Đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp cá thể

28/05/2014 21:46

Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh và Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Đơn giản hóa thành lập DN, nhưng phải thắt chặt “hậu kiểm”

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo), một trong những thay đổi quan trọng trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là đổi mới phương thức quản lý Nhà nước đối với DN trên nguyên tắc DN được quyền chủ động kinh doanh tất cả những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng  Luật DN hiện hành quy định thông thoáng trong khi thành lập.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng Luật DN hiện hành quy định thông thoáng trong khi thành lập.

Để thực hiện được nguyên tắc này thì đòi hỏi danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng phải được xác định rõ ràng, cập nhật, công bố công khai để mọi DN dễ dàng nhận biết và thực hiện.

Do đó, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung Khoản 4 Điều 7 nhằm xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong tập hợp, công bố và cập nhật danh mục các ngành, nghề kinh doanh bị cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng do luật, pháp lệnh hoặc nghị định quy định trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước.

Về thủ tục thành lập và khởi sự kinh doanh, thuyết minh của cơ quan soạn thảo nhìn nhận, thực tế cho thấy những cải cách đơn giản hóa thủ tục thành lập DN theo Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005 đã tạo ra bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, huy động vốn, phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng đóng góp cho ngân sách. Tuy vậy, xét theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mức độ thuận lợi trong thành lập DN và khởi sự kinh doanh vẫn thấp hơn chuẩn mực trung bình của quốc tế.

Vì vậy, Bộ KHĐT cho rằng cần phải sửa đổi Luật theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, giảm thủ tục, giảm thời gian đăng ký thành lập DN và khởi sự kinh doanh; kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký DN với các thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, thảo luận về vấn đề này sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định thông thoáng khi thành lập DN, nhưng do khâu “hậu kiểm” không tốt dẫn đến gian lận thương mại, thực hiện không đúng cam kết, đặc biệt là DN kinh doanh có điều kiện làm ô nhiễm môi trường, rác thải, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Tán thành với quan điểm trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị cần có chế tài xử lý nghiêm những DN gây ra các hậu quả cho cộng đồng xã hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Văn Đương lại cho rằng, các quy định về thành lập DN quá thông thoáng, nhất là ngành nghề kinh doanh thương mại. Trong đó, không ít DN thành lập ra để trục lợi như in hoá đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng, kinh doanh chụp giật, làm hại DN làm ăn chân chính.

Trên cơ sở đó, đại biểu Đương đề nghị quy định chặt chẽ từ khâu “tiền kiểm” và “hậu kiểm” để tìm bằng được DN "ma" và xử lý nhằm thúc đẩy DN làm ăn chân chính phát triển.

Bên cạnh đó, đại biểu Đương cũng kiến nghị, DN Nhà nước chỉ tập trung làm những lĩnh vực mà tư nhân không làm được, chứ cứ để các dịch vụ công ích cho công ty Nhà nước làm dẫn đến độc quyền, tắc trách, làm ăn kém hiệu quả. Do đó, cần xã hội hoá đối với các lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được.

Đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) nêu hiện tượng nhiều DN xã hội lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để lập DN xã hội hay công ích để trục lợi để hưởng các ưu đãi, chính sách đầu tư, vay vốn… Đây là các vấn đề mà dự luật sửa đổi lần này phải lường trước để quy định chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, theo điều tra sơ bộ của Bộ KHĐT, thời gian gần đây ở nước ta, số DN xã hội đã ngày càng gia tăng và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế. Đây là DN mà lợi nhuận thu được chủ yếu dùng để tái đầu tư giải quyết vấn đề xã hội hoặc môi trường.

Hiện tại ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng có khoảng vài trăm DN xã hội hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo nghề, chăm sóc các nhóm người yếu thế, giải quyết các vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và xóa đói, giảm nghèo…

Đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa dịch vụ công chứng

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trước khi hoàn chỉnh lần cuối chính thức thông qua trong kỳ họp này.

Trong số 21 ý kiến phát biểu, đa số đại biểu đều ủng hộ việc chỉnh sửa đạo luật theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng. Tính chất công-tư hỗn hợp của hoạt động hiện nay được cho rằng sẽ thay đổi trong thời gian tới, vì vậy, nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” mà dự luật quy định không nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu.

“Dịch vụ công chứng hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt, các văn phòng đều được đầu tư và đề cao trách nhiệm nghề nghiệp với khách hàng. Tính phi lợi nhuận chỉ phù hợp với phòng công chứng do Nhà nước thành lập để đảm bảo cung cấp dịch vụ công chứng cho người dân tại những địa bàn khó khăn”, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đánh giá.

Phạm vi công chứng được đề nghị mở rộng hơn nữa so với Dự thảo Luật và căn cứ trên các ý kiến này, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định công chứng viên được thực hiện việc công chứng bản dịch giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại.

Đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản, nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình đã công chứng hoặc đang thực hiện việc công chứng.

Cùng với việc tạo thẩm quyền có “độ thoáng” hơn cho hoạt động công chứng, Quốc hội cũng tập trung góp ý việc xiết chặt hơn nữa nguyên tắc hành nghề ngành khá “nhạy cảm” này.

Theo đó, Luật phải có các quy định theo hướng tổ chức hành nghề công chứng phải chịu sự kiểm soát, hạn chế nhất định từ phía cơ quan Nhà nước, như giới hạn về địa bàn hoạt động, hình thức tổ chức hoạt động và chỉ được thu phí theo quy định của Nhà nước.

Về tiêu chuẩn công chứng viên, nhiều ý kiến ủng hộ quy định mới về việc ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn, công chứng viên cũng cần có kinh nghiệm thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực pháp luật và quy định thời gian công tác pháp luật là tiêu chuẩn bắt buộc của công chứng viên nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của công chứng viên vì khi ở một độ tuổi nhất định, có đủ trải nghiệm và kinh nghiệm thực tiễn thì công chứng viên sẽ có khả năng tốt hơn trong việc hành nghề công chứng.

Tương tự, cần có thêm quy định kéo dài thời gian đào tạo nghề công chứng như trong Dự thảo Luật nhằm khắc phục khiếm khuyết trong công tác đào tạo thời gian qua, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động công chứng và phù hợp với thời gian đào tạo các chức danh tư pháp khác như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư mà pháp luật hiện hành đang quy định.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm của công chứng viên. nhằm bảo đảm quyền lợi của người yêu cầu công chứng, giảm bớt áp lực trách nhiệm cho tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên trong quá trình hành nghề.

Đồng thời, quy định rõ hơn, thậm chí thành một điều khoản riêng về trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng và trách nhiệm bồi hoàn của công chứng viên trong trường hợp công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra thiệt hại cho người yêu cầu công chứng trong quá trình hành nghề.

Theo chinhphu.vn