Luangprabang: Cố đô trên cao nguyên

10/04/2014 20:57

(Baonghean) - Trước đây, để đến cao nguyên Luangprabang ở phía Bắc của nước bạn Lào, chúng tôi đã phải vượt đường bộ với chặng dài từ Cửa khẩu Nậm Cắn, rồi phải ngược lên Thị xã Phôn - xa - vẳn của Xiêng Khoảng, vượt qua vô số đường đèo dốc mới qua được ngã ba Phu Khuon để đến Luangprabang. Giờ đây, khi đường bay Vinh - Viêng Chăn đã mở, mọi người sẽ có sự lựa chọn dễ dàng hơn để đến vùng đất trữ tình giàu bản sắc ấy.

Chúng tôi đến Luangprabang vào những ngày giữa tháng Tư để kiếm tìm một mùa Bunbymay kỳ thú. Luangprabang đón chúng tôi bằng những cơn mưa đầu tiên trong những ngày hội té nước sắp bắt đầu. Mưa đem đến sự viên mãn, niềm vui, đem đến bình yên, sự phồn thịnh và làm thanh khiết cuộc sống con người.

Khất thực ở Luangprabang. Ảnh Trần Duy Ngoãn
Khất thực ở Luangprabang. Ảnh Trần Duy Ngoãn

Buổi sáng đầu tiên, Luangprabang chờ chúng tôi trên đỉnh núi Phu Sỷ. Cái cảm giác được khám phá và chinh phục ngọn núi vươn giữa lòng cố đô khiến những bước chân trở nên mạnh mẽ, vững chãi. 328 bậc thang là con đường duy nhất để lên tháp Chom Sỷ ngự trên đỉnh núi. 328 bậc thang với biết bao hoài vọng cho những ký ức kinh kỳ xa xưa. Đâu đó dường như vẫn còn in dấu hài của những chính nhân quân tử trên nền gạch đất cao nguyên. Thảng hoặc trong gió mùi thảo hương của những vương phi, ái tử như còn vương lại sau mỗi lần hướng tìm sự thanh tịnh trong lòng mình ở chốn phật môn. Câu chuyện của ngày hôm qua luôn tạo cho lòng người nỗi tiếc luyến về một thời xưa cũ. Tháp Chom Sỷ và quần thể kiến trúc Phu Sỷ được xây dựng vào năm 1804. Kiến trúc của tháp vẫn là những nét kiến trúc thanh tao với mái ngói vút lên như nốt thăng trong trẻo của tiếng đàn tơrưng khi dâng khúc cao trào. Những người thiết kế và xây dựng ngôi chùa này hẳn không chỉ là những nhà kiến trúc sư, nghệ nhân tài ba với lòng ngưỡng mộ, đức tin vòi vọi hướng lên cõi phật. Họ thực sự còn là những nghệ sĩ khi tạc vào trời đất nét vẽ, tiếng thơ để nối gần hơn khoảng cách giữa đạo và đời.

Đứng trên Thạt Chom Sỷ nhìn xuống, người ta thấy một tấm thảm khổng lồ với gam chủ đạo màu hồng tươi. Xen từng nếp nhà, mái ngói là những rặng dừa xanh thẫm dễ làm ta liên tưởng đến mái tóc của các cô gái khi bước vào mùa Bun say đắm. Nhưng tạo hoá còn ưu ái cho Luangprabang nhiều hơn thế. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy rõ dòng Mê – Kông và dòng Nậm Khan. Tôi chợt nhớ đến câu nói của Hùm Pèng – Biên Tập viên của Đài Truyền hình Quốc gia Lào trong lần cùng anh tản bộ giữa cố đô Luangprabang dưới những gốc chăm pa cổ thụ tím ngắt màu hoa, rằng: "Sông Nậm Khan là dòng máu của cố đô, tiếp nhiệt huyết cho dòng Mê - Kông kỳ vĩ”. Và cũng có nhiều người chung nhận định: Nếu Mê - Kông được ví như người mẹ chảy mải miết quên tất thảy mọi vui thú của đời sống, thì Nậm Khan lại là đứa con tinh nghịch, khi đến gần Mê - Kông còn cố chạy song song một đoạn rồi mới chịu hoà vào sông mẹ.

Điều khá lý thú, theo tiếng Lào, "Khan" được hiểu theo 2 nghĩa: Nghĩa thứ nhất, "Khan" là đứa trẻ chưa biết đi; nghĩa thứ hai, "Khan" là chiếc đòn gánh. Tất nhiên mọi người có thể tự tìm cách cắt nghĩa để phù hợp với suy nghĩ, tâm trạng và cảm xúc riêng tư. Đối với chúng tôi, thì Nậm Khan đang là đứa trẻ đã cùng với sông mẹ Mê - Kông làm nên một ngã 3 trữ tình và tạo cho Luangprabang trở thành một bán đảo trên cao nguyên. Nhưng sự quyến rũ của Luangprabang còn đến từ cốt cách giàu bản sắc của nhiều thế hệ cư dân bản địa. Và không phải họ hấp dẫn du khách bằng sự huyền bí lạ lùng, mà họ thu hút người dân nơi khác bằng sự trầm tĩnh tự thân. Chắc rằng khái niệm "nền công nghiệp không khói" không có trong tư duy của phần lớn cư dân bản địa. Chính vì vậy, ở Luangprabang khó mà tìm thấy những dịch vụ xa xỉ, những nhà hàng khách sạn cao cấp hoặc những cách làm du lịch tiểu xảo do người Lào làm chủ. Và dường như có hay không có sự xuất hiện của du khách thì người dân Luangprabang vẫn vẹn nguyên cách sống, làm việc lành hiền như ngàn đời nay vẫn thế.

Ngay dưới chân núi Phu Sỷ là cung điện của Vương quốc Lào thuở xa xưa, nay là Viện Bảo tàng Quốc gia Lào. Thật khó mà diễn đạt được những nghĩ suy lẩn khuất trong lòng người. Kinh đô Luangprabang đã thuộc về lịch sử nhưng cái mà đô thị cổ có hôm nay lại hiện hữu bằng tất cả những màu sắc tôn quý mà bất cứ ai cũng phải trầm trồ kinh ngạc. Hoàng cung của Vương quốc vẫn cho thấy một giai đoạn phát triển cực thịnh của các triều đại phong kiến trước khi kinh kỳ chuyển dời đến Viêng – Chăn vào năm 1566. Quần thể hoàng cung gồm 3 công trình kiến trúc chính được sắp xếp theo hình thế tam tương. Ở giữa là cung điện chính, gắn liền với tên tuổi của vua Xi - Xa - Vang - Vong. Đó từng là nơi tụ họp, thảo bàn các đối sách vì sự hưng vượng cho vương quốc nằm bên dòng Mê - Kông giàu huyền tích…

Phía bên phải của Hoàng cung là Chùa Vàng Prabang - nơi cất giữ những điều linh thiêng dành cho đức Phật. Đất nước và con người xứ Ai - Lao xưa nay vốn ưa cuộc sống kín đáo khép mình, lấy trầm tĩnh làm thước đo cho mọi hoạt động trong đời sống vật chất và tinh thần. Vậy nên nhìn những phù điêu tinh xảo, những đường nét kiến trúc mềm mại, tinh tế thì mới thấy được cái hồn của con người trên đất nước Triệu Voi. Chùa Vàng được xây dựng để thờ Phật Prabang. Theo phong tục của người Lào, một ngày trước năm mới, Hoàng cung sẽ chuẩn bị các lễ vật, thỉnh rước tượng Phật Prabang từ cung điện chính về chùa Xiêng - Thoong làm lễ tắm rửa bằng nước hoa Chăm - Pa. Thời gian Phật Prabang ngự ở chùa Xiêng - Thoong là 3 ngày 3 đêm, Đội rước Phật Prabang gồm 16 nam thanh niên khoẻ mạnh.

Người ta thường nói đất nước Lào là trang sức của sông Mê - Kông. Còn chúng tôi lại nghĩ cố đô đã góp phần làm cho đất nước xứ sở hoa Chăm - Pa trở nên tròn trịa, đầy đặn hơn với niềm tin gửi vào thế giới tây phương cực lạc. Trên độ cao khoảng 700 m, với địa hình thoai thoải, Luangprabang luôn giữ được phong thái êm đềm và quyến rũ; lơ đãng và thi ca làm cho bất cứ ai khi đến đô thị cổ kính này đều như được đắm mình trong cái không gian huyễn hoặc của lòng mình. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Luangprabang được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 1995. Nhưng cái sự đương nhiên và ngẫu nhiên hẳn cũng không làm cho gần 2 vạn dân của đô thị ngã ba sông thay đổi. Minh chứng rõ nét nhất là những nếp nhà lô xô vẫn vẹn nguyên như khi chúng vừa mới cất xong. Cái nhãn quan sâu sắc của những nhà làm quy hoạch thuở khai sơ đã làm nên một Luangprabang thanh bình và lịch lãm.

Tại vùng đất cố đô hình tấm võng trên cao nguyên có sự hội tụ của 3 dân tộc chính là Lào Lùm, Lào Thơng và Lào Sủng nhưng tuyệt nhiên người ta không phân biệt được đâu là nhà của người Khơ - mú, đâu là nhà của người Mông. Tất cả đều chung một lối kiến trúc. Vừa thanh thoát, dung dị nhưng cũng ấm áp, duyên dáng. Lối quy hoạch theo kiểu bàn cờ lại càng làm cho các khu phố trong đô thị luôn đạt được sự cân xứng, hài hoà trong không gian phát triển chung. Đối với người dân Luangprabang, mỗi một ngôi nhà mà họ trú ngụ đồng thời là những công trình tôn nghiêm hướng lên giới khổ độ. Sống trong môi trường thấm đẫm hơi thở huyền vi của Phật, cư dân của kinh đô xưa quan niệm đời sống thực tại chẳng qua cũng chỉ là giây phút tạm thời trong luân hồi sinh - diệt.

Chính vì lẽ đó người ta mới hiểu vì sao ở đất nước Triệu Voi, nhất là ở Luangprabang những ngôi nhà to lớn đều không xuất hiện. Phần lớn các ngôi nhà đều không quá 2 tầng, và mỗi tầng cũng chỉ cao không quá 2,8 m. Đó thực sự là những nốt nhạc trầm làm cho cái cảm giác gần gũi, thân thiện luôn hiện hữu từng ánh mắt dịu dàng của Luangprabang dành cho du khách. Kiến trúc các công trình nhà ở dân sinh ngoài việc thể hiện rõ nét tính cách, phẩm hạnh và đức tin của cư dân cố đô còn cho thấy mối kết sánh hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Trên độ cao 700 m, với khí hậu nhiệt đới đặc trưng, có sự phân chia 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô, thành phố cao nguyên miền bắc trung Lào luôn phải gánh chịu những tác động khắc nghiệt của tự nhiên.

Chính vì vậy, việc cất những ngôi nhà thấp, ngói lợp 2 lớp đã hạn chế được cái nắng gắt trong mùa khô và giữ ấm không gian sinh hoạt gia đình trong mùa mưa lạnh. Cũng phải thừa nhận rằng, việc lưu giữ nguyên vẹn bản sắc, kiến trúc nhà ở và không gian cảnh quan ở Luangprabang ngoài yếu tố ý thức tự thân của cư dân bản địa, còn có sự đóng góp rất quan trọng của chính quyền sở tại. Đó là việc đưa ra các quy định cụ thể trong quản lý di sản. Nếu trước đây việc bảo tồn, giữ gìn di sản Luangprabang thuộc về Sở Văn hoá, thì nay thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý di sản UNESCO tại địa phương. Cách đây vài năm, nếu hộ dân nào muốn cải tạo nhà ở thì sẽ được Ban Quản lý di sản hỗ trợ 50% kinh phí. Tất nhiên với điều kiện giữ nguyên hiện trạng, kiến trúc vốn có.

Luangprabang thanh bình và quyến rũ, mơ màng và lơ đãng. Nhưng đó không chỉ là sự tiếc nhớ về một thời hoàng kim đã lụi tắt. Đô thị cố đô cao nguyên đón hiện tại và tương lai theo cách của riêng mình. Thiết tha và giản dị. Đó là thứ chưa khi nào đổi thay trên miền đất từng là chốn đô hội của các bậc đế vương cũng như của muôn lớp chúng dân xứ sở Chùa Tháp. Chắc hẳn đó là điều mà Luangprabang đã giữ chân những du khách đã đến cao nguyên thơ mộng này.

Đào Tuấn