Niềm tin từ những cánh thư

19/05/2014 21:28

(Baonghean) - Bắt đầu công việc từ khi còn là cô nữ sinh 18 tuổi, nay đã gần 50, tài sản lớn nhất mà chị Trần Thị Thao, thuyết minh viên ở Khu Di tích kim Liên có được là những bức thư mà người dân trong cả nước gửi về cho chị sau những chuyến về thăm quê Bác. Có những bức qua thời gian, đã ngả màu, nhiều dòng chữ đã bị nhòa nét mực nhưng vẫn được chị cẩn thận giữ gìn như một báu vật... Mỗi dòng thư là một câu chuyện cũ theo ký ức ùa về...

Chị Trần Thị Thao cùng con gái bên những bức thư của du khách cả nước gửi đến.
Chị Trần Thị Thao cùng con gái bên những bức thư của du khách cả nước gửi đến.

Chị nhớ tới người lính già chị gặp lần đầu tiên năm 1994. Khi đó, mới 22 tuổi nhưng chị may mắn được giao trọng trách thuyết minh cho đoàn cán bộ sỹ quan cao cấp từ Quân khu 7 ra thăm quê hương Bác Hồ. Dù vẫn còn rất run, nhưng biết những người con miền Nam bao giờ cũng dành một tình cảm thiêng liêng đặc biệt với Bác Hồ nên chị đã cố gắng truyền hết cảm xúc trong bài thuyết minh của mình. Chị ngỡ ngàng không biết nói thế nào, khi sau buổi thuyết minh một người sỹ quan cao tuổi đến gặp chị với mong muốn: “Cháu ơi, cho bác ôm cánh võng của Bà Hoàng Thị Loan với”. Chưa kịp gật đầu, thì đã thấy ông ôm võng rồi khóc nức nở như một đứa con xa mẹ lâu ngày... Sau này, chị mới biết, ông là lãnh đạo cao cấp trong Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tình cảm của một vị tướng trước quê nhà của Bác khiến chị xúc động.

12 năm sau, chị lại gặp ông khi ông theo đoàn cán bộ hưu trí của Thành phố Hồ Chí Minh về thăm quê Bác. Ngỡ rằng, ông đã quên chị nên chị cũng không tiện làm phiền mọi người, chị hỏi người bác sỹ đi theo đoàn đó có phải là bác Ba, trước làm ở Quân khu 7. Sau đó, trên chuyến xe trở về, biết chuyện, ông rưng rưng nước mắt vì không tin rằng đã lâu lắm rồi, cô thuyết minh ở Kim Liên vẫn còn nhớ đến người lính già này. Về Sài Gòn, ông biên thư ra cho chị bằng những lời tâm sự rất chân thành: “Cháu Thao thương mến! Lần thứ 2 đến thăm quê Bác. Thấy cháu nhưng vẫn lo, không biết có đúng không, nên không tiện hỏi. Đến khi nghe cháu nói thì không còn nghi ngờ gì nữa. Đúng là cháu rồi. Mười hai năm cháu vẫn làm việc này, cháu làm một việc mà ai đã gặp cháu, nghe cháu nói đều cùng chung một suy nghĩ: cháu sinh ra để làm người thuyết minh, làm một đời, làm mãi mãi để truyền được sức mạnh của Hồ Chủ tịch cho những ai đã đến mảnh đất thiêng này. Sức mạnh ấy hiện nay đang rất cần cho Đảng và Nhà nước ta trong sạch vững mạnh thật sự”.

Một câu chuyện khác khiến chị không bao giờ quên đó là lần được gặp Hòa thượng Thích Chân Quang, một trong những thuyết giả được đánh giá cao và là tác giả của bài hát “Tổ quốc Việt Nam” với những lời ca đang làm rung động triệu triệu trái tim Việt Nam trong những ngày gần đây như “Tổ quốc ơi xin dâng lên cho người trái tim/Cùng nắm tay thương nhau cho tình lớn thêm /Niềm ước mơ chung xây núi sông đẹp ngời/Thề quyết tâm hy sinh giữ yên biển trời”. Chị nhớ rất rõ, hôm đó trong đoàn khách đến thăm quê ngoại Bác Hồ có một thanh niên nhìn rất bặm trợn, trên người đầy hình xăm.

Trông dáng vẻ như vậy không ai nghĩ khi nghe chị kể về câu chuyện ngày nhỏ của Bác Hồ, kể về Bà Hoàng Thị Loan, một mình gồng gánh con vào Huế để ứng thí cho chồng, người thanh niên bỗng ôm mặt khóc. Chị ngạc nhiên, ngay sau đó, chị đã kể câu chuyện trên cho thầy Thích Chân Quang nghe. Nghe xong, thầy bảo: “Một người nhìn lạnh lùng như vậy mà vẫn có thể rơi nước mắt được. Có lẽ câu chuyện của con đã động đến phần sâu nhất trong trái tim của họ. Làm được cho người khác rơi nước mắt cũng chính là giúp cho họ sửa mình đó con ạ!”.

Lời động viên ấy đã theo suốt chị từ ngày đó cho đến hôm nay và chị nhận ra dù công việc của mình chỉ lặng thầm, có người sẽ nhớ mãi mình nhưng cũng có người rồi sẽ lãng quên nhưng không hẳn là không có ích. Ít nhất cũng sẽ để những người một lần đến quê Bác hiểu được con người Bác Hồ, thấy được nơi Bác sinh ra và tự họ sẽ lý giải được vì sao một vùng quê nghèo như Nam Đàn lại sinh ra được một vĩ nhân, một người anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Cũng tại đây, chị mới hiểu được khi đã về bên Bác thì dù là một người lãnh đạo đứng đầu Nhà nước hay đơn giản chỉ là một người nông dân thuần túy, một người từ miền Nam ra hay là từ trên vùng Tây Bắc vào, là người Huế, Nghệ An hay Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… thì khi về đây đều xem Nam Đàn là quê chung và Bác Hồ chính là vị cha già của cả dân tộc. Điều đó cũng đã nói lên vì sao, ai về đây đều thấy như mình được trở lại tuổi thơ, lại muốn được đung đưa bên cánh võng, được nghe điệu ví, câu hò, nghe lời ru ngọt ngào của mẹ, của bà và muốn là cậu bé Sinh Cung theo cha nghe các thầy, các danh nhân, chí sỹ bàn chuyện quê hương, đất nước.

Riêng bản thân chị lớn lên từ làng Sen quê Bác, sự tôn kính với Bác Hồ đã được vun đầy từ những ngày còn thơ bé. Lớn lên, ngày ngày vào ra, chứng kiến những đoàn khách đi, khách đến chị ước mơ trở thành thuyết minh viên để mỗi ngày được kể câu chuyện của Bác Hồ. Niềm say mê, một lòng với công việc của chị nay cũng đang truyền sang cho lớp cán bộ trẻ, để rồi bằng tình cảm, bằng sự chân thành, bằng sự duyên dáng riêng, đội ngũ cán bộ thuyết minh thuộc Khu Di tích Kim Liên đã tạo được dấu ấn trong hàng triệu triệu du khách trong nước và quốc tế. Cũng chính họ đã góp phần đưa Kim Liên, Nam Đàn, quê Bác trở thành địa chỉ thiêng liêng, thành quê hương thứ hai trong tâm thức mọi người.

Mỹ Hà