Chính phủ Anh lỗ to vì... tăng giá học phí

30/03/2014 18:17

(Baonghean) - Những cảnh báo liên tiếp được đưa ra kể từ sau khi chính phủ Anh thực hiện cải cách giáo dục, tăng học phí tại các trường đại học tại nước này lên gấp 3 lần. Bắt đầu từ tháng 9 năm 2012, 124 trường đại học Anh quốc được phép tăng học phí và hai phần ba trong số đó đã tăng học phí lên đến mức trần tối đa được phép, tức 9000 bảng Anh/năm. Mức trần trước đó được chính phủ đưa ra là 3000 bảng.

Cùng với việc tăng học phí, chính phủ cũng giảm 40% số tiền trợ cấp cho các trường đại học, đồng thời hứa hẹn cho sinh viên vay tiền với lãi suất ưu đãi trong thời hạn tối đa là 30 năm, được bảo lãnh bởi nhà nước. Theo như chính sách này thì những sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ không phải hoàn trả lại một đồng bảng nào một khi thu nhập của họ chưa vượt quá 21000 bảng một năm. Vượt qua hạn mức này, tiền trả nợ hàng tháng sẽ không vượt quá 9% thu nhập của họ; nhưng nếu họ kiếm được hơn 41000 bảng một năm thì tỉ lệ lãi suất được áp dụng sẽ là tỉ lệ của lạm phát, tăng 3 điểm.

Một tiết học của học sinh Trường Writhlington ở hạt Somerset, tây nam nước Anh.
Một tiết học của học sinh Trường Writhlington ở hạt Somerset, tây nam nước Anh.

Với tình hình hàng chục tỉ bảng được cho vay hàng năm, tổng số nợ của sinh viên lên đến 46 tỉ bảng vào năm 2013 và 3 triệu sinh viên đảm bảo hoàn nợ. Chính sách cho sinh viên vay tiền được đưa vào áp dụng từ năm 1998. Theo báo cáo của Uỷ ban tài chính công đưa ra ngày 14 tháng 2 năm 2014, với đà này, số nợ sẽ đạt đến 200 tỉ bảng Anh từ nay cho đến 2042 với 6,5 triệu người vay. Tuy nhiên gần đây, tỷ lệ nợ không được trả đạt đến 45%, thay vì con số được dự đoán là 28 đến 30% khi mà cải cách được áp dụng vào năm 2010, tin đưa bởi nhật báo The Guardian vào ngày 21 tháng 3 năm 2014. Kết quả này thậm chí vượt xa khỏi những dự báo bi quan nhất và sẽ dễ dàng vượt khỏi con số "tử" 48,6%, hạn mức mà nhà nước sẽ bị thiệt hại nhiều hơn so với chính sách cũ được thay thế.

Bản báo cáo của Uỷ ban tài chính công còn chỉ ra rằng chính sách thu hồi nợ của nhà nước còn sơ sài và kém hiệu quả. Mỗi năm, cơ chế này tiêu tốn không ít hơn 27 triệu bảng và thu về 1,4 tỉ bảng, bất lực trong việc giám sát các sinh viên vay tiền, đặc biệt là đối với những sinh viên đi ra nước ngoài. Ngay cả cơ chế bán lại gói vay nợ giá thấp cũng gây lỗ: tháng 11 năm 2013, nhà nước bán hàng loạt gói cho vay có mệnh giá 890 triệu bảng với giá 160 triệu bảng!

Một hậu quả khác của cải cách giáo dục là sự giảm sút đáng kể lượng sinh viên năm học 2012-2013: giảm 5,5% tức 27.000 sinh viên so với năm học 2011-2012. Năm 2013, số lượng thí sinh (chứ không phải số trúng tuyển) tiếp tục giảm 3,5%. Rachel Wenston, Phó Chủ tịch Công đoàn sinh viên NUS (Hội liên hiệp Sinh viên quốc gia) lên án cải cách giáo dục vào ngày 18 tháng 3 năm 2013 như là "một cải cách theo chủ nghĩa lý tưởng phi hiện thực", nhận định rằng "cơ chế hiện tại tốn kém hơn cơ chế cũ mà nó thay thế nhiều" và yêu cầu "khẩn cấp xem xét lại toàn bộ cơ chế". Được biết, chính sách "full cost" (chi phí đầy đủ) được Anh thử nghiệm ở quy mô lớn này nhằm làm cho sinh viên phải trả số chi phí thực của chế độ giáo dục mà họ thụ hưởng với sự trợ giúp của nhà nước bằng các gói vay do nhà nước bảo lãnh. Tại thời điểm mà nó được đưa ra, đã gây lên những cuộc tranh luận gay gắt không chỉ trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, điều hoàn toàn dễ hiểu khi mà nền giáo dục Anh quốc là một trong những nền giáo dục lâu đời và có uy tín nhất nhì thế giới.

Một sự thật hiển nhiên từ trước đến nay là khác với nhiều quốc gia như Pháp chẳng hạn, học phí đại học không được miễn phí ở Anh. Đây cũng là điều khiến cho Anh trở thành một trong những điểm đến du học đắt đỏ nhất, mà người ta thường nhắc đến như là một "thiên đường" chỉ mở cửa đón những người thuộc tầng lớp cao trong xã hội. Hoặc bạn phải có nhiều tiền hoặc bạn phải cực kỳ xuất sắc nếu muốn bước chân vào cánh cổng đại học Anh quốc. Như vậy, dễ thấy con đường mà Anh đi theo là sự chọn lọc, có cái gì đó gần như là phân chia giai tầng với mức độ tăng tiến dần theo bậc học.

Nếu như ưu điểm của chính sách này là việc đảm bảo chất lượng nhất định cho giáo dục, cũng như việc tạo áp lực, ràng buộc trách nhiệm, cổ vũ sự phấn đấu của sinh viên thì những nhược điểm cũng không hề nhỏ. Thứ nhất, tạo điều kiện cho phân biệt, kì thị giai cấp trong xã hội, dù rằng chênh lệch và phân chia giai cấp giàu - nghèo là một trong những đặc trưng của xã hội tư bản (nhất là với một xã hội lâu đời bảo thủ như Anh). Bản thân xã hội Anh vốn đã tồn tại những vấn đề giữa các sắc tộc, bởi không như Mỹ, đất nước được mệnh danh là "nồi lẩu văn hoá" nhờ sự hoà quyện giữa các cộng đồng nhập cư, các cộng đồng ở Anh vẫn khá là biệt lập. Đó cũng là lý do khơi mào một cuộc tranh luận nóng khác ở Anh về việc thay đổi luật quốc tịch đối với người nước ngoài nhập cư mà xin phép không bàn thêm ở đây.

Như vậy, có thể thấy ngay chính những quốc gia phát triển có nền móng vững chắc về giáo dục cũng không ngừng tìm kiếm, cách tân với mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, không chỉ để đào tạo thế hệ trẻ trong nước mà còn nhằm thu hút nguồn chất xám từ nước ngoài. Tuy nhiên, không phải sự thay đổi nào cũng đem lại kết quả tốt, hay chí ít là tốt hơn cái cũ. Đây cũng là bài học mà chúng ta nên tham khảo, trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đứng trước nhiều thay đổi.

Nấm Linh Chi