Những nhà giáo đi B

21/04/2014 14:45

(Baonghean) - Tính từ ngày 22/5/1961 đến ngày 10/12/1974 - ngày mà “đoàn nhà giáo miền Bắc đi B” lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, có tất cả 31 đoàn với 2.752 nhà giáo. Trong số đó, theo thống kê chưa đầy đủ, có gần 200 nhà giáo Nghệ An,…

Những nhà giáo xứ Nghệ làm nhiệm vụ chi viện cho giáo dục cách mạng miền Nam, khi ra đi, đa số là cán bộ quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục nhưng cũng nhiều người là giáo viên mới ra trường, tuổi đời còn rất trẻ. Nhà giáo Chu Cấp (đi B năm 1965), nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thành 3 tâm sự: Khi ra đi, có thầy giáo phải gạt nước mắt từ biệt mẹ già, cha yếu; có cô giáo vừa phải vấn lên đầu vành khăn tang vì mới nhận được giấy báo tử của người anh ở chiến trường; có người vợ sắp sinh, trong khi nhà xiêu, vách nát;… nhưng tất cả đều quyết chí lên đường.

Vào miền Nam, anh chị em có mặt ở hầu khắp các chiến trường Nam bộ, cực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Quảng Trị,… Có người đi vào vùng Củ Chi ác liệt, vào Cà Mau, Đồng Tháp Mười; có người vào tận vùng giáp ranh giữa ta và địch. Tất cả đều với nhiệm vụ chủ yếu là bám dân, bám đất, vừa làm công tác đào tạo giáo viên, vừa xây dựng phong trào giáo dục vùng giải phóng, vừa chống càn, diệt ác, trừ gian. Và, mọi người đều đã vượt qua sự ác liệt của chiến trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong số đó có 14 người đã phải hy sinh; 4 người bị bắt, bị tù đày, bị tra tấn dã man nhưng vẫn giữ tròn khí tiết.

Cô giáo Lê Thị Bạch Cát, người con của Thị xã Cửa Lò, sau khi vào chiến trường, được phân công về khu Sài Gòn - Gia Định tham gia biệt động thành với bí danh Sáu Xuân. Tháng 5/1966, Sáu Xuân tham gia thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng. Tháng 3/1968, Sáu Xuân là Quận uỷ viên, Bí thư Quận đoàn quận 3. Trong trận đánh ác liệt không cân sức ngày 5/5/1968, Sáu Xuân đã bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí chỉ huy đồng đội chiến đấu, cầm cự với địch trong nhiều giờ. Khi không còn đạn, biết tình thế nguy cấp đang đến, Sáu Xuân ra lệnh cho đồng đội rút lui, còn bản thân mình ở lại cản đường địch bằng quả lựu đạn cuối cùng và đã anh dũng hy sinh. Để ghi nhớ tấm gương hy sinh của cô giáo xứ Nghệ Sáu Xuân - Lê Thị Bạch Cát, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định lấy tên cô đặt tên cho một trường trung học cơ sở và một con đường của thành phố.

Nhà giáo Lê Đăng Kiểu (đi B năm 1969), hiện nghỉ hưu tại xóm Kim Liên, Thị trấn Quán Hành kể: Vào miền Nam, ông cùng với một số giáo viên được phân công chi viện cho chiến trường Trung Trung bộ. Người về Ban Giáo dục Khu 5, người về các Ban Giáo dục tỉnh, huyện chỉ đạo, xây dựng phong trào giáo dục và vận động quần chúng tham gia cách mạng. Các ông đã có nhiều đợt xuống ấp, xuống xã vùng ven, vùng da báo mở lớp, dựng trường, tìm giáo viên tại chỗ ra đứng lớp. Nhiều lần, các ông đã lăn lộn cùng cán bộ, nhân dân các địa phương thực hiện rào làng, cài chông chống càn. Giữa các đợt “thọc sâu”, tranh thủ chút thời gian rảnh hiếm hoi, các ông lại trở về căn cứ trồng sắn, trồng khoai, nuôi gà, nuôi lợn,… để tự túc lương thực, thực phẩm. Và, trong những ngày chiến đấu gian khổ ấy, nhà giáo Phan Thanh Hoá (người xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, đi B năm 1969) đã phải hy sinh vì một trận oanh kích ác liệt của địch vào chiến khu Ba Tơ.

Nhà giáo Hoàng Tư Hậu (đi B năm 1973), hiện nghỉ hưu tại phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh cho biết: Sau ngày 30/4/1975, ông (dạy Hoá) cùng một đồng nghiệp (dạy Toán) được phân công đến kiểm kê, nhận bàn giao tài sản của Trường Đại học Cao Đài trong Toà thánh Tây Ninh. Trong trang phục bộ đội giải phóng, mũ tai bèo, chân dép lốp, hai ông đi bộ đến trường. Đón các ông trước sảnh hội trường là hai hàng chức sắc, giáo sư quần áo chỉnh tề, trước ngực có đeo thẻ ghi rõ chức vụ, học vị (người là giáo sư Thần học, người là giáo sư Sử học,…).

Khi bắt tay vào kiểm kê, ông biết họ không muốn hợp tác, không ưng “lính giải phóng”. Ở phòng thí nghiệm Hoá, hai nhân viên thí nghiệm luôn hỏi: “Thưa ông, không rõ lọ này đựng chất gì? Dụng cụ này tên gì?...”. Với ông - một giáo viên Hoá, các câu hỏi thăm dò của hai nhân viên thí nghiệm không thể làm ông lúng túng, ông đã vui vẻ trả lời họ. Được một lúc, các chức sắc, giáo sư mời hai ông nghỉ tay uống nước với thái độ nhẹ nhàng, trân trọng hiện rõ; bởi họ nhận ra hai ông là “lính có chữ”.

Gần 200 nhà giáo xứ Nghệ đi B đã mang theo vào chiến trường truyền thống của lớp lớp nhà giáo Nghệ An. Và chính họ đã phát huy cao độ truyền thống ấy, góp phần cùng dân tộc làm nên chiến thắng 30 tháng Tư.

Minh Đức