Để di tích không thành phế tích

10/04/2014 18:25

(Baonghean) - Là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời với hàng ngàn công trình văn hóa, kiến trúc, di tích lịch sử trong đó có hàng trăm công trình đã được xếp hạng nhưng hiện nay, có nhiều di tích đang xuống cấp trầm trọng, đang biến thành phế tích. Dẫn đến thực trạng trên, ngoài nguyên nhân khách quan là thời tiết khắc nghiệt, thiên tai bão lũ thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người.

Di tích dòng họ Hồ đại tôn (xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu).
Di tích dòng họ Hồ đại tôn (xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu).

Nhiều cách làm sáng tạo

Chúng tôi về xóm 13, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương vào một ngày đầu tháng 4. Thời tiết chuyển mùa, oi bức nhưng khung cảnh làng quê rất yên bình. Đi hết con đường đất nối từ đường liên xã vào xóm, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là chiếc giếng làng có đường kính hàng chục người ôm. Cạnh giếng là một gốc đa lớn đang được che chắn cẩn thận. Xóm trưởng Hoàng Văn Nam cho biết, hệ thống giếng làng vừa được bà con trong xóm góp tiền để trùng tu. Cây đa bên giếng cũng là của một hộ dân trong làng tặng lại xóm để trang trí lại cảnh quan, làm đẹp thêm giếng làng. Ông xóm trưởng dẫn chúng tôi đến ngôi đền Đậu ở cách giếng nước không xa. Ấn tượng đầu tiên của đền là một cây sanh khổng lồ hình con rồng nằm ngay ngoài cổng. Bước lên hạ điện và thượng điện của đền Đậu, mọi người đều bất ngờ trước vẻ đẹp cổ kính, lối kiến trúc tinh xảo của ngôi đền này. Cả 2 tòa thượng điện và hạ điện làm bằng gỗ, mỗi tòa 3 gian, 2 hồi, 2 mái hiên. Cột đền và các kết cấu khác như hạ, hoành, vì kèo đều được làm bằng mít nguyên khối, phần rui và mè được làm bằng lim, phía trên lợp ngói âm dương. Ở tất cả các vì kèo, xà nhà của đền đều được chạm trổ tinh vi và còn giữ được nguyên bản.

Theo thời gian, đền Đậu chịu cảnh xuống cấp khá trầm trọng. Một phần của nhà hạ điện đã bị sập xuống, toàn bộ phần cửa gỗ trong đền đã bị hư hỏng, một số vì kèo cũng bị mục nát vì mưa gió thời gian. Ông Trần Văn Thiệu, Trưởng Ban quản lý di tích đền Đậu cho biết, dù người dân trong xóm đang nghèo nhưng từ năm 2000, nhiều cụ cao niên trong làng đã đứng ra vận động người dân góp tiền để thuê thợ mộc về tu sửa lại phần đền bị sập. Ròng rã cả tháng trời, người dân trong làng đã thay nhau nuôi thợ mộc, không ngại bán lúa non, thóc giống để trả tiền công cho thợ và kết quả là cuối năm đó, phần sập của ngôi đền được tu sửa thành công. Để ngôi đền thực sự phát huy hiệu quả, ngoài vấn đề tâm linh thì Ban cán sự xóm 13 đã quyết định biến nhà hạ của đền thành nơi họp xóm trong bối cảnh xóm còn nghèo, chưa xây được nhà văn hóa. Chính sáng kiến này đã góp phần gắn kết ngôi đền với cuộc sống của người dân, khiến ai cũng có trách nhiệm phải làm điều gì đó để lưu giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông. Dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, Ban quản lý đền và Ban cán sự xóm đã cùng nhau vận động được hơn 30 triệu đồng để trùng tu lại một số hạng mục, tu sửa giếng làng trước đền. Chính trách nhiệm của người dân đã giúp cho ngôi đền có lịch sử hơn 200 năm này còn giữ được những nét đẹp nguyên sơ, nguyên bản.

Với địa thế đắc địa, tọa lạc trên ngọn núi Quy Lĩnh, lưng tựa núi, mặt hướng biển, đền Quy Lĩnh bao đời nay là biểu tượng tâm linh của người dân làng biển Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu. Trên diện tích 0,5 ha, đền được phục dựng với đầy đủ kiến trúc cổ xưa (gồm tòa nhà thượng điện, hạ điện, hậu cung…) nằm uy nghiêm trước biển cả. Được xây dựng từ thời nhà Trần là nơi tôn thờ và tưởng niệm những người đã có công giúp dân giúp nước, đền Quy Lĩnh là nơi phát tích đầu tiên thờ “tứ vị thánh nương”. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, kiến trúc cổ của ngôi đền bị hư hỏng nhiều. Mặc dù trong đền vẫn còn lưu giữ được nhiều tư liệu, hiện vật cổ có giá trị như sắc phong, thần phả, long ngai, bài vị… Để phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của ngôi đền cổ, từ năm 2006, xã Quỳnh Lương đã chủ trương phục dựng lại ngôi đền. Bà Hồ Thị Hải – Trưởng Ban Văn hóa xã cho biết “Đền được phục dựng lại với kinh phí gần 4 tỷ đồng. Trong đó ngân sách địa phương chỉ gần 1/4, còn lại là từ nguồn xã hội hóa. Để huy động được sức dân, xã đã thành lập ban vận động; liên hệ với các hội đồng hương con em địa phương ở các tỉnh trên cả nước để kêu gọi sự ủng hộ; đến trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn; ngoài ra thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã về ý nghĩa của Di tích Lịch sử đền Quy Lĩnh cũng như kế hoạch phục dựng”.

Theo ông Trần Đức Dũng – Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳnh Lưu, nhìn chung trên địa bàn huyện, ban quản lý các di tích đền, đình, nhà thờ họ rất tích cực vận động xã hội hóa với nhiều hình thức sáng tạo. Nhờ vậy, nguồn kinh phí để thực hiện công tác phục dựng cũng như trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn phần lớn dựa vào sức dân, huy động nhân lực và vật lực từ dân. Đến nay ngoài 23 di tích được xếp hạng, 8 di tích khác trên địa bàn cũng đã trình hồ sơ lên ngành Văn hóa huyện chờ được xem xét. Với những di tích lịch sử văn hóa có kế hoạch trùng tu, tôn tạo, chúng tôi đều yêu cầu làm tờ trình để xin ý kiến Ban quản lý di tích và thực hiện đúng theo Luật Di sản”.

Đền Đậu, xã Thanh Hà (Thanh Chương) được bảo tồn nguyên vẹn.
Đền Đậu, xã Thanh Hà (Thanh Chương) được bảo tồn nguyên vẹn.

Nhiều di tích thành... phế tích

Không phải địa phương nào cũng làm được như vậy. Tại di tích đình Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, ngôi đình được xem là độc nhất vô nhị của miền Bắc, là di tích cấp quốc gia nhưng hiện đang trở thành phế tích. Nếu không có biện pháp tu sửa kịp thời, ngôi đình cổ này chắc chắn sẽ bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Nguyên nhân xuống cấp của đền, một phần do dự án trùng tu, tôn tạo bị chậm vì thiếu kinh phí. Nhưng, nếu như trong bối cảnh ấy, chính quyền xã Khánh Sơn có các biện pháp tích cực và thể hiện sự quyết tâm bằng cách kêu gọi các tổ chức đoàn, thể, hội ở địa phương có biện pháp giúp đỡ ngôi đền, thường xuyên có các hình thức sinh hoạt cộng đồng và tâm linh tại đình, gắn các hoạt động của địa phương với những giá trị văn hóa, nghệ thuật của ngôi đình quý và tích cực có các hình thức đóng góp xã hội hóa để trùng tu ngôi đình thì chắc chắn đình Hoành Sơn đã có một diện mạo khác.

Tương tự, ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, từ lâu nay, đền Rậm được biết đến với quần thể di tích độc đáo, linh thiêng và có kiến trúc cổ kính. Năm 2008, đền được đón nhận Bằng Di tích Lịch sử Kiến trúc - Nghệ thuật quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, đền Rậm đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Mái đền dột nát, nhiều hạng mục bằng gỗ trong đền đã bị mục rỗng, đổ sập lúc nào không biết,… Cách Hưng Nhân không xa, di tích nhà ông Hoàng Viện ở xã Hưng Châu cũng chung hoàn cảnh. Đây là nơi hoạt động, chỉ đạo cách mạng của Xứ ủy Trung Kỳ những năm 1930 - 1931 và được công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1991. Thế nhưng, hiện nay, di tích này đang xuống cấp nặng nề. Hầu hết các vì kèo xà cột đã bị mối mọt đục rỗng, ngôi nhà đang được gia cố bằng những chiếc cọc tre. Các tấm di ảnh dựng ngổn ngang dưới đất bám đầy bụi bẩn,…

Khi nói về sự xuống cấp của các di tích trên địa bàn, nguyên nhân đầu tiên là vấn đề kinh phí. Vì thiếu kinh phí nên các dự án trùng tu ở đình Hoành Sơn, đền Rậm, nhà ông Hoàng Viện cũng như nhiều di tích khác trên địa bàn đang phải dừng lại hoặc làm giữa chừng khiến di tích đang trở nên hoang tàn, xuống cấp. Ban Quản lý Di tích Danh thắng Nghệ An cho biết, cả tỉnh có 1.195 di tích, trong đó có 288 di tích được công nhận, 125 di tích cấp quốc gia. Nguồn kinh phí hàng năm cho việc trùng tu đang bị giảm xuống. Năm 2014, tỉnh Nghệ An được bố trí 900 triệu đồng tiền trùng tu di tích từ ngân sách của tỉnh và chương trình mục tiêu quốc gia. Số tiền này là quá ít trong bối cảnh có quá nhiều di tích đang bị xuống cấp trầm trọng. Điều này khiến cho việc sửa chữa chỉ mang tính nhỏ lẻ, manh mún và không thực sự hiệu quả. Thế nhưng, ngoài vấn đề kinh phí thì phải nói đến ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân địa phương đối với di tích, với lịch sử.

Nếu chính quyền địa phương và nhân dân có cái nhìn đúng đắn, có sự trân trọng, có ý thức bảo vệ, giữ gìn thì chắc chắn các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật sẽ không bị xuống cấp. Nếu chính quyền địa phương và ban quản lý di tích không biết đưa di tích vào cuộc sống, vào sinh hoạt văn hóa và tâm linh, gắn chặt quyền lợi cũng như trách nhiệm của người dân với các di tích cũng như có các hình thức xã hội hóa hợp lý, để người dân làm chủ di tích thì chắc chắn sẽ còn nhiều di tích bị sớm biến thành phế tích.

Khoa – Nguyệt