Tình thầy, nghĩa bạn, ơn trường...

21/03/2014 10:35

(Baonghean) - Mái trường ấy, đã in sâu vào ký ức của những ai đã trưởng thành từ đó, không chỉ là mái trường của ba năm phổ thông, đó còn là nơi chúng tôi gửi gắm những ước mơ xanh thời trẻ, nơi chúng tôi định hình những hoài bão và được tiếp sức bởi lòng nhiệt huyết, sự tận tâm của các thầy, các cô. Mái trường ấy, đã hóa thành ký ức trong mỗi chúng tôi như một phần máu thịt, bởi ai ra đi từ đó cũng đều hiểu: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên)

1. Lớp chuyên Văn đầu tiên…

Về những lớp chuyên Toán của Nghệ An những năm cuối 1960 và đầu 1970, xin dành để cho các thầy như: thầy Tịnh, thầy Lệ, thầy Tuệ sẽ kể lại. Về phần tôi, tôi chỉ xin ghi lại những gì còn trong ký ức về lớp chuyên Văn đầu tiên...

Cựu học sinh khóa 24 ngày gặp mặt. Ảnh: H.H
Cựu học sinh khóa 24 ngày gặp mặt. Ảnh: H.H

Tháng 9 năm 1969, tôi đang là giáo viên của Trường THPT Yên Thành II thì có công văn của Ty Giáo dục Nghệ An điều động lên dạy Trường Trung cấp Miền núi Nghệ An đóng ở Tân Kỳ. Lên đấy được non một tháng thì có ông bạn của tôi ở phòng Giáo vụ của trường rỉ tai cho biết, tôi vừa có “trát” điều về dạy một lớp của tỉnh mới ra đời, ấy là lớp Năng khiếu môn Văn - còn gọi là lớp chuyên Văn - đặt ở Trường cấp 3 Đô Lương I lúc bấy giờ đang sơ tán tại xã Tân Sơn - Đô Lương. Tôi tức tốc khăn gói về Trường Đô Lương I và “hăng hái” xông vào dạy ngay lớp chuyên Văn đầu tiên ấy từ giữa tháng 10 năm 1969. Lớp chuyên Văn đầu đời của tôi, năm lớp 8 (tức lớp 10 bây giờ) chỉ vẻn vẹn có 38 học sinh, trong đó có 8 em nữ nguyên là những học sinh giỏi của các trường cấp II trong tỉnh tuyển về.

Tôi vừa dạy Văn, vừa làm chủ nhiệm lớp chuyên Văn đầu tiên này và sinh hoạt chuyên môn chung với Tổ Văn của Trường cấp 3 Đô Lương I. Còn các môn như Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa... do các thầy giáo các bộ môn khác trong trường phụ trách. Sau này khi đã có nhiều lớp chuyên Văn, tôi mới được cử làm Tổ trưởng bộ môn. Ngày ấy, sau Tết Mậu Thân, cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt, nên các em phải chịu nhiều thiếu thốn, từ cái ăn, cái mặc đến sách vở, bút giấy…

Phải nói rằng các em các lớp chuyên lúc bấy giờ rất ngoan, thông minh và hiếu học. Các em khá và giỏi toàn diện. Vì vậy, đòi hỏi chúng tôi, các thầy giáo cũng phải đọc, phải tự học, soạn bài và chấm bài cẩn thận, phần vì trách nhiệm, phần không muốn bị các em coi thường. Tuy vậy, sau các năm học, có những em vì không đạt yêu cầu về học lực vẫn phải rời chuyên Văn để về lại trường địa phương. Năm học lớp 9 chỉ còn 30 học sinh, đến lớp 10 chỉ còn 21 em.

Tháng 6/1972, kết thúc khóa học, đã có 9 người vào bộ đội. Những người còn lại phần lớn đều vào đại học, 6 em được sang học ở Liên xô cũ, một em sang Hung-ga-ri. Các em nói chung đều thành đạt. Một số em có bằng Tiến sĩ như Nguyễn Cảnh Hợp; Nguyễn Viết Ngoạn, Phan Hữu Thư, Chu Hải Thanh, Trương Đăng Dung… Ngoài ra, nhiều người đã trở thành nhà giáo, nhà quản lý Giáo dục và Đào tạo… Những học sinh ngày ấy nay một số đã nghỉ hưu… đã trở thành những vị “cao niên”, con cháu quây quần…

Thỉnh thoảng họ vẫn tổ chức những cuộc họp lớp để cùng nhau ôn lại một thời không thể nào quên, cái thời đói quá phải rủ nhau móc trộm khoai ngoài đồng để an ủi cái dạ dày thường xuyên lép kẹp! Những kỷ niệm đẹp vẫn theo tôi suốt cuộc đời. Những khuôn mặt cũ vẫn trở về trong hoài niệm. Những năm tháng ấy tôi nghĩ rằng, mãi mãi vẫn đẹp trong trí nhớ của thầy và trò. Đó là thời kỳ đất nước gian khổ, ác liệt nhưng rất hào hùng. Và cũng là những năm tháng gian khó mà không hết lạc quan của thầy và trò các lớp chuyên…

Rất cực mà vui tuổi học trò

Nụ cười tan biến mọi âu lo

Bát cơm mì hạt chan canh muống

Nhiều bữa ăn rồi chẳng thấy no?

Lạ cũng thành quen đời tập thể

Nỗi niềm ấm lạnh tấm chăn chiên

Chụm đầu mỗi tối che đèn học

Khát vọng len vào giấc ngủ yên…

(Một vùng ký ức)

Huy Huyền

(Trung Thành – Yên Thành)

2. Nhớ người bạn liệt sỹ

Năm 1968, sau khi thất bại nặng nề trong Chiến dịch Tết Mậu Thân, đế quốc Mỹ tăng cường ném bom bắn phá miền Bắc để chặn đường chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến miền Nam. Chúng tôi lúc đó bắt đầu bước vào học cấp 3 (lớp 8 hệ 10 năm trước đây). Lớp chúng tôi được Ty Giáo dục (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo) Nghệ An điều động từ các huyện trong tỉnh về học lớp “Toán đặc biệt” tại Trường cấp 3 Yên Thành II.

Về đây học tập, lớp chúng tôi khi đó có 27 bạn được chọn từ các huyện trong tỉnh qua một kỳ thi được tổ chức vào dịp đầu mùa hè năm 1968, trong điều kiện chiến tranh đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ đang vô cùng ác liệt, một số bạn không thể đến được trường thi, thậm chí có bạn đến trường thi với cánh tay bó bột trắng xoá đeo trước ngực. Lớp chúng tôi hầu hết đã quen nhau qua các kỳ thi học sinh giỏi huyện, tỉnh. Và nhất là dịp học lớp bồi dưỡng để tham dự kỳ thi chung khảo toàn miền Bắc vào tháng 2 năm 1968 (lúc đó nước ta còn bị chia cắt hai miền Nam - Bắc).

Lên lớp 9, chúng tôi lại được chuyển về học tập trung tại Trường cấp 3 Đô Lương II. Lúc này đã có đủ 3 lớp 8, 9 và 10 tạo thành khối C (gọi là khối Toán đặc biệt, đến năm học 1971 - 1972 được đổi tên thành khối chuyên Toán). Trong thời gian này, tại Trường cấp 3 Đô Lương I cũng hình thành khối chuyên Văn (Ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đã từng học ở đó). Khi đó điều kiện học tập của chúng tôi vô cùng khó khăn thiếu thốn. Lớp học chỉ có tranh tre, nứa mét. Nhà trường cho chúng tôi ở trọ trong các nhà dân. Có lẽ không có gì diễn tả hết những khó khăn vất vả của những học sinh chúng tôi lúc đó. Mới 13 - 14 tuổi đầu đã phải sống tự lập, cũng phải vào rừng kiếm củi, lên rẫy trồng sắn, trồng khoai. Cơm ăn tập thể độn toàn sắn với ngô, may mắn lắm thì có được bột mỳ Liên Xô luộc kỹ. Mỗi tháng chỉ có vài ba bữa có thịt còn toàn ăn cơm với rau. Chúng tôi thời bấy giờ có chế độ cung cấp về gạo và thực phẩm như cán bộ nhà nước và được hưởng phụ cấp 9 đồng/tháng. Tốt nghiệp năm đó, khoá học 1968 - 1971, lớp chúng tôi có 18 người được đi học đại học ở nước ngoài. Riêng bạn tôi, bạn Nguyễn Văn Tình, quê ở Thị trấn Nam Đàn đã xung phong lên đường tòng quân đánh Mỹ. Sau khi huấn luyện tại miền Bắc, bạn tôi đã theo đoàn quân Nam tiến chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên, rồi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong một trận chiến đấu gay go quyết liệt trên đường tiến về giải phóng Sài Gòn, bạn tôi đã anh dũng hy sinh trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng...

Hiện tại trên quê hương Thị trấn Nam Đàn, bố mẹ bạn tôi cũng đã mất, nhà cửa cũng đã nhượng bán cho người khác. Tại khu vườn năm xưa có xây một ngôi miếu thờ, trong đó thờ di ảnh bố mẹ bạn và di ảnh bạn tôi với tấm bằng “Tổ quốc ghi công” phủ đầy sương gió. Bạn tôi chưa có gia đình, ra đi khi còn tuổi thanh xuân…

Phan Xuân Hoá

(HS chuyên Toán NA khoá 4 (1968 - 1971))

3. Những đường viền xanh

Tôi nhớ thầy Bình dạy Hóa, hẳn là người gốc Bắc, vì cái giọng… đọc văn của thầy có một âm sắc rất lôi cuốn. Mà thầy đọc văn của ai mới được? Than ôi đó chỉ là những truyện ngắn đầu tay ngô nghê của tôi được đăng trên mục “Tác phẩm tuổi xanh” của báo Tiền Phong, hay những bài thơ của Đường Hải Yến (K20) trên báo Hoa Học Trò… Một thầy giáo dạy Hóa nhưng yêu văn chương kỳ lạ, và quan trọng hơn là yêu học trò. Một người quan tâm văn chương đến như thầy, hẳn thừa tinh tế để thẩm văn nhưng vì sao ngày ấy, vào mỗi giờ dạy của mình mà trùng với hôm chúng tôi có bài đăng báo, thể nào thầy cũng không quên dành ra mấy phút để đọc cho cả lớp nghe những câu văn ngô nghê của tôi và Yến. Một lời động viên ấm áp đến nỗi vào cái ngày giành được giải Nhất cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” do báo Tiền Phong tổ chức (truyện ngắn “Loài mèo”, năm 1995), tôi đã tưởng tượng ngay đến vẻ mặt của thầy hoan hỉ đến thế nào khi nghe tin đó.

Tôi nhớ thầy Đinh Văn Thông, nguyên Hiệu trưởng Trường Phan, khi một trong những kỷ vật mà tôi tiếc nhất là đánh mất bức thư thầy hiệu trưởng gửi học trò cũ. Ấy là năm tôi (bấy giờ đã là cô sinh viên năm nhất) theo báo Hoa Học Trò về kỷ niệm 5 năm thành lập báo và tri ân mái trường đã giúp cho Hội bút Hương Đầu Mùa bao nhiêu cây bút. Thì bất ngờ được bà Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thị Han (vợ thầy, cũng tới dự cuộc đó) dúi vào tay một bức thư. Xúc động thay là bức thư của thầy, viết từ bệnh viện, lúc thầy đã về hưu, chỉ để cảm ơn tôi đã viết một truyện ngắn về trường, trong tập truyện ngắn đầu tay mà trước đó tôi đã gửi tặng thầy. Trong đó, có đoạn tôi tả về cái “vườn treo Babylon” đơm đầy hoa cúc mặt trời mà thầy đã tự tay chăm bẵm trên ban công tầng 2 của tòa nhà mới. Và tôi đã ví nó như “một đường viền xanh đính những vầng mặt trời nhỏ”, “tha thiết choàng lên những tháng ngày trung học của chúng tôi”… Bức thư giờ đã bị thất lạc nhưng tôi vẫn còn nhớ như in trong thư thầy viết, một thầy giáo dạy Toán: “Thầy mừng vì đã góp phần giúp được một chút gì đó tươi sáng vào ký ức thời đi học của em và thật cảm ơn là em đã nhận ra rồi đưa nó vào những trang văn. Mong rằng sau này nếu có lúc nào đó thiếu vắng đi sự tươi sáng, em hãy thử một lần nhớ về “đường viền xanh” ấy của trường mình…”.

Lê Thị Thu Thủy

(Chuyên Văn K20)