đã tắc trách trong việc ký giấy xác nhận sai sự thật, trong đó có 3 xã cấp bản sao giấy chứng tử sai quy định (cấp bản sao giấy chứng tử cho người còn sống, đó là UBND xã Đức Lập, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh, UBND phường Nghi Hương, Thị xã Cửa Lò và UBND xã Nghi Ân, Thành phố Vinh. Ngoài ra các xã Hợp Thành (Yên Thành), xã Nghi Hương (Thị xã Cửa Lò), xã Nghi Trung, Nghi Khánh, Nghi Thịnh, Nghi Long, Thị trấn Quán Hành, Nghi Thạch (huyện Nghi Lộc) đều có chủ tịch hoặc phó chủ tịch xác nhận sai vào bản khai của các gia đình.
Ngoài sự tắc trách, thiếu sự kiểm tra, ký nhận và xác minh dễ dãi, dư luận cũng đặt câu hỏi về việc có hay không sự tiêu cực trong vấn đề trên, bởi xét trên tổng thể từ lãnh đạo xã và cán bộ cơ quan bảo hiểm xã hội đều thấy rõ mục đích chính của các gia đình khi làm hồ sơ hưởng chế độ tuất cho các thân nhân. Sau sự ký nhận đó, có hay không quyền lợi của người xác minh hồ sơ, người tiếp nhận hồ sơ. Có hay không sự sai phạm có chủ đích mà đứng đằng sau đó là có sự chỉ đạo, hướng dẫn, hợp thức hóa các loại giấy tờ trong các quy trình thực hiện?
Hiện hai cán bộ có liên quan của cơ quan BHXH Nghi Lộc đã tạm thời không được bố trí công tác. Việc thu hồi số tiền chi trả sai cũng đang được cơ quan BHXH huyện Nghi Lộc tiến hành. Theo báo cáo đến chiều ngày 17/4, đã có 8 hộ tự nguyện nạp lại với số tiền 432 triệu đồng. Dự kiến thu theo cam kết của 19 trường hợp còn lại đến ngày 30/4 là 1.110.409.000 đồng (những trường hợp có đối tượng hưởng tuất hàng tháng sẽ được trừ dần vào số tiền nhận sai).
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Sỹ Dương, Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc khẳng định: Đây là một sự việc vi phạm pháp luật đáng tiếc. Do đó, huyện sẽ xử lý nghiêm vấn đề trên. Hiện Thường trực Huyện ủy đã giao Ủy ban kiểm tra kiểm tra và đã có kết luận. Ở các xã, đơn vị liên quan cũng đã tiến hành kiểm điểm những cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, do sự việc đang tiếp tục được cơ quan điều tra vào cuộc nên chờ kết luận của cơ quan điều tra để ra hình thức kỷ luật cuối cùng.
- Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 4/4/2014, UBND tỉnh đã có Công văn số 1990/UBND-TM gửi lãnh đạo các ban, ngành và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch, nhất là về thủ tục và trình tự cấp giấy chứng nhận chứng tử, tăng cường kiểm tra hồ sơ hưởng các chế độ BHXH, nhất là hồ sơ hưởng trợ cấp tuất; xử lý nghiêm các trường hợp ký xác nhận, cấp giấy chứng tử sai quy định và các hành vi vi phạm pháp luật khác về BHXH… - Theo quy trình tiếp nhận giải quyết chế độ tiền tuất đối với người đã đóng bảo hiểm từ 15 năm trở lên chẳng may bị qua đời có hai trường hợp: BHXH nhận hồ sơ từ đại lý chi trả (đối với người đã nghỉ hưu) và nhận hồ sơ tử tuất từ các chủ sử dụng lao động đến nộp tại một cửa BHXH các huyện (thành, thị). Sau khi kiểm tra hồ sơ về mặt thủ tục theo quy định sẽ được nhập vào dữ liệu và sau đó chuyển sang bộ phận một cửa của cơ quan BHXH tỉnh… Như vậy, với quy trình trên, ngoài những trường hợp nghi vấn phải xác minh lại thì những trường hợp đã đủ giấy tờ, có cơ quan, chính quyền địa phương xác nhận đầy đủ thì dễ dàng “qua” kiểm soát của BHXH huyện, tỉnh và qua nhiều bộ phận khác. |
Mỹ Hà