Hậu cần nghề cá - Điểm tựa cho ngư dân bám biển
(Baonghean) - Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, HTX đánh cá Vạn Xuân nổi lên như một hiện tượng, ở đây có những chiếc tàu xa bờ đầu tiên của cả miền Bắc. Không giấu nổi tự hào ông Ngô Đình Thuyết - cựu Phó chủ nhiệm HTX Vạn Xuân “khoe” với chúng tôi, những ngày mà ông và ban chủ nhiệm vào tận Quảng Ngãi đóng một lúc 9 con tàu lắp máy 150CV với trọng tải 80 tấn. Và mỗi chuyến biển mỗi con tàu thu về cả cây vàng. Thời kỳ thịnh vượng đi Hàn Quốc thu nhập không bằng đi biển ở Vạn Xuân. Nghề biển phát triển kéo theo dịch vụ hậu cần cho nghề cá phát triển theo. Đây là một trong những điểm sớm nhất trong tỉnh ta hình thành đội ngũ chuyên làm dịch vụ cho nghề biển. Sau khi hợp tác xã giải thể đã hình thành ở Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc đội ngũ làm hậu cần cho nghề cá tương đối chuyên nghiệp. Hậu cần cho nghề cá là một trong những mắt xích quan trọng góp phần thành công cho nghề khai thác biển.
Một trong số đó là ông Ngô Đình Thuyết cựu Phó chủ nhiệm HTX Vạn Xuân. Khi hợp tác xã tan rã, ông xoay sang nghề cung cấp đá, dầu, đèn, thức ăn cho tàu xa bờ và cũng là người đứng ra “bao tiêu” sản phẩm cho những đội tàu đó. Theo mùa cá di chuyển đội tàu đi đến đâu là ông lại có mặt ở đó để tổ chức dịch vụ. Tháng 1,2,3,4 ngư trường Nghệ An; tháng 5,6,7 vào Đồng Hới; tháng 9,10 lại ra Thanh Hóa. Hiện nay ông đang làm dịch vụ cho hơn 10 tàu xa bờ từ Thanh Hóa vào đến Quảng Ngãi, mà chủ yếu là đội tàu của Nghệ An. Mỗi chuyến biển gia đình ông cung ứng bằng các sản phẩm cụ thể như đá lạnh, thức ăn, dầu đèn… Tàu công suất lớn thì vài chục triệu đồng, tàu công suất nhỏ thì dăm bảy triệu đồng. Khi tàu khai thác được cá báo về thì ông lại chuẩn bị tiêu thụ sản phẩm.
Bằng cách này ông thu hồi lại đồng vốn của mình, phần còn lại là của nhà nghề. Ông Đậu Hồng Kính - chủ một tàu xa bờ ở Nghi Xuân cho biết: Đã nhiều năm nay, ông “chung thủy” với “nậu” cá của ông Thuyết. Trước khi tàu về bến báo số lượng cá cho gia đình ông Thuyết, việc mua bán được thỏa thuận định giá trước. Bán xong cá trừ chi phí cho chuyến biển ông nhận số tiền còn lại chia cho bạn nghề. Chuyến biển mới đã có chủ “nậu” cung cấp đầy đủ, đến giờ xuất phát ông chỉ việc xuống tàu phát lệnh ra khơi còn anh em trên tàu chỉ làm nhiệm vụ đánh bắt. Nhiều chuyến biển thất bát, chủ “nậu” cũng sẵn sàng chia sẻ. Lúc tàu gặp sự cố, lên đà sửa chữa, chủ “nậu” cùng chung sức chia sẻ khó khăn. “Với cách làm này đã giúp cho ngư dân yên tâm bám biển sản xuất” - ông Kính chia sẻ.
Nghề cá ngày càng phát triển, cá bán tươi không hết ông Thuyết nghĩ đến xây dựng kho đông. Năm 2006, kho đông đầu tiên được xây dựng, cho đến nay riêng nhà ông đã có 4 kho trong đó một kho cấp, 3 kho bảo quản với trữ lượng hơn 200 tấn. Từ 1 kho ban đầu phát huy được hiệu quả đến nay xã Nghi Xuân đã có 6 cụm kho đông lạnh với trữ lượng lên đến hơn 4.000 tấn. Cá đưa về được phân loại rửa sạch xếp vào khay đưa vào kho cấp. Khi cá “chín” ở nhiệt độ -50 độ C được chuyển sang kho bảo quản ở nhiệt độ từ -15 độ C đến -20 độ C. Cá được bảo quản bán quanh năm. Từ hệ thống kho đông đã hình thành ở Nghi Xuân đội ngũ bán cá lẻ gần 100 hộ dân. Đó là những hộ làm nghề cá nướng, cá luộc, cá phơi… Cụm kho đông là nơi cung cấp nguyên liệu cho phát triển nghề này. Từ cụm kho đông, cùng với đội ngũ làm dịch vụ, với đội tàu hơn 40 người mỗi năm đem lại nguồn thu nhập khoảng 200 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% tổng giá trị sản xuất của xã.
Có thể nói dịch vụ hậu cần cho nghề biển đã trở thành hậu phương vững chắc, chắp cánh cho những đội tàu vươn khơi đánh bắt ngày càng nhiều tôm cá. Tại các địa phương vùng biển, đã từ lâu giữa người khai thác với người làm dịch vụ trên bờ có liên kết chặt chẽ. Chính mối liên kết này đã tạo nên hệ thống kho đông, các “nậu cá” tại các địa phương từ Quỳnh Lưu cho đến Cửa Lò. Riêng hệ thống kho đông đã lên đến vài trăm với trữ lượng lên đến hàng ngàn tấn. Đây là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho nghề cá phát triển.
Mối liên kết giữa khai thác với dịch vụ hậu cần nghề cá đã mang lại hiệu quả to lớn cho các bên. Trong quá trình phát triển nó giúp cho nghề biển được chuyên môn hóa, nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, lâu nay mối liên kết này chỉ mới dừng ở cá nhân với nhau. Nên chăng từ mối liên kết của cá nhân đó hình thành nên các hợp tác xã, tổ hợp để thống nhất, xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả của nghề biển.
Anh Tuấn