Chiến lược "xoay trục" sang châu Á của Mỹ: Đã khó nay còn khó hơn!
(Baonghean) - Trong tuần này từ ngày 23 đến 28/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến công du đến 4 nước châu Á, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Chuyến đi quan trọng nhằm tái khẳng định chủ trương “cân bằng chiến lược” và “xoay trục” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Vậy chính sách này được Mỹ khởi động từ khi nào, nội dung chính là gì và tại sao hiện nay nó lại đang gặp phải rất nhiều hoài nghi ngay từ các nước đồng minh của Mỹ?
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP |
Chương mở đầu của Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ
Khởi đầu vào thời điểm tháng 7/2009, khi đặt bút ký vào văn kiện xác nhận Mỹ tham gia “Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á”, ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton đã tuyên bố: “Chúng tôi đang quay trở lại Đông Nam Á”. “Quay trở lại” là một thuật ngữ đúng với trường hợp của Mỹ, bởi Mỹ đã hiện diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, tại Thailand, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, miền Nam Việt Nam, đảo Guam... Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của chính quyền miền Nam Việt Nam năm 1975, sự ảnh hưởng của Mỹ đã giảm xuống mức rất thấp ở Đông Nam Á. Đến tháng 11/2009, nhận thức trở lại được tầm quan trọng của cả khu vực châu Á, trong chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Obama đã tuyên bố mình là tổng thống “Thái Bình Dương” đầu tiên của nước Mỹ, với lý do ông sinh ra ở Hawaii và lớn lên ở Indonesia.
Tháng 11/2011, chính quyền Obama chính thức đưa ra quan điểm về việc “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương trong bản khuyến nghị chính sách của Ngoại trưởng Hillary Clinton lúc đó. Chiến lược “xoay trục” của Mỹ dựa trên hai trụ cột chính là kinh tế và quân sự. Một mặt, Mỹ thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại với châu Á, với dự án thành lập một khu vực mậu dịch tự do trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặt khác, từ nay đến 2020, Mỹ sẽ tập trung tới 60% lực lượng hải quân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù Mỹ luôn cẩn trọng tuyên bố rằng, chính sách mới không nhằm kiềm chế Trung Quốc và cũng không chỉ thuần túy là vấn đề an ninh nhưng giới phân tích cho rằng, cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines xung quanh bãi cạn Scarborough, tình trạng căng thẳng giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, rồi khi Trung Quốc bất ngờ tuyên bố về vùng Nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông đã buộc Mỹ không thể đứng ngoài cuộc.
Những hoài nghi chưa thể khỏa lấp
Có một thực tế là Mỹ chưa bao giờ rời tầm mắt khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng quá nhiều nguyên nhân đã khiến chính quyền của Tổng thống Obama chưa có sự quan tâm đúng mức với khu vực này. Trước hết, đó chính là mâu thuẫn nội bộ của nước Mỹ. Việc các chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Obama bị trì hoãn đến 3 lần từ năm 2010 đến nay đã cho thấy những mâu thuẫn phức tạp này. Trong khi đó, chính Đảng Dân chủ mà ông Obama hiện đang nắm Thượng viện lại không muốn ủng hộ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP. Việc Mỹ chưa thể mặn mà với châu Á còn là do trong thập kỷ qua, trọng tâm đối ngoại và tài chính của Washington tập trung vào cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan.
Thế nhưng khi sự quan tâm đã được đặt đúng chỗ thì thách thức tài chính lại được đặt ra. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã phải thừa nhận, kế hoạch tập trung vào “không - hải chiến” tại châu Á mà Mỹ đang hướng tới rất tốn kém. Ví dụ như việc mở rộng căn cứ quân sự Guam hiện giờ ước tính khoảng 8,6 tỷ USD, hay tổng chi phí cho việc tái bố trí lực lượng lính thủy đánh bộ có thể lên tới 12 tỷ USD. Nước Mỹ bây giờ đã khác, cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn ám ảnh khiến Mỹ không đủ tiềm lực để “vung tay” như trước. Những yếu tố này đã khiến sự nghi ngại về tính khả thi của chiến lược “xoay trục” của Mỹ ngày càng tăng.
Với chuyến công du 4 nước châu Á lần này, theo các nhà phân tích, khó khăn nhất của Tổng thống Obama là làm sao thuyết phục và xóa bỏ nghi ngại lãnh đạo các nước về vai trò của Mỹ tại khu vực, rằng Mỹ vẫn đặt trọng tâm chiến lược tại đây. Quan trọng là ông Obama sẽ có đối sách như thế nào để vừa làm dịu đồng minh nhưng cũng tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng Ukraine làm gián đoạn “lộ trình châu Á”?
Cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra đã tác động không nhỏ đến lộ trình quay lại châu Á của Washinhton. Bởi không ít thì nhiều, Mỹ đang và tiếp tục sẽ phải đổ tiền của vào đây, một mặt hỗ trợ tài chính cho Ukraine như đã hứa hẹn, một mặt phải tăng cường sự hiện diện quân sự trong thế đối đầu với Nga. Có hai luồng ý kiến về cuộc khủng hoảng Ukraine trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ. Luồng thứ nhất cho rằng, vì Ukraine mà Mỹ phải làm chậm tiến trình hướng về châu Á, trong khi phải thắt chặt quan hệ với Tây Âu để đương đầu với một nước Nga đang nổi lên mạnh mẽ. Vì thế, Tây Âu mới là trọng tâm trước mắt của Mỹ, còn châu Á - Thái Bình Dương nên đặt ở “thì tương lai”. Với quan điểm này thì Mỹ đang phải xoay xở cân nhắc liệu nên quay về hướng nào!
Với luồng ý kiến thứ hai thì lại khác, dường như cuộc khủng hoảng Ukraine lại là cơ hội để Mỹ “làm hỏng” mối quan hệ giữa Tây Âu và Nga - vốn luôn là mối lo của Mỹ. Bởi thế, cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là thời điểm tạm dừng cho chiến lược “xoay trục” sang châu Á, thế nhưng bước tiếp theo của Mỹ lại là tạo dựng chỗ đứng trên cả hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Nhưng dù nhanh hay chậm, khả thi hay chưa khả thi và mặc dù còn nhiều hoài nghi nhưng rõ ràng, chiến lược “xoay trục” sang châu Á, “tái cân bằng chiến lược” của Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục làm nóng đời sống chính trị của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phương Hoa