Dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ Trung Quốc

13/05/2014 09:25

(Baonghean) - Hàng loạt các tờ báo lớn của Anh, Mỹ, Singapore… tiếp tục đăng tải nhiều thông tin về những diễn biến liên quan đến tình hình Biển Đông, trong đó đề cập đến bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và đặc biệt nhấn mạnh sự đồng thuận của ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 vừa bế mạc ngày hôm qua (12/5) tại Mianma.

Tạp chí Phố Uôn (WSJ) và Thời báo Niu Yoóc (NYT) của Mỹ, Đài phát thanh Ôxtrâylia, hãng tin An Giagiêra (Al Jazeera) và nhiều báo lớn trên thế giới hôm qua đồng loạt trích đăng bài phát biểu của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua. Trong đó nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến Biển Đông của Việt Nam là hành động “cực kỳ nguy hiểm đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông”. Các báo cũng trích dẫn khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng Việt Nam đã “hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc”. Thời báo Niu Yoóc nhận định, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là phát ngôn mạnh mẽ nhất của Việt Nam kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến biển Đông.

Trong bài viết có tên "Philippines, Việt Nam yêu cầu ASEAN mạnh tay với Trung Quốc", tờ Inquirer của Philippines cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên án việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan nước sâu ở vùng biển nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Dẫn lời Thủ tướng Việt Nam, bài báo viết "Hành động vô cùng nguy hiểm của Trung Quốc đang trực tiếp đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải ở Biển Đông".

Báo chí Nhật Bản cũng đưa tin về Hội nghị cấp cao ASEAN với nhận xét rằng ASEAN thể hiện sự đoàn kết trong vấn đề Biển Đông. Báo Sankei bản điện tử hôm nay cho biết tình hình căng thẳng tại biển Đông đã trở thành một chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị cấp cao ASEAN. Báo Sankei cũng dẫn lời Tổng thống Myanmar, nước Chủ tịch ASEAN khẳng định các nước ASEAN sẽ cùng đoàn kết để giải quyết vấn đề tại Biển Đông.

Hầu hết các báo và đài phát thanh, truyền hình lớn của Thái Lan đều đưa tin, bình luận về Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Mi-an-ma. Đặc biệt dư luận Thái Lan rất quan tâm đến chủ đề "nóng" là vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này. Đáng chú ý, học giả nổi tiếng Kavi Chongkitthavorn ở Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế Thái Lan cho rằng, các nước thành viên ASEAN cần phải nỗ lực tăng cường đoàn kết để tăng sức mặc cả trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực. Với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, vai trò của Thái Lan rất quan trọng trong việc thuyết phục các nước có mâu thuẫn về vấn đề Biển Đông sớm tiến hành thương lượng nhằm ngăn chặn nguy cơ sử dụng vũ lực. Học giả Kavi cũng đánh giá cao cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc tại Pattaya, Thái Lan gần đây; trong đó hai bên đã có sự trao đổi nhất trí tiếp tục tiến hành nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng dự thảo kế hoạch hành động có sự ràng buộc trong việc kiến tạo hòa bình ở Biển Đông.

Tiến sỹ Gerhard Will, một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP), đã bày tỏ phê phán hành động này của Trung Quốc. Theo ông Will, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam không chỉ khiến Việt Nam, mà nhiều nước khác cũng đặc biệt quan ngại. Ông nêu rõ "hành động này là một sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên Biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký kết".

Trong những ngày qua, dư luận Nga, đặc biệt là giới chuyên gia hết sức quan tâm tới việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông. Theo ông Anton Svetov, chuyên viên Hội đồng đối ngoại Nga, Bắc Kinh muốn thăm dò phản ứng và kiểm tra ngưỡng chịu đựng của các nước trong khu vực cũng như Mỹ. Trên thực tế, mỗi cuộc đụng độ là một lần kiểm tra của Trung Quốc. Trong đó có cả mục đích kiểm tra cấu trúc an ninh khu vực được xây dựng trên hệ thống quan hệ của Mỹ với các nước và các thiết chế đa phương khác trong ASEAN.

Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông do hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Tướng Daniel Schaeffer - nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, nay là chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 của Pháp nhận định đây là một hành động tiếp tục gây căng thẳng của Trung Quốc trong việc khẳng định yêu sách về "đường lưỡi bò" ở Biển Đông”. Ông Schaeffer cho rằng, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Ôx-trây-li-a, Ca-na-đa, Nhật Bản, Nga... cần có hành động dứt khoát, kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc yêu cầu Trung Quốc trả lời về những cam kết của họ đối với Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển, từ bỏ những yêu sách về chủ quyền đối với "đường lưỡi bò". Chỉ khi Trung Quốc từ bỏ yêu sách về "đường lưỡi bò", lúc đó mới có thể đàm phán về các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông”.

P.V