Xây dựng mô hình sản xuất phù hợp ở mỗi địa phương
Ngày 24.3, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chủ trì hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm mô hình sản xuất cây giống công nghệ mới ở Huyện Đơn Dương, Lâm Đồng |
Trong 3 năm có 1.890 xã của 19 tỉnh, thành phố trong khu vực thực hiện chương trình; tổng kinh phí đã huy động để xây dựng nông thôn mới của khu vực là 141.354 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách trực tiếp 11.807 tỉ đồng, người dân đóng góp ước đạt 14.168 tỉ đồng, vốn lồng ghép 26.290 tỉ đồng, vốn tín dụng khoảng 85.171 tỉ đồng, doanh nghiệp hơn 3.000 tỉ đồng. Đến nay, hạ tầng nông thôn có bước phát triển rõ nhất như giao thông, thủy lợi, điện... Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng 10%, số hộ nghèo giảm 3%, bình quân thu nhập 120 triệu đồng/ha/năm.
Phó thủ tướng lưu ý các địa phương khi quy hoạch phải tính đến sản xuất hàng hóa lớn, có sự kết nối từ xã với huyện và với tỉnh. Cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất mới phát huy hiệu quả như liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp; liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm tránh tình trạng hàng hóa làm ra không tiêu thụ được. Mỗi địa phương cần phát huy thế mạnh của mình để xây dựng những mô hình sản xuất phù hợp; bên cạnh nguồn lực to lớn từ nhà nước, cần huy động doanh nghiệp, sức dân, các ngân hàng cũng cần nghiên cứu để có cơ chế phù hợp để người dân có thể vay vốn phát triển sản xuất một cách thuận lợi.
Theo Thanh Niên