Lỗ thủng nhỏ, đắm tàu lớn!

08/05/2014 15:42

(Baonghean) - Ngày 7/5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã có phán quyết đanh thép: Bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã phạm tội vi hiến. Phán quyết này là cơ sở để tiếp đó Tòa án Hiến pháp đưa ra một kết luận có ảnh hưởng cực lớn đối với con đường chính trị của bà Yingluck và chính trường Thái Lan lúc này: bà Yingluck buộc phải từ chức.

Phiên tòa được hình thành từ việc chấp thuận đơn kiện của 27 Thượng Nghị sỹ Thái Lan kiện Thủ tướng Yingluck Shinawatra ngày 2/4/2014. 27 Thượng nghị sỹ đứng đơn đã cho rằng việc bà Yingluck tước chức Giám đốc an ninh quốc gia của ông Thawil Pliensree vào năm 2011 là vi hiến. Họ cũng cho rằng bà Thủ tướng đã lạm quyền khi điều chuyển ông này đến một vị trí không có thực quyền. Tuy phải đối mặt với nhiều áp lực đến từ phía những người ủng hộ Chính phủ cho rằng Tòa án Hiến pháp Thái Lan luôn gây khó khăn đối với Chính phủ hiện tại và nhất là với Thủ tướng Yingluck, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 7/5 vẫn đưa ra tuyên bố rằng Thủ tướng Yingluck Shinawatra vi phạm hiến pháp và do đó không thể nắm chức vụ này nữa.

Căn cứ vào nội dung đơn kiện của 27 nghị sỹ Thái Lan, với chức năng là cơ quan trực tiếp đứng ra đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến của cơ quan hành pháp, Tòa án Hiến pháp đã kết luận bà thủ tướng đã vi phạm hiến pháp khi điều chuyển Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia năm 2011, để người thuộc phe của bà có thể thế chỗ. Tại phiên xét xử các thẩm phán đã cùng nhất trí rằng bà Yingluck đã lợi dụng chức danh thủ tướng để can thiệp vào việc điều chuyển Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia năm 2011, vì lợi ích riêng của mình. Chánh án Charoon Intachan đã phát biểu trên truyền hình: “Chức danh của Yingluck bị bãi bỏ, bà không còn là một thủ tướng”.

Tại phán quyết của Tòa án Hiến pháp, không chỉ người đứng đầu nội các mà một số bộ trưởng từng ủng hộ việc điều chuyển năm 2011 cũng bị buộc từ chức. Điều này chắc chắn sẽ gây ra sự xáo trộn lớn trong chính trường Thái Lan mà trước hết là khả năng phần lớn nội các hiện thời sẽ phải rời vị trí để tạo khoảng trống cho những cuộc vận động quyền lực vốn đang diễn biến rất phức tạp và gây ra sự chia rẽ lớn.

Bà Yingluck là con út trong số 9 người con của ông Lert Shinawatra và là thành viên trong một dòng họ đầy thế lực về chính trị, tháng 8/2011 bà Yingluck Shinawatra đã trở thành vị thủ tướng thứ 28 của Thái Lan và là nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước này khi mới tròn 44 tuổi. Bà được coi là bản sao của người anh Thaksin Shinawatra – cựu thủ tướng bị phế truất, được cho là nhận được sự hậu thuẫn lớn từ Thaksin nhưng đồng thời bà cũng gặp nhiều sóng gió, thử thách do bởi cáo buộc rằng Chính phủ của bà bị Thaksin “giật dây”.

Ngày 16/5/2011, bà được Đảng Pheu Thai chỉ định là ứng cử viên chức thủ tướng trước cuộc tổng tuyển cử ngày 3/7/2011. Dù rằng bà Yingluck từng phủ nhận cương vị thủ lĩnh đảng và bày tỏ thái độ không muốn làm thủ tướng để tập trung vào hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, việc ông Thaksin bị đảo chính năm 2006 đã làm thay đổi quyết định của bà và đưa bà vào con đường chính trị một cách khá... ngẫu nhiên.

Trong thời gian nắm giữ quyền lực, vị nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan luôn phải đối đầu với muôn vàn áp lực làm dậy sóng chính trường mà đỉnh điểm là vô số các cuộc biểu tình kéo dài, có lúc trở thành xung đột, khủng hoảng. Tuy nhiên, một nghịch lý khiến bất cứ ai cũng cảm thấy bất ngờ đã xảy ra. Nếu những núi khó khăn như: Việc thông qua quỹ đền bù cho các nạn nhân trong cuộc chính biến mới xảy ra, chi 2 tỷ baht cho gia đình những người đã chết cũng như người bị thương hoặc bị bắt giữ oan; Thông qua chính sách trợ cấp lúa gạo - mua gạo của nông dân với giá cao hơn thị trường để tăng cường thu nhập vùng nông thôn khiến cho xuất khẩu của Thái Lan gặp khó khăn; Dự luật ân xá chính trị do chính phủ của bà Yingluck đưa ra năm 2013; Sự phản đối của nông dân trồng lúa do chính phủ còn nợ họ hơn 100 tỷ baht... vẫn không thể làm cho nữ Thủ tướng này bị chùn bước. Thì chỉ với một quyết định điều chuyển công tác nhân sự cho một vị trí cụ thể (đưa ông Thawil Pliensree rời khỏi vị trí Giám đốc an ninh quốc gia vào năm 2011), đã buộc bà phải “đáo tụng đình”, và phải chấp nhận một kết cục khó lòng đảo ngược: bị tuyên bố buộc phải từ chức.

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp chắc chắn sẽ đẩy tới một quá trình phức tạp mới: Những người ủng hộ chính phủ đe dọa sẽ hành động nếu các tòa án khiến nữ thủ tướng phải rời khỏi vị trí lãnh đạo, trong khi phe chống chính phủ vẫn tổ chức những cuộc biểu tình lớn. Vậy là, căng thẳng chính trị kéo dài 6 tháng qua ở Thái Lan hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà thậm chí còn có thể rối ren hơn.

Chí Linh Sơn