Nâng cao năng lực thể chế cấp xã: Chiếc máy hữu ích

15/04/2014 20:15

(Baonghean) - Quá trình thực hiện “Dự án giảm nghèo thông qua tăng cường năng lực thể chế tại huyện Quỳ Châu và cấp tỉnh Nghệ An” (PORIS), các xã ở huyện Quỳ Châu được hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất. Trong những chương trình hành động, việc hỗ trợ người dân máy cắt giấy làm hương trầm đã góp phần tích cực phát triển nghề truyên thống. Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam.

Ông Lô Minh Nghi, bản Lầu 2, xã Châu Bình (Quỳ Châu) giới thiệu chiếc máy cắt giấy cuốn hương hiệu quả cao.
Ông Lô Minh Nghi, bản Lầu 2, xã Châu Bình (Quỳ Châu) giới thiệu chiếc máy cắt giấy cuốn hương hiệu quả cao.

Mùa sản xuất hương trầm trước Tết Nguyên đán 2014 của các vùng làng nghề huyện Quỳ Châu đạt được nhiều sản phẩm nhất từ trước tới nay. Kết quả đó, bên cạnh sự tín nhiệm của khách hàng về chất lượng, mùi thơm đặc trưng của hương trầm còn có yếu tố đóng góp tích cực của máy cắt giấy để cuốn hương được Dự án Poris tài trợ. Mới đây, chúng tôi đến bản Lầu 2, xã Châu Bình, gặp ông Lô Minh Nghi đang lau chùi, bảo dưỡng chiếc máy cắt giấy đã vận hành trong mấy tháng qua. Đánh giá về công năng của chiếc máy, ông Nghi cho hay: “Mùa làm hương vừa rồi, gia đình tôi được dự án tài trợ cho cái máy cắt giấy này đã phát huy hiệu quả rất cao. Mặc dù phải gia cố thêm một số chi tiết nhưng cái máy đã giúp gia đình tôi cũng như các hộ làm hương trầm trong bản cắt giấy vừa nhanh, vừa thẳng đẹp. Điều đó góp phần rút ngắn thời gian cắt giấy cuốn hương xuống còn 1/10 so với trước đây. Mùa làm hương Tết Nguyên đán vừa qua, hầu hết 100 hộ dân trong bản đã cắt giấy bằng máy…”.

Năm 2013, gia đình ông Nghi là 1 trong 4 hộ ở huyện Quỳ Châu được Dự án Poris tặng máy cắt giấy làm hương trầm. Mới đầu vận hành, nhiều người e ngại máy không đáp ứng được yêu cầu cắt giấy mỏng phục vụ cuộn hương, nhưng sau khi các hộ nhận máy gia cố thêm một vài chi tiết, những chiếc máy cắt giấy đã phát huy tác dụng tích cực. Nếu như trước đây, việc cắt giấy cuốn hương bằng hình thức thủ công mất gần một ngày công cho việc cắt một cuộn giấy nặng 16 kg. Nhưng khi cắt bằng máy chỉ mất khoảng 15 phút với chi phí tiền điện khoảng 20 nghìn đồng. Ông Nguyễn Tiến Ngự ở khối 2A - Thị trấn Tân Lạc được tài trợ máy cắt giấy cuốn hương phấn khởi khoe: “Trước đây chúng tôi cắt giấy hương bằng thủ công bị rộp cả tay, mất nhiều thời gian nhưng bị rách giấy rất nhiều. Khi cái máy này hoạt động, cả khối đều đưa giấy đến cắt, đảm bảo nhanh chóng, tăng năng suất, sản lượng hương trầm”. Thị trấn Tân Lạc có trên 80% hộ dân làm nghề truyền thống cuốn hương trầm. Sự phát triển của làng nghề làm thay đổi rõ rệt đời sống của bà con, nhiều hộ có nhà cửa khang trang, mua sắm ô tô và những vật dụng tiện ích khác.

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của triển khai Dự án Poris, ông Đậu Công Hà - Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Tân Lạc khẳng định: “Dự án nâng cao năng lực thể chế cấp xã đã góp phần rất lớn trong việc tập huấn, nâng cao kỹ năng lập kế hoạch cấp xã, thị. Bên cạnh hệ thống kiến thức, kỹ năng, chúng tôi được dự án hỗ trợ các công trình phúc lợi như nhà sinh hoạt cộng đồng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Đặc biệt, những chiếc máy cắt giấy tài trợ cho các nhóm hộ sản xuất hương trầm đã góp phần giải phóng sức lao động rất lớn và nâng cao năng suất so với những năm trước đây. Chính vì vậy, từ 2 chiếc máy của dự án tài trợ, đến nay, các hộ dân ở thị trấn đã tự bỏ tiền mua thêm 4 máy cắt giấy phục vụ sản xuất hương trầm. Thông qua mô hình này, dự án đã tác động đến chính quyền và người dân trong việc tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu suất lao động”.

“Dự án giảm nghèo thông qua tăng cường năng lực thể chế tại huyện Quỳ Châu” triển khai trong vòng 3 năm qua đã xúc tiến phát triển kinh tế, xã hội hướng tới giúp đỡ chính quyền và người nghèo thông qua hỗ trợ cải cách hành chính cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Với mục tiêu đó, Dự án Poris tập trung các giải pháp cải thiện việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm tại cấp xã. Quá trình thực hiện, dự án phối hợp chặt chẽ với huyện, xã đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tế và tăng cường hỗ trợ sản xuất, giúp người nghèo tại thôn bản phát triển sản xuất, chăn nuôi. Theo đó, những năm qua, dự án đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho các xã xây dựng các công trình phúc lợi, kích thích phát triển sản xuất, góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nguyên Nguyên