Hạn chế cơn nghiện thực phẩm

31/03/2014 20:24

Tăng cân và các biến chứng là những đặc điểm nổi trội ở người mắc chứng nghiện thức ăn. Để từ bỏ thói quen xấu này, hãy áp dụng một số lời khuyên trên Healthcentral.

Tìm động lực để thay đổi

Đối với người thích ăn suốt ngày, nên tránh để thực phẩm trong tầm tay - Ảnh: Shutterstock
Đối với người thích ăn suốt ngày, nên tránh để thực phẩm trong tầm tay - Ảnh: Shutterstock

Chỉ cần nghĩ đến một cơn đau tim sắp xảy ra hoặc nghĩ đến thời gian sống đang dần rút ngắn do thói quen ăn uống vô độ, bạn sẽ có thêm động lực để giảm bớt và dần từ bỏ. Mệt mỏi, chậm chạp là hệ lụy từ việc ăn uống quá độ và chắc chắn không sớm thì muộn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, ý nghĩ vợ chồng, con cái cũng bị liên đới vào việc mình đã gây ra sẽ khiến bạn tỉnh táo hơn.

Tìm sự thay thế phù hợp

Các loại thực phẩm thay thế lành mạnh là gợi ý tuyệt vời cho những người mắc chứng nghiện ăn. Chẳng hạn, nhiều người không thể ngừng uống soda nhưng nếu nghĩ đến những tác hại của nó, hãy lựa chọn loại nước khoáng chứa ít calo. Trái cây tươi là thay thế tuyệt vời cho bữa ăn nhẹ đầy chất ngọt. Với những thay đổi ấy, từ từ bạn sẽ tự động tiếp cận những lựa chọn lành mạnh.

Ăn chậm

Thói quen vồ vập và ăn thật nhanh những món ưa thích lâu dần sẽ trở thành hành động vô thức. Hãy bình tĩnh và cảm nhận vị ngon của thức ăn bằng cách ăn chậm nhất có thể và nhai thật kỹ. Cách ăn này cũng được biết đến là một trong những phương pháp giảm cân hiệu quả.

Tập thói quen nghỉ ngơi

Chứng nghiện ăn sẽ trầm trọng thêm nếu bạn rơi vào tình huống căng thẳng hoặc lo âu. Cách tốt nhất để chống lại căng thẳng là tạo điều kiện cho cơ thể được thả lỏng và hoàn toàn thư giãn. Thiền, yoga hay âm nhạc là gợi ý tuyệt vời cho những người lâm vào tình trạng này.

Nhận biết sự kích hoạt

Thông thường cơn nghiện ăn ập đến là do bị kích hoạt trước một cái gì đó. Cố gắng phân biệt chính xác các kích hoạt đó là gì. Nếu bạn là người ăn theo cảm xúc, hãy bình tĩnh và tập thói quen kìm hãm sự ham muốn chạm vào các loại đồ ăn.

Tránh để thực phẩm trước mắt

Một khi đã xác định nguyên nhân dẫn đến sự thèm ăn thái quá, hãy tìm cách hạn chế nhìn thực phẩm. Chẳng hạn, tránh treo hoặc để thức ăn ngay tầm mắt cũng như hạn chế lui tới bàn làm việc của đồng nghiệp có thói quen để thức ăn vặt trên bàn. Thức khuya cũng là nguyên nhân dễ xui bạn tìm đến tủ lạnh lục lọi thức ăn.

Hạn chế mua sắm

Thói quen ăn uống lành mạnh xuất phát từ việc mua sắm như thế nào. Nếu bạn không chọn loại thức ăn đó cho vào giỏ đồng nghĩa với việc về nhà bạn không có cơ hội tiếp cận nó. Biết kiềm chế có thể giúp bạn xóa sổ được chứng nghiện ăn.

Theo AloBacsi.vn